Tư pháp phục hồi và một số chương trình tư pháp phục hồi trên thế giới

Bài viết "Tư pháp phục hồi và một số chương trình tư pháp phục hồi trên thế giới" do Trần Tuấn Minh (Viện Nhà nước và Pháp luật) thực hiện.

Tóm tắt:

Tư pháp phục hồi là một vấn đề lý luận đã được nghiên cứu, bình luận trong rất nhiều công trình khoa học trên thế giới. Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn còn rất nhiều quan điểm bất đồng, chưa thống nhất về cách giải thích, khái niệm tư pháp phục hồi. Do đó, bài viết nghiên cứu một số vấn đề lý luận về tư pháp phục hồi và giới thiệu về một số chương trình tư pháp phục hồi nổi bật được áp dụng trên thế giới.

Từ khóa: tư pháp phục hồi, chương trình tư pháp phục hồi, tư pháp hình sự.

1. Lý thuyết về tư pháp phục hồi

1.1. Khái niệm về tư pháp phục hồi

Tư pháp phục hồi (TPPH) là một phong trào tương đối mới trong lĩnh vực tư pháp hình sự. Sự xuất hiện của TPPH đã đưa ra những phương thức mới để giải quyết tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. Hiện nay, các quốc gia có những cách giải thích cũng như sử dụng thuật ngữ khác nhau để đặt tên cho loại mô hình này như: tư pháp tích cực (positive justice), tư pháp mang tính liên hệ (relational justice), tư pháp khắc phục (reparative justice), tư pháp cộng đồng (community justice)[1]... Tuy nhiên, thuật ngữ tư pháp phục hồi vẫn được sử dụng và công nhận rộng rãi nhất.

Thông qua việc xác định tội phạm là hành vi đem lại tổn thất, thiệt hại cho con người và cộng đồng, TPPH khẳng định rằng các hoạt động tư pháp sẽ có thể sửa chữa những tổn thất, thiệt hại đó và đồng thời cho phép các bên liên quan được tham gia vào quá trình phục hồi này. Tạm thời định nghĩa khái niệm TPPH như sau: là một cách tiếp cận nhằm giải quyết tội phạm, tranh chấp và xung đột trong các cơ sở giam giữ, trong đó nhấn mạnh tới việc đối thoại, phục hồi, giải quyết những hậu quả, giá trị đã bị tổn hại do hành vi tội phạm gây ra thông qua sự tham gia tích cực, tự nguyện, từ tất cả các bên có liên quan và của cả cộng đồng.

1.2. Mục đích của tư pháp phục hồi

Có thể xác định các mục đích cơ bản của TPPH như sau:  

- Nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của nạn nhân - vật chất, tài chính, tình cảm và xã hội (bao gồm cả những người thân thiết với nạn nhân có thể bị ảnh hưởng tương tự) cũng như ủng hộ, khuyến khích họ tự nguyện tham gia vào tiến trình tìm phương án giải quyết.

- Sửa chữa những mối quan hệ bị tác động bởi tội phạm bằng cách đạt được sự đồng thuận về phương án xử lý tốt nhất.

- Ngăn ngừa tái phạm bằng cách tái hòa nhập cộng đồng.

- Để người phạm tội nhận thức và tự nguyện chịu trách nhiệm tích cực về hành động của mình.

- Nhằm tạo dựng một cộng đồng hỗ trợ việc cải tạo người phạm tội, nạn nhân và tích cực ngăn chặn tội phạm.

- Nhằm cung cấp một giải pháp để tránh cho các bên phải tham gia vào các hoạt động tố tụng cũng như các chi phí và sự chậm trễ liên quan.

1.3. Các đặc điểm của tư pháp phục hồi

Thứ nhất, TPPH là cách tiếp cận tập trung vào những tác động tiêu cực của tội phạm.

TPPH xác định hành vi tội phạm trước hết là sự tổn hại tới con người và cộng đồng. Tội phạm để lại sau đó những tác động tiêu cực tới nạn nhân, cộng đồng và thậm chí cả người phạm tội, mỗi người bị tổn hại theo những cách khác nhau và có những nhu cầu tương ứng khác nhau. Để thúc đẩy quá trình phục hồi, TPPH phải đáp ứng một cách thích hợp, có tính đến nhu cầu và trách nhiệm của mỗi bên[2].

Thứ hai, TPPH tập trung vào nghĩa vụ phát sinh từ những hành vi tội phạm.

TPPH nhấn mạnh tới tính chịu trách nhiệm của những người gây ra hành vi tội phạm. TPPH tìm cách trao cho những người phạm tội và cả người bị ảnh hưởng bởi những tác động do tội phạm gây ra - tức là thủ phạm và nạn nhân - cùng với các thành viên trong vòng tròn quan hệ thân cận của họ (những người rất thân thiết với người phạm tội và nạn nhân, chẳng hạn như bạn bè và gia đình) vai trò trung tâm trong quá trình quyết định những gì cần phải làm để phục hồi, sửa chữa[3]. Do đó, các cơ quan tư pháp trong tư pháp hình sự truyền thống đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều tra, khởi tố, ra quyết định; vai trò của TPPH là tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thảo luận và tìm ra những mong muốn, quyết định của các bên liên quan trực tiếp, thay vì đưa ra một phán quyết và áp đặt chúng lên các bên liên quan.

Thứ ba, TPPH đề cao việc tham gia, tương tác chủ động, tích cực của các bên.

Hầu như mọi khía cạnh của hệ thống tư pháp hình sự truyền thống của chúng ta đều hoạt động nhằm biến nạn nhân, người phạm tội và cộng đồng thành những người tham gia thụ động. Bởi vì, Nhà nước được coi là một chủ thể chính trong tố tụng hình sự do hành vi tội phạm đã xâm phạm tới khách thể được Nhà nước bảo vệ; cho nên những hoạt động cưỡng chế của Nhà nước trong việc bắt giữ, truy tố và xét xử những người phạm tội được xem là hợp lý và hợp pháp. Ngược lại, TPPH đề cao vào sự tham gia trực tiếp của các bên. Đối với những nạn nhân đã từng trải qua cảm giác bất lực, cơ hội được tham gia vào quá trình phục hồi sẽ khôi phục lại cho họ sự kiểm soát. Còn đối với người phạm tội đã gây tổn hại cho người khác, việc tự nguyện nhận trách nhiệm là một bước quan trọng không chỉ để giúp đỡ những người đã bị tổn thương do hành vi phạm tội đã gây ra, còn góp phần xây dựng một hệ thống giá trị xã hội.

2. Một số chương trình tư pháp phục hồi trên thế giới

2.1. Hòa giải giữa nạn nhân - người phạm tội (Victim-Offender Mediation)

Những chương trình hòa giải đầu tiên giữa nạn nhân và người phạm tội xuất phát từ mục đích nhằm tác động đến người phạm tội và giúp họ hiểu được tác hại họ đã gây ra cho nạn nhân. Những chương trình này có khởi nguồn từ một chương trình cộng đồng chứ không phải do hệ thống tư pháp hình sự thực hiện. Các chương trình ban đầu tự gọi là chương trình kết nối nạn nhân - người phạm tội, muốn nhấn mạnh mối quan hệ, ảnh hưởng tích cực mà chương trình này có thể đạt được[4]. Mục đích của cuộc gặp gỡ là để mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội đạt được một mức độ phục hồi nào đó. Các chương trình hòa giải giữa nạn nhân và người phạm tội bắt đầu được thử nghiệm ở các nước Scandinavi[5].

Những chương trình thử nghiệm ban đầu là nỗ lực tìm hiểu xem nạn nhân và người phạm tội có thể tham gia với vai trò là những chủ thể chính như thế nào. Các chương trình này hướng tới kết quả đạt được một thỏa thuận giải quyết.

2.2. Xử án vòng tròn

Chương trình này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như vòng tròn kết án, vòng tròn cộng đồng và vòng kết nối điều trị. Các chương trình này xuất phát từ quan điểm công lý của thổ dân ở Canada. Xử án theo vòng tròn là một cách tiếp cận tái hòa nhập toàn diện được thiết kế để giải quyết các hành vi tội phạm và lệch chuẩn của người thực hiện hành vi đó cũng như những nhu cầu của nạn nhân, gia đình và cộng đồng[6]. “Vòng tròn” này sẽ bao gồm nạn nhân của tội phạm, người phạm tội, gia đình và bạn bè của cả hai, nhân viên tư pháp và dịch vụ xã hội (bao gồm cảnh sát, luật sư và thẩm phán) và những người dân trong cộng đồng có quan tâm tới vụ án. Các thành viên trong vòng tròn lần lượt thảo luận về sự kiện này, cố gắng nhìn nhận, tìm hiểu sự việc đã xảy ra. Họ cùng nhau xác định các bước cần thiết để hỗ trợ chữa lành vết thương cho tất cả các bên bị ảnh hưởng và ngăn ngừa tội phạm trong tương lai. Tất cả các thành viên trong vòng tròn tham gia thảo luận để đi đến một quyết định thống nhất nhằm giải quyết những mối quan tâm cũng như nhu cầu của các bên liên quan.

2.3. Hội nghị về tác động đối với nạn nhân

Hội nghị này là diễn đàn dành cho các nạn nhân của tội phạm để giải thích, đối thoại về tác động thực tế của tội phạm đối với người đã thực hiện hành vi này. Không giống như các cuộc họp nhóm, các hội nghị về tác động của nạn nhân sẽ không yêu cầu sự tiếp xúc trực tiếp giữa người phạm tội và nạn nhân của họ. Thay vào đó, hội nghị này thường sử dụng người thay thế hoặc gia đình và bạn bè của những nạn nhân đã có trải nghiệm tương tự về tội phạm đó. Mục đích của hội nghị này nhằm giúp người phạm tội cá nhân hóa và thấu hiểu, nhận thức được hậu quả của hành vi tội phạm mà họ đã thực hiện có tác động như thế nào đối với nạn nhân và cộng đồng. Sự tham gia của người phạm tội vào các hội nghị này thường theo lệnh của Tòa án. Các phiên thảo luận thường có ba hoặc bốn diễn giả là nạn nhân, mỗi người dành khoảng 15 phút để truyền đạt câu chuyện của mình một cách khách quan nhất. Các tổ chức cung cấp dịch vụ cho nạn nhân thường đứng ra tổ chức thực hiện chương trình hội nghị về tác động của nạn nhân cho tòa án hoặc phối hợp tổ chức với nhân viên tư pháp[7].

3. Kết luận

Có thể nhận thấy, TPPH đã được nghiên cứu và áp dụng trong thực tiễn tư pháp hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới. Mặc dù có những khác biệt nhất định, nhưng các quốc gia vẫn duy trì những đặc điểm, mục đích, nguyên tắc hoạt động chung nhất của TPPH, như đảm bảo sự tham gia tự nguyện, tích cực của cả nạn nhân và người phạm tội, có sự giúp sức của cả cộng đồng; tăng cường tính chịu trách nhiệm của người phạm tội; tìm ra những thỏa thuận chung để khôi phục những hậu quả của tội phạm, ngăn ngừa tái phạm và cải thiện quan hệ trong cộng đồng. Thông qua việc áp dụng TPPH, việc xử lý tội phạm đã có những lựa chọn mới nhẹ nhàng nhưng vẫn có sức thuyết phục, giáo dục người phạm tội, thậm chí giải quyết triệt để những hậu quả tồn tại không chỉ của người phạm tội, nạn nhân mà của cả cộng đồng chịu ảnh hưởng. Hiện nay, TPPH ở Việt Nam vẫn còn là một vấn đề mới. Tuy nhiên, việc học hỏi kinh nghiệm về TPPH cũng sẽ góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, ghi nhận những nguyên tắc pháp lý tiến bộ và văn minh của các nước nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay, đáp ứng quy trình phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng thật sự khoa học, hợp lý, để giảm thiểu cũng như phòng ngừa xảy ra tái phạm sau khi đã chấp hành xong hình phạt tù.

 

Tài liệu tham khảo và trích dẫn:

[1] Lê Huỳnh Tấn Duy, Hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi trên cơ sở hướng dẫn của Liên hợp quốc về tư pháp phục hồi, Tạp chí Khoa học pháp lý số 06/2017, tr. 37.

2 Abhishek Bishnoi, Bhawana, Restorative Justice: A New Way Toward Justice, International Journal of Scientific Development and Research, Vol 7 Issue 9, tr. 710.

3 Gerry Johnstone (2014), Restorative Justice In Prisons: Methods, Approaches and Effectiveness, https://rm.coe.int/16806f9905, truy cập ngày 12/8/2023.

4 Daniel W. Van Ness, Karen Heetderks Strong, Restoring Justice, Fourth Edition: An Introduction to Restorative Justice 4th Edition, tr. 27.

5 Daniel W. Van Ness, Karen Heetderks Strong, tldd, tr. 27.

6 Bazemore, G., & Umbreit, M. (2001). A comparison of four restorative conferencing models (Juvenile Justice Bulletin). Washington, DC: Department of Justice, Office of Juvenile Justice and Delinquency Prevention.

7 Daniel W. Van Ness, Karen Heetderks Strong, tldd, tr 28.

 

Restorative justice and some restorative justice programs around the world

Tran Tuan Minh

Institute of State and Law

Abstract:

Restorative justice is a theoretical issue that has been researched and commented on in many scientific works around the world. Until now, researchers still have many disagreements about the concept of restorative justice. Therefore, this study analyzes some theoretical issues about restorative justice and introduces some notable restorative justice programs around the world.

Keyword: restorative justice, restorative justice program, criminal justice.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 10 năm 2023]