Trong tâm dịch Covid-19: Thu giữ 20.000 khẩu trang không nguồn gốc tại Hà Nội

Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát địa bàn, Đội QLTT số 15, Cục QLTT Hà Nội phối hợp cùng Công an Hoàng Mai đã tạm giữ gần 20.000 khẩu trang không có hoá đơn chứng từ hợp lệ.

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, trong ngày 8/3/2020, lực lượng QLTT cả nước đã tổng kiểm tra 46 vụ, trong đó xử lý vi phạm 5 vụ việc liên quan đến mặt hàng khẩu trang.

Điển hình, ngày 7/3/2020, Đội QLTT số 15 - Cục QLTT phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội kiểm tra địa điểm kinh doanh thuộc công ty TNHH O - T Pharma Việt Nam, địa chỉ tại tầng 3, BTO4, TT 1A, Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn phát hiện 20.000 chiếc khẩu trang tại địa điểm kinh doanh thuộc Công ty, chủ cơ sở chưa xuất trình được hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Đội QLTT số 15 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên để tiếp tục xác minh làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

khẩu trang giả
Trong tâm dịch Covid-19, lực lượng QLTT Hà Nội thu giữ 20.000 khẩu trang không nguồn gốc chuẩn bị được đưa ra lưu thông tại thị trường

Tại Cần Thơ, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, từ ngày 31/1 đến ngày 8/3/2020, Cục QLTT tỉnh Cần Thơ đã xử lý 52 vụ vi phạm; tổng số tiền xử phạt: 125.150.000 đồng.

Các hành vi vi phạm phổ biến gồm, không niêm yết giá hàng hóa (khẩu trang y tế, khẩu trang vải, dung dịch rửa tay khô, cồn 70 độ) tại địa điểm phải niêm yết giá theo quy định của pháp luật; hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định; niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Như vậy, tính từ ngày 31/1 đến ngày 8/3/2020, lực lượng QLTT cả nước đã xử lý, kiểm tra 5.867 vụ, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới hơn 1,8 tỷ đồng.

Riêng Cục QLTT Hà Nội, tính từ ngày 31/1 đến ngày 8/3/2020, Cục QLTT Hà Nội đã triển khai ký cam kết đến 2.575 cơ sở, xử lý 208 cơ sở, phạt tiền vi phạm hành chính trên 494 triệu đồng. Ngoài ra còn tạm giữ 841.104 chiếc khẩu trang và đã bàn giao 126.116 chiếc khẩu trang đã tịch thu cho Sở Y tế Hà Nội theo quy định, 8.695 sản phẩm rửa tay sát trùng.

Ngoài ra, Tổng cục QLTT cũng cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, đêm ngày 6/3/2020, UBND Thành phố Hà Nội thông tin, trên địa bàn thành phố, hiện có 1 người đi từ nước ngoài về có xét nghiệm dương tính với Covid-19.

Đến nay, trên địa bàn TP. Hà Nội đã có 4 ca dương tính với Covid-19. Qua công tác nắm bắt tình hình thị trường, từ sáng ngày 7/3/2020, tại một số siêu thị, cửa hàng tiện ích, bán lẻ hàng tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội xảy ra hiện tượng người dân tập trung đông người để mua thực phẩm dự trữ sau khi thông tin ca nhiễm virut Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội được xác nhận.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, từ ngày 7/3, hệ thống các siêu thị đang triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho người dân.

Ngay sau đó, Tổng cục QLTT đã có công văn hỏa tốc số 430/TCQLTT-CNV ngày 7/3/2020 yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Đội QLTT giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh trong điều kiện thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh COVID-19.

Hiện việc kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các Bộ triển khai quyết liệt và sát sao nên người dân tại thành phố Hà Nội không nên quá hoang mang, lo lắng.

Theo báo cáo của lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.

 

Hạ An