Triển khai Bản ghi nhớ về quan hệ Đối tác Kinh tế xanh - Kinh tế số Việt Nam - Singapore

Tổ công tác liên ngành được thành lập nhằm phối hợp, giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến triển khai Biên bản ghi nhớ về quan hệ Đối tác Kinh tế xanh - Kinh tế số Việt Nam - Singapore.

Ngày 2/8/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 912/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác liên ngành để triển khai Biên bản ghi nhớ về quan hệ Đối tác Kinh tế xanh - Kinh tế số Việt Nam – Singapore.

Theo Quyết định, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng. Tổ phó gồm: Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Thứ trưởng Bộ Công Thương; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tổ công tác còn có đại diện Lãnh đạo: Bộ Ngoại giao (cấp Thứ trưởng); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cấp Thứ trưởng); Bộ Giao thông vận tải (cấp Thứ trưởng); Bộ Giáo dục và Đào tạo (cấp Thứ trưởng); Bộ Tài chính (cấp Thứ trưởng) và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (cấp Thứ trưởng).

Nhiệm vụ của Tổ công tác

Tổ công tác có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương hướng, giải pháp để giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến việc triển khai Biên bản ghi nhớ về Quan hệ Đối tác Kinh tế xanh – Kinh tế số Việt Nam – Singapore.

Tổ công tác giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến việc triển khai Biên bản ghi nhớ về Quan hệ Đối tác Kinh tế xanh - Kinh tế số Việt Nam - Singapore; giúp Thủ tướng Chính phủ đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong việc thực hiện những vấn đề quan trọng, liên ngành liên quan đến việc triển khai Biên bản ghi nhớ về Quan hệ Đối tác Kinh tế xanh – Kinh tế số Việt Nam - Singapore.

Chế độ làm việc của Tổ công tác

Các thành viên Tổ Công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thường trực của Tổ công tác, sử dụng bộ máy hiện có của mình để thực hiện nhiệm vụ giúp việc Tổ công tác.

Các cơ quan có thành viên tham gia Tổ công tác sử dụng bộ máy hiện có của mình để giúp việc thành viên Tổ công tác trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo phân công của người đứng đầu Tổ công tác.

kinh tế xanh
Thời gian tới, Việt Nam – Singapore sẽ phối hợp, hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Việt Nam – Singapore đẩy mạnh hợp tác các lĩnh vực kinh tế xanh - kinh tế số

Biên Bản ghi nhớ về quan hệ Đối tác Kinh tế xanh - Kinh tế số Việt Nam - Singapore được kí kết trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Singapore tháng 02/2023.

Một trong những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Singapore lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính là thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới, quan trọng như đổi mới sáng tạo, kinh tế số, chuyển đổi số, kinh tế xanh

Thời gian tới, Việt Nam và Singapore dự kiến sẽ đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm quản lý, các sáng kiến, nền tảng trong lĩnh vực chuyển đổi số trên 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; hỗ trợ Việt Nam xây dựng nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trên các lĩnh vực ưu tiên, như quản lý dân cư, tài chính ngân hàng, đất đai, thương mại điện tử… Hai bên cũng sẽ hợp tác phát triển, kết nối chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó có chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu quốc gia (như dữ liệu về hàng hóa, phương tiện vận chuyển, thương mại hướng tới thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu hai nước tiến hành hoàn toàn trên môi trường số).

Về kinh tế xanh, hai Bên sẽ phối hợp, hỗ trợ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng công bằng, hướng tới mục tiêu giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050. Trong đó, việc thúc đẩy kết nối lưới điện giữa Việt Nam-Singapore được kỳ vọng sẽ là hình mẫu cho việc hợp tác về thương mại, kết nối điện trong ASEAN, phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam hoan nghênh và sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Singapore mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhất là trên các lĩnh vực ưu tiên, như đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, chuyển đổi số; ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng xanh; hạ tầng công nghiệp, hạ tầng đô thị; phát triển thị trường vốn; đào tạo nguồn nhân lực; công nghiệp dược, sản xuất các thiết bị y tế; công nghiệp chế biến, chế tạo, vật liệu, điện tử; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Hoàng Phương