Tỉnh Vĩnh Long thu hút hơn 19.600 tỷ đồng cam kết đầu tư

Tỉnh Vĩnh Long vừa trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác cho đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tổng vốn cam kết hơn 19.600 tỷ đồng.

Ngày 23/3/2024, tại thành phố Vĩnh Long, UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư nông nghiệp, thương mại, du lịch tỉnh Vĩnh Long.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị. Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Vĩnh Long và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh

Tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 cho lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long; Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long đã cung cấp những thông tin cơ bản, tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển của tỉnh; mời gọi thu hút các nguồn lực đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cần phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển Vĩnh Long toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

thủ tướng
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực và thành quả của tỉnh Vĩnh Long qua nhiều thời kỳ, tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển trong thời kỳ mới. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng đánh giá Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra được quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá phát triển; phương án phát triển, giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch và nhiệm vụ triển khai thời gian tới.

Vĩnh Long có vị trí địa lý kinh tế thuận lợi, nằm ở trung tâm châu thổ ĐBSCL; đồng thời nằm giữa hai trung tâm kinh tế lớn là TP.HCM (cách khoảng 100 km theo đường cao tốc) và TP. Cần Thơ (cách khoảng 30 km về hướng Nam); thuận lợi cả đường bộ và đường thủy, hệ thống cao tốc trong khu vực đang được hoàn thiện.

Vĩnh Long hiện là vùng trọng điểm sản xuất lương thực thực phẩm lớn, có tiềm năng phát triển các giống lúa, cây màu, cây ăn quả lớn, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Vĩnh Long có tiềm năng lớn về phát triển du lịch (du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử văn hóa, ví dụ như làng gạch gốm Mang Thít…), là vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi hội tụ nhiều nhân tài, những người con ưu tú của đất nước.

Tỉnh có nguồn lao động dồi dào và có trình độ; có truyền thống và tiềm năng về đào tạo với hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề lớn, cơ sở vật chất và kỹ thuật tốt.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Vĩnh Long cũng như các tỉnh trong vùng ĐBSCL phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nổi bật là 5 vấn đề: Biến đổi khí hậu, sạt lở, sụt lún và ngập mặn; hạ tầng giao thông chưa phát triển; nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng yêu cầu; chưa có các trung tâm công nghiệp lớn để hiện đại hóa nông nghiệp; chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất của cả nước, khu vực và toàn cầu...

tỉnh Vĩnh Long
Thủ tướng và các đại biểu xem sa bàn Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Tập trung phát triển các lĩnh vực trọng tâm

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc triển khai Quy hoạch của tỉnh Vĩnh Long có điều kiện rất thuận lợi trên nền tảng chung của cả nước, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử sau gần 40 năm đổi mới.

Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải khẩn trương ban hành kế hoạch, triển khai Quy hoạch tỉnh; bảo đảm tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; với tầm nhìn dài hạn gắn với định hướng phát triển tổng thể, liên kết vùng, phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển mạnh mẽ KT-XH, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đối khí hậu.

Thủ tướng nhấn mạnh, cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, mảnh đất của mình, không trông chờ, ỷ lại; tập trung nguồn lực trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; tập trung vào các ngành mới nổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, chia sẻ, tri thức…), lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính, tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thủ tướng lưu ý cần thay đổi mô hình tăng trưởng, cần làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), chú trọng các động lực mới, nhất là chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, chống biến đổi khí hậu… là những xu thế mới, tất yếu trên thế giới hiện nay.

"Trong quá trình phát triển, Vĩnh Long cần coi trọng yếu tố con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, động lực cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần", Thủ tướng nhấn mạnh.

Yêu cầu phát triển đồng bộ toàn diện công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, Thủ tướng lưu ý Vĩnh Long một số lĩnh vực trọng tâm như chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp; công nghiệp hóa nông nghiệp với các trung tâm phục vụ đầu vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có các cơ sở sản xuất công cụ, phương tiện nông nghiệp, tăng cường chế biến sâu nông sản; phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó có xây dựng thương hiệu, phát triển ngành gốm sứ Vĩnh Long; tập trung đầu tư, chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, giảm chi phí logistics…; coi trọng phát triển kinh tế ban đêm, thương mại điện tử.

Về nguồn lực, Thủ tướng yêu cầu phải luôn đổi mới tư duy phát triển, khai thác tối đa nguồn lực bên trong; đẩy mạnh hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; xây dựng cơ chế chính sách thuận lợi, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh…

Theo Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long, tỉnh đã và đang hoạch định các giải pháp chiến lược, đưa ra các phương án tạo động lực phát triển để xứng tầm là một trong những trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Đây là cơ hội để Vĩnh Long sắp xếp lại không gian phát triển mới, tạo dư địa và động lực phát triển cho từng lĩnh vực, giải quyết triệt để các nút thắt, điểm nghẽn...

Trong khuôn khổ Hội nghị, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đại diện lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác cho đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư với tổng vốn cam kết hơn 19.600 tỷ đồng.

Vĩnh Long
Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác cho đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng ĐBSCL.

Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu; các di tích lịch sử, bản sắc văn hóa được bảo tồn, tôn tạo và phát huy; quốc phòng và an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Theo quy hoạch, không gian phát triển được tổ chức hợp lý, hài hòa giữa các tiểu vùng, gắn với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Để thực hiện Quy hoạch, tỉnh Vĩnh Long xác định: 01 trục động lực phát triển (tuyến Quốc lộ 1 đi qua thành phố Vĩnh Long - huyện Long Hồ - thị xã Bình Minh); 02 hành lang kinh tế (dọc sông Hậu, dọc sông Tiền và sông Cổ Chiên); 03 đột phá phát triển (hạ tầng, lĩnh vực chủ lực, nguồn nhân lực); 04 trụ cột tăng trưởng (công nghiệp, nông nghiệp - thủy sản, dịch vụ, đô thị); 05 nhiệm vụ trọng tâm (cơ chế, chính sách; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế tư nhân)…

Tỉnh lựa chọn tập trung phát triển các ngành kinh tế quan trọng đúng với tiềm năng, lợi thế, trong đó: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, theo hướng chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; Phát triển du lịch trên nền tảng các di tích lịch sử, văn hóa, làng nghề truyền thống; du lịch sinh thái, sông nước, miệt vườn…, trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh; Phát triển nhanh một số ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, trọng tâm là các ngành có khả năng sử dụng đầu vào là các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn…

Thanh Hà