Trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội khóa 13 hôm 22/5, Trung Quốc đã bỏ qua việc đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2020. Trung Quốc đã hoãn họp quốc hội nước này trong gần 2 tháng do sự bùng phát của đại dịch Covid-19 vào đầu năm nay.
Theo thông báo bằng tiếng Anh được phát đi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết “Chúng tôi (Trung Quốc) chưa đặt mục tiêu cụ thể cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay do Trung Quốc sẽ đối mặt một số khó khăn trong việc dự báo mức tăng trưởng dưới các tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu hiện nay”.
Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức kinh tế chưa từng có và lần đầu tiên xuất hiện nguy cơ sụt giảm tăng trưởng sau nhiều thập niên tăng trưởng cao liên tục. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh nền kinh tế nước này đang đối mặt với tình trạng sức tiêu thụ nội địa, đầu tư và xuất khẩu suy yếu, áp lực về việc làm gia tăng mạnh, đồng thời, các nguy cơ bất ổn trong hệ thống tài chính đang tích luỹ cao.
Trong năm 2019, tăng trưởng GDP của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ đạt 6,1% - mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây trước các tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc. Dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc cũng cho thấy GDP của nước này trong quý 1/2020 đã giảm mạnh 6,8% so với cùng kỳ năm 2019 dưới các tác động của đại dịch Covid-19. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận GDP theo quý sụt giảm kể từ năm 1992 – thời điểm Trung Quốc bắt đầu công bố dữ liệu GDP hàng quý.
Mặc dù các hoạt động kinh tế tại Trung Quốc đã dần phục hồi trở lại kể từ tháng 4/2020 khi nước này kiểm soát được các điểm nóng về dịch bệnh nhưng giới chức quản lý đã lên tiếng lo ngại sự sụt giảm nhu cầu về hàng hoá dịch Trung Quốc của các nước ngoài khi đại dịch Covid-19 lây lan rộng trên thế giới sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình phục hồi kinh tế của nước này.
Nhiều nhà kinh tế học đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2020. Tập đoàn ngân hàng đầu tư China International Capital Corporation đã hạ dự báo tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc từ mức 6,1% xuống còn 2,6% trong năm nay.
Thất nghiệp trở thành trọng tâm hàng đầu
Mặc dù không đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay, giới chức Trung Quốc vẫn công bố một số chỉ tiêu kinh tế khác, đặc biệt là đối với việc làm. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh công tác đảm bảo việc làm sẽ vẫn là trọng tâm hàng đầu của nước này với tỷ lệ thất nghiệp mục tiêu ở mức 6%. Con số này sẽ được đo lường bằng các khảo sát chính thức tại các vùng đô thị của Trung Quốc và mức mục tiêu này tăng so với mức 5,5% được đề ra hồi năm ngoái.
Số lượng công việc mới được tạo ra trong năm 2020 cũng chỉ ở mức “hơn 9 triệu việc làm” thấp hơn nhiều so với con số 11 triệu việc làm được Chính phủ Trung Quốc đề ra trong năm 2019.
Tỷ lệ thất nghiệp chính thức do Chính phủ Trung Quốc công bố trong tháng 4 là 5,8% dựa trên khảo sát tại các vùng đô thị. Tuy nhiên, mức tỷ lệ thất nghiệp tại các vùng đô thị của nước này vốn được giữ ổn định quanh mức 4% - 5% trong nhiều năm trở lại đây. Các nhà phân tích tại tập đoàn ngân hàng BNP Paribas cho rằng tỷ lệ thất nghiệp thực, nếu tính cả khu vực nông thôn, có thể lên 12% trong quý 1/2020 với khoảng 130 triệu người đã bị mất việc làm.
Trong khi đó, Zhang Bin, nhà kinh tế học tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định số người thất nghiệp tính đến cuối tháng 3/2020 tại Trung Quốc ở mức khoảng 80 triệu. Trong vài tháng tới, sức ép lên thị trường việc làm Trung Quốc sẽ càng lớn, khi lượng sinh viên kỷ lục sẽ tốt nghiệp năm nay. Tình trạng thất nghiệp tăng cao có thể khiến gia tăng bất ổn xã hội, đồng thời tăng trưởng thu nhập thấp sẽ làm giảm nhu cầu tiêu dùng, gây suy yếu đà phục hồi kinh tế.
Trung Quốc chưa từng đối mặt với thất nghiệp quy mô lớn như hiện nay kể từ những năm 1990 – khi hàng loạt doanh nghiệp nhà nước tại đây sa thải lao động. Tại thời điểm đó, nền kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng được vực dậy khi nước này đón đầu làn sóng toàn cầu, cho phép kinh tế tăng trưởng nhanh theo đà tăng trưởng của Hoa Kỳ và một số quốc gia khác.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên căng thẳng. Đồng thời, nhiều quốc gia khác cũng đang xem xét việc di chuyển cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc sau sự bùng phát của đại dịch Covid-19.Hiện các doanh nghiệp nước ngoài đang trực tiếp và gián tiếp tạo ra khoảng 200 triệu việc làm tại Trung Quốc.
Đẩy mạnh phát hành nợ
Giới phân tích nhận định việc Trung Quốc bỏ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay có thể giúp nước này tự do hơn trong việc xác định quy mô gói kích thích tăng trưởng kinh tế. Trước kỳ họp quốc hội, giới lãnh đạo Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ đẩy mạnh các gói kích thích kinh tế, trong bối cảnh quan ngại gia tăng rằng tình trạng thất nghiệp nhân rộng có thể đe dọa đến sự ổn định của xã hội.
Giữa tháng 5/2020, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã công bố báo cáo thực thi chính sách tiền tệ quý 1/2020 của Trung Quốc và cho biết nền kinh tế nước này “cần có các chính sách hỗ trợ quy mô lớn hơn, chính sách tiền tệ và môi trường tài chính hợp lý nhằm vượt qua các tác động của đại dịch Covid-19”. Điều này báo hiệu PBOC có thể đẩy mạnh hơn nữa việc nới lỏng các chính sách tiền tệ trong thời gian tới nhằm hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc phục hồi.
Thủ tướng Trung Quốc LÝ Khắc Cường cũng cho biết sẽ phát hành lượng trái phiếu tổng trị giá 1.000 tỷ Nhân dân tệ để có nguồn tài chính hỗ trợ nền kinh tế nước này vượt qua các tác động của đại dịch Covid-19. Đồng thời, lượng trái phiếu địa phương của Trung Quốc dành cho các dự án phát triển năm 2020 cũng sẽ được tăng thêm 1.600 tỷ Nhân dân tệ; trong năm 2019, lượng trái phiếu này đạt 3.750 tỷ Nhân dân tệ.
Trung Quốc sẽ đẩy mạnh xây dựng các loại cơ sở hạ tầng mới giúp mở rộng sự phát triển của công nghệ 5G và các cơ sở phục vụ xe điện; đồng thời, nước này cũng sẽ tập trung vào việc bảo vệ nguồn nước và phát triển đường sắt quốc gia, ông Lý Khắc Cường cho biết.