TikTok Shop sắp điều chỉnh mức phí cho nhà bán hàng tại Việt Nam

Mới đây, TikTok Shop của Mỹ đã thông báo tăng phí bán hàng lên đến 6%. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy TikTok Shop tại Việt Nam cũng sẽ sớm thực hiện điều chỉnh phí bán hàng.

Mức phí TikTok Shop tại Việt Nam có thể tăng lên bao nhiêu?

Đầu tháng 4 này, tại Mỹ, TikTok thông báo tăng phí từ 2% lên 6% trên giá trị mỗi đơn hàng. Còn tại Việt Nam, tuy chưa có thông tin chính thức, thế nhưng đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy TikTok chuẩn bị thực hiện những thay đổi trong chi phí bán hàng.

Nhìn lại thời gian này một năm về trước, TikTok cũng đã từng thực hiện một đợt điều chỉnh phí bán hàng tại Việt Nam từ 2,5% lên 3%. Đến tháng 9/2023, TikTok lại tiếp tục tăng thêm 1% lên thành 4% cho tất cả các giao dịch đủ điều kiện.

TikTok Shop
TikTok Shop tại Việt Nam sắp tăng phí bán hàng trong thời gian tới.

Dựa trên kịch bản tăng phí từ những lần trước đó, có thể dự đoán, TikTok sẽ tăng phí ngay trong tháng 4 này đi kèm mức tăng có thể dao động trong khoảng từ 0,5 - 1%. Đây được xem là mức điều chỉnh phù hợp.

Giải mã sức hút của TikTok Shop

Chậm chân khá nhiều so với loạt ông lớn như Shopee hay Lazada tại thị trường Việt Nam, TikTok Shop vẫn chứng minh là một “thế lực” không thể coi thường với tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc ngay từ khi ra mắt.

Để thu hút người bán hàng tham gia, TikTok Shop đã áp dụng mức phí bán hàng thấp hơn rất nhiều so với các sàn thương mại điện tử khác như Lazada hay Shopee với tổng phí bán hàng khoảng từ 8 - 16% trên mỗi sản phẩm được thanh toán thành công. Đây được xem là một trong những lí do khiến nền tảng này thu hút được nhiều nhà bán hàng.

TikTok Shop
TikTok Shop đã áp dụng mức phí bán hàng thấp hơn rất nhiều so với các sàn thương mại điện tử khác
để thu hút nhiều nhà bán hàng trên nền tảng này.

Trên TikTok, các doanh nghiệp và người bán hàng dễ dàng giới thiệu sản phẩm và dịch vụ của mình thông qua video ngắn, thậm chí là kết hợp với các nhà sáng tạo nội dung để tiếp thị sản phẩm ngay tại những video giải trí. Khi này, công cụ tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) của TikTok Shop trở thành trợ thủ đắc lực để doanh nghiệp bứt phá doanh thu.

Từ đây, người dùng có thể mua hàng ngay lập tức mà không cần phải chuyển sang ứng dụng hay trang web khác. Điều này không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian mà với những người bán hàng đây là cách để họ thỏa mãn nhu cầu của khách hàng ngay tức thì.

Ngoài ra, “át chủ bài” đứng sau thành công của TikTok Shop nằm ở chính thuật toán AI mà công ty này đang sử dụng. Bằng cách phân tích lịch sử người dùng, hành vi và sở thích, TikTok đưa ra hàng loạt đề xuất sản phẩm cá nhân hóa cho từng người dùng từ đó giúp các nhà bán hàng tiếp cận một lượng khách hàng tiềm năng.

Cùng với đó, hàng loạt ưu đãi như khuyến mãi giảm sâu và cơ hội miễn phí vận chuyển, cùng các chiến dịch giảm giá hấp dẫn nhất là vào các mùa lễ hội thông qua các phiên livestream đã và đang giúp các cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trên nền tảng “bội thu”.

Phát triển nền tảng thương mại điện tử là một trong những trọng tâm trong kế hoạch hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024 của Bộ Công Thương

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký Quyết định số 740/QĐ-BCT ngày 29/3/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024.

Theo đó, để tiếp tục triển khai đẩy mạnh Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động), Ban Chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động xác định 9 nhóm nhiệm vụ. Trong đó có nhiệm vụ phát triển nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới và các nền tảng số cho các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị nhằm kết nối các nhà sản xuất lớn, các nhà phân phối vừa và nhỏ, các nhà bán buôn và các kênh thương mại bán lẻ, các công ty thương mại điện tử, các nền tảng số; Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới và công nghệ số hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, kết hợp phương thức phân phối hiện đại với phân phối truyền thống tại các địa phương, tập trung vào các vùng nông thôn với các sản phẩm chủ lực.

Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2024 cũng phân công cụ thể nhiệm vụ đến các đơn vị thuộc Bộ, Công đoàn Công Thương Việt Nam, Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương, Sở Công Thương các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, Tổng Công ty, các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Công Thương, các doanh nghiệp nhà nước ngành Công Thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan. Vụ Thị trường trong nước làm đầu mối đôn đốc, giám sát, kiểm tra và báo cáo kết quả thực hiện việc triển khai thực hiện Chương trình, báo cáo Lãnh đạo Bộ tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện tới Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động.

Đạt Trịnh