Tăng trưởng xanh hiện đang là xu hướng phát triển bao trùm nền kinh tế thế giới, trong đó dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu gia tăng tập trung vào các lĩnh vực: công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn; năng lượng sạch…
Các dự án FDI xanh vào Việt Nam tăng mạnh
Cụ thể hóa Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, ngày 02/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó có nêu rõ: Tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; thu hút các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến; đề cao trách nhiệm với xã hội và bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến ngày 20/4/2023, cả nước có 37.065 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 445,9 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt hơn 279,8 tỷ USD, bằng gần 62,8% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Đáng chú ý, ngày càng nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào các lĩnh vực xanh của Việt Nam như: năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, công nghiệp - nông nghiệp công nghệ cao…
Trong đó, Intel là doanh nghiệp FDI đầu tiên lắp đặt hệ thống điện mặt trời tại Việt Nam, đây là hệ thống điện mặt trời đầu tiên và duy nhất của Intel tại châu Á và là hệ thống lớn thứ 6 trong 15 hệ thống điện năng lượng mặt trời của Intel trên toàn cầu. Tập đoàn đa quốc gia China Tianying đầu tư dự án điện rác với giá trị đầu tư hơn 7000 tỷ tại Sóc Sơn, Hà Nội. Tập đoàn Lego xây nhà máy trung hòa carbon 1 tỷ USD hướng tới mục tiêu không phác thải khí CO2. Cuối tháng 12/2023, Tập đoàn Điện tử Samsung - doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam cũng đã đầu tư thêm 20 tỉ USD vào lĩnh vực sản xuất, hoàn tất xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (R&D) quy mô lớn nhất Đông Nam Á…
Mới đây nhất, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài diễn ra ngày 22/4/2023, có 3 tập đoàn thông báo về kế hoạch đầu tư mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm nay, với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD. Đó là Dự án sản xuất xanh sử dụng năng lượng tái tạo 1,5 tỷ USD của nhà đầu tư Đức; Dự án sản xuất trang thiết bị y tế 600 triệu USD của nhà đầu tư Nhật Bản; Dự án sản xuất công nghiệp nặng và logistic 1,6 tỷ USD của nhà đầu tư Hàn Quốc.
Tăng trưởng xanh từ khâu sản xuất
Trao đổi tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Doanh nghiệp FDI trong tăng trưởng xanh của Việt Nam" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng, những năm gần đây, chúng ta "xanh" không chỉ là nói về doanh nghiệp, mà còn nói về khoa học công nghệ. Đối với cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, chúng ta cần chọn lọc, đưa ra những tiêu chí để họ đầu tư khoa học công nghệ tiên tiến nhất vào để giảm phát thải khí nhà kính.
“Để nền kinh tế của chúng ta từ giờ đến năm 2050 giảm phát thải bằng 0 thì công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng”, ông Vinh nêu ý kiến và cho rằng cộng đồng doanh nghiệp phải chuyển đổi tư duy từ kinh doanh truyền thống vị lợi nhuận sang kinh doanh bao trùm hơn, bền vững hơn. Kinh doanh tạo ra những giá trị mới không chỉ về kinh tế, mà kinh doanh còn tạo ra những giá trị nhân bản về mặt xã hội và kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường.
Đồng quan điểm tăng trưởng xanh từ khâu sản xuất, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài ((VAFIE) khẳng định: Tăng trưởng xanh cần phải giải quyết từ khâu sản xuất, lưu thông, tiêu dùng và cuối cùng là hậu tiêu dùng.
Theo ông Toàn, phải làm đồng bộ tất cả các khâu mới tăng trưởng xanh được, nếu chỉ làm một khâu sẽ đứt gãy chuỗi, cả chuỗi phải xuyên suốt thì mới có kinh tế tuần hoàn. Chính phủ đã có những chính sách rất tốt, nhưng vấn đề là phải có kế hoạch vận hành từ tỉnh, huyện, xã và kế hoạch vận hành từ doanh nghiệp. Muốn đến năm 2050 phát thải bằng 0 thì tất cả doanh nghiệp cũng phải có mục tiêu như vậy, chứ không phải chỉ có mục tiêu quốc gia, mục tiêu chung chung mà không phải mục tiêu của doanh nghiệp.
Nestlé: Hiệu quả từ công nghệ tái sinh
Ông Chris Hogg, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển bền vững và Truyền thông khu vực châu Á, châu Đại dương và châu Phi - Tập đoàn Nestlé chia sẻ: Nestlé khuyến khích, động viên nhà nông áp dụng công nghệ về nông nghiệp tái sinh và có những giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải carbon cũng như quá trình hấp thụ của khí quyển để tăng cường chất lượng của đất. Như vậy, sẽ thúc đẩy tính bền vững trong toàn bộ quá trình sản xuất, tăng năng suất lao động và có những ưu tiên đối với vấn đề về sức khỏe, giúp cho nhà nông có thể tăng được năng suất, hiệu quả nhưng đồng thời giảm thiểu sử dụng hóa chất trong sản xuất.
Nestlé cũng mong muốn giúp những người nông dân trở thành những doanh nhân, có nguồn thu nhập ngày càng cao hơn, sử dụng khoa học công nghệ mới để tạo nên sự khác biệt.
Bên cạnh đó, Nestlé cũng hướng các nhà máy, hệ thống các trung tâm phân phối của mình chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo những sản phẩm từ sinh khối, giảm thiểu phát thải carbon. “95% các sản phẩm đóng gói của Nestlé có thể tái chế trong tương lai - đến năm 2025 chúng tôi cố gắng sẽ là 100%. Chúng tôi cũng giảm thiểu rác thải nhựa và quan tâm đến việc sử dụng nguồn nước”, ông Chris Hogg chia sẻ.
Đại diện Nestlé bày tỏ sự tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ Việt Nam. “Hành trình tới sẽ còn có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta có sự quyết tâm… Chúng ta đã nói nhiều về những thách thức nhưng chúng ta cũng đã thấy có những tiềm năng và nhiều biện pháp để thực hiện”, đại diện Nestlé khẳng định.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhà đầu tư chuyển đổi theo hướng xanh
Đối với vấn đề làm thế nào để có thể khuyến khích doanh nghiệp tiếp tục thực hiện những sáng kiến và tăng trưởng xanh, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa, minh bạch tối đa để hỗ trợ các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự hiệu quả, trong đó có những hoạt động về đầu tư xanh như phục vụ cho phát triển kinh tế xanh. Đặc biệt, sẽ giảm thiểu hết mức các điều kiện về đầu tư kinh doanh cũng như các thủ tục hành chính. Đây là một trong những giải pháp cơ bản và trọng yếu giúp tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thích đáng, đúng, thực chất đối với những vấn đề doanh nghiệp cần, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi cách thức hoạt động sản xuất kinh doanh của mình theo hướng xanh. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận những thị trường có tiềm năng như thị trường năng lượng, công nghệ thông tin bởi chúng ta chỉ có thể thực hiện được chiến lược tăng trưởng xanh nếu phát triển đồng thời với việc phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời nghiên cứu những cơ chế, chính sách giúp các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh.
“Điều quan trọng hơn là các doanh nghiệp cũng phải đồng hành cùng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương. Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của các doanh nghiệp FDI. Do đó, các doanh nghiệp FDI sẽ hỗ trợ, hợp tác một cách hiệu quả với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc thay đổi cách thức đầu tư kinh doanh của mình, làm thế nào để chúng ta thay vì vị lợi nhuận thành vị xã hội, vì những điều mang lại lợi ích bao trùm hơn không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho cộng đồng, xã hội”, ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ thêm: Hiện nay tự bản thân các doanh nghiệp đang thay đổi dần nhận thức và thấy rằng việc chuyển đổi xanh của mình là yêu cầu tất yếu phải làm. Do vậy, trong tương lai, điều mà Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương cần làm là tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể triển khai thực hiện các hoạt động sản xuất đầu tư xanh chứ không phải khuyến khích các doanh nghiệp. Chính phủ tạo bệ đỡ duy trì để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai hoạt động một cách hiệu quả và đóng góp tốt hơn vào sự phát triển kinh tế bền vững, bao trùm của đất nước.