TÓM TẮT:

Dữ liệu lớn (Big Data) đang được ứng dụng vào rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, tạo những chuyển biến ấn tượng, giúp tăng hiệu quả và năng suất của doanh nghiệp. Tại bài viết này, tác giả đi sâu vào phân tích những ứng dụng của Big Data trong từng ngành, cơ hội và thách thức trong việc sử dụng Big Data trên thế giới và ở Việt Nam.

Từ khóa: Big Data, nền kinh tế số.

1. Tổng quan về dữ liệu lớn

1.1. Khái niệm

Xuất hiện từ những năm cuối thế kỷ 20, Dữ liệu lớn (Big Data) là một thuật ngữ dùng để chỉ lượng dữ liệu khổng lồ và phức tạp. Big Data được tạo ra bởi các Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp từ các ngành nghề khác nhau, các cá nhân và thiết bị điện tử, mà công cụ xử lý dữ liệu truyền thống không còn đáp ứng được nữa.

Theo Gartner Research (2014): “Big Data là tài sản thông tin, mà những thông tin này có khối lượng dữ liệu lớn, tốc độ cao và dữ liệu đa dạng, đòi hỏi phải có công nghệ mới để xử lý hiệu quả nhằm đưa ra được các quyết định hiệu quả, khám phá được các yếu tố ẩn sâu trong dữ liệu và tối ưu hóa được quá trình xử lý dữ liệu”.

Như vậy, những dữ liệu thông tin ở trạng thái thô được xử lí nhờ vào các thuật toán để biến thành các dữ liệu thông tin có giá trị.

1.2. Nguồn hình thành Big Data

Từ các khái niệm về Big Data, có thể thấy nguồn hình thành Big Data chủ yếu từ:

(1) Dữ liệu hành chính (bao gồm dữ liệu từ Chính phủ và các tổ chức, cơ quan phi Chính phủ), như: thống kê, báo cáo của Chính phủ từ các hoạt động, nhiệm vụ; hồ sơ y tế của các bệnh viện; hồ sơ bảo hiểm từ các đơn vị bảo hiểm; hồ sơ ngân hàng từ ngân hàng trung ương và các ngân hàng thương mại,…

 (2) Dữ liệu hoạt động thương mại (hình thành từ các giao dịch xuất phát từ hai phía), như: giao dịch online; giao dịch thẻ ngân hàng; giao tiếp qua các mạng xã hội, thiết bị di động,…

(3) Dữ liệu từ thiết bị cảm biến, như: thiết bị chụp hình vệt tinh, thiết bị cảm biến khí hậu, thiết bị cảm biến đường.

(4) Dữ liệu từ thiết bị theo dõi, như: thiết bị định vị GPS, thiết bị cài trong điện thoại di động.

(5) Dữ liệu từ hành vi, như: đọc tin tức các trang mạng trực tuyến, tìm kiếm thông tin trực tuyến (sản phẩm, dịch vụ, thông tin khác)…

(6) Dữ liệu từ các cuộc khảo sát, như: các thông tin về ý kiến, quan điểm của cá nhân, tổ chức trên các phương tiện thông tin, các cuộc khảo sát trực tiếp.

1.3. Đặc trưng của Big Data

Hình 1: Mô hình 5V

http://tapchicongthuong.vn/images/yen-koi/nckh/thanh_11_2.jpg

Nguồn: http://whatis.techtarget.com/definition/3Vs

Theo mô hình 5V (Hình 1), Big Data có 5 đặc trưng cơ bản sau: (Bảng 1)

Bảng 1. Đặc trưng của Big Data

Đặc trưng của Big Data

Nguồn: Gartner Research (2014)

2. Ứng dụng của Big Data trong nền kinh tế số

Big Data được ứng dụng rất hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế, nhất là trong thương mại điện tử, ngân hàng, Digital Marketing, bán lẻ.

2.1. Thương mại điện tử

Big Data giúp doanh nghiệp biết được khách hàng quan tâm tới sản phẩm nào mà đưa ra các quảng cáo phù hợp. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có thể dự báo được nhu cầu về hàng hóa trong tương lai gần, nắm được thị hiếu của từng thị trường và dựa vào đó để phân bổ, dự trữ hàng hóa.

Cách thức ứng dụng Big Data:

- Có thể thu thập dữ liệu và yêu cầu của khách hàng ngay cả trước khi khách thực sự bắt đầu giao dịch. Ví dụ: với hoạt động bán lẻ trực tuyến, Amazon.com xử lí hàng triệu hoạt động mỗi ngày cũng như những yêu cầu từ khoảng nửa triệu đối tác bán hàng. Thông qua những hoạt động đó, doanh nghiệp này đã tiếp cận được một lượng rất lớn những dữ liệu về khách hàng, như: tên, địa chỉ, thông tin thanh toán và lịch sử tìm kiếm đều được lưu trữ trong ngân hàng dữ liệu. Dựa vào kho dữ liệu của mình, Amazon có thể dự đoán được nhu cầu về từng loại sản phẩm ở các vùng khác nhau và chuẩn bị hàng ngay từ khi khách hàng còn chưa có ý định mua. 

- Nhà quản lý trang thương mại điện tử có thể xác định các sản phẩm được xem nhiều nhất và tối ưu thời gian hiển thị của các trang sản phẩm này.

- Đánh giá hành vi của khách hàng và đề xuất các sản phẩm tương tự. Như vậy, hàng hóa bán được nhiều hơn, doanh thu tăng cao.

- Nếu bất kỳ sản phẩm nào được thêm vào giỏ hàng nhưng cuối cùng không được khách hàng mua, Big Data có thể tự động gửi code khuyến mại cho khách hàng cụ thể đó.

- Các ứng dụng Big Data còn có thể tạo một báo cáo tùy chỉnh theo các tiêu chí: độ tuổi, giới tính, địa điểm của khách truy cập,...

- Marketing online hiệu quả: Nếu các doanh nghiệp thương mại điện tử quảng cáo các sản phẩm khách hàng không quan tâm, họ sẽ có cảm giác bị làm phiền. Do vậy, nên sử dụng dữ liệu lớn từ những tìm kiếm của khách hàng, thời gian truy cập, sự kiện sắp diễn ra, điều kiện tài chính để nắm được nhu cầu thực sự, từ đó đưa ra những chiến dịch quảng cáo sản phẩm phù hợp.

- Tối ưu giá cả: Việc phân tích, so sánh các dữ liệu trong quá khứ và so sánh với các trang web bán hàng khác có thể giúp khách hàng biết được giá cả thật của sản phẩm.

- Chống gian lận: Việc phân tích dữ liệu giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử sàng lọc được các hành vi bán hàng gian lận, giúp khách hàng không mua phải hàng giả, nguồn gốc không rõ ràng, không đúng như quảng cáo.

2.2. Ngành Ngân hàng 

Big Data là bước tiến lớn và được ứng dụng trong ngành Ngân hàng từ khá lâu trước đây, với nhiều ứng dụng nhằm tăng doanh thu cho các ngân hàng, đồng thời giảm bớt khó khăn cho khách hàng. Big Data tham gia vào rất nhiều công đoạn của ngân hàng, từ thu tiền mặt, giao dịch điện tử đến quản lý tài chính.

Cách thức ứng dụng Big Data:

- Hệ thống phân tích của Big Data có thể giúp ngân hàng đưa ra quyết định quan trọng khi cần đề xuất thành lập chi nhánh mới nhờ sử dụng các kỹ thuật phân cụm để xác định các địa điểm chi nhánh nơi tập trung nhiều nhu cầu của khách hàng tiềm năng.

- Big Data sẽ giúp ngân hàng phát hiện các hoạt động gian lận và báo cáo cho chuyên viên liên quan, cho phép ngân hàng đảm bảo không có giao dịch trái phép nào được thực hiện nhờ vào các thuật toán phân tích dữ liệu (data analytics models) và “học máy” (machine learning), từ đó ngăn chặn các hành vi lừa đảo nhằm đảm bảo lợi ích của khách hàng và chính ngân hàng.

- Ngân hàng kỹ thuật số là tất yếu khi cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ. Để chuyển đổi và mở rộng hệ thống ngân hàng kỹ thuật số, các ngân hàng cần có hệ thống cơ sở hạ tầng số mạnh với trọng tâm là khoa học dữ liệu với các ứng dụng, như: Định danh số, nhận biết khách hàng điện tử, an ninh mạng, công nghệ đám mây,...

- Nhằm đảm bảo an ninh cho ngân hàng và thực hiện suôn sẻ các hoạt động hàng ngày, ngân hàng cần sự hỗ trợ rất lớn từ khoa học dữ liệu nhằm xử lý, lưu trữ và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ từ các giao dịch và thông tin khách hàng cung cấp.

- Ngân hàng dự đoán lượng tiền mặt cần thiết và sẵn sàng cung ứng ở một chi nhánh tại thời điểm cụ thể hàng năm nhờ dựa vào quy tắc kết hợp của Big Data.

2.3. Ngành Dịch vụ khách hàng

Nền kinh tế hiện đại xác định khách hàng chính là tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp, do vậy nếu doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu và làm hài lòng nhu cầu đó của khách hàng, doanh nghiệp sẽ khó cạnh tranh được với các đối thủ. Vì vậy, Big Data ra đời đã giải quyết rất nhiều khó khăn của doanh nghiệp trong việc nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.

Cách thức ứng dụng Big Data:

- Big Data giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khách hàng xác định các yêu cầu của khách hàng, từ đó tập trung cung cấp và đưa ra dịch vụ tốt nhất, đáp ứng nhu cầu của họ.

- Big Data sẽ thu thập các dữ liệu về hành vi khách hàng để hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế mô hình tiếp thị tối ưu, tùy biến theo đối tượng hoặc nhóm đối tượng nhằm tăng khả năng bán hàng của doanh nghiệp.

- Từ lượng dữ liệu thu thập được, doanh nghiệp sẽ phân tích hành vi, sự quan tâm và xu hướng của khách hàng để tạo ra các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu đó.

- Sử dụng nguồn dữ liệu sẵn có, Big Data giúp doanh nghiệp đổi mới bền vững, hiệu quả và cung cấp các sản phẩm tốt hơn với chi phí thấp hơn.

- Dựa vào các dữ liệu sẵn có, Big Data tiến hành phân tích và tìm ra sự tương đồng giữa khách hàng và nhu cầu của họ, từ đó, đưa ra chiến dịch quảng cáo phù hợp và dễ dàng tiến hành các hoạt động quảng cáo hơn.

2.4. Ngành Bán lẻ

Nhờ thu thập dữ liệu về khách hàng đa dạng, Big Data phân tích thị trường cạnh tranh và sự quan tâm của khách hàng, mang lại cơ hội cho ngành Bán lẻ, giúp doanh nghiệp xác định hành trình trải nghiệm, xu hướng mua sắm và sự hài lòng của khách hàng. Từ đó, cải thiện cải thiện hiệu suất và hiệu quả bán hàng của doanh nghiệp.

Cách thức ứng dụng Big Data:

- Nhà quản lý có thể xây dựng mô hình chi tiêu của từng khách hàng dựa trên Big Data.

- Nhờ những dữ liệu thu thập được, Big Data đưa ra các phân tích dự đoán, từ đó ngành Công nghiệp có thể so sánh tỷ lệ cung - cầu, tránh tiếp tục tung ra thị trường các sản phẩm không được khách hàng đón nhận.

- Big Data sẽ giúp ngành Bán lẻ có thể xác định vị trí bố trí sản phẩm trên kệ hàng dựa vào thói quen mua hàng và nhu cầu của khách hàng, từ đó đưa ra các chiến lược kinh doanh mới để cải thiện.

- Big Data sẽ kết hợp phân tích cùng lúc các dữ liệu về thời điểm, giao dịch, truyền thông xã hội và dự báo thời tiết để xác định chính xác sản phẩm phù hợp nhất từ đó dự trữ nguồn sản phẩm sẵn sàng cung ứng cho khách hàng.

2.5. Digital Marketing

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã làm thay đổi rất nhiều lĩnh vực, trong đó có các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế. Sự bùng nổ của công nghệ đã góp phần gia tăng ảnh hưởng của

Digital Marketing lên sự thành công của doanh nghiệp, đặc biệt khi các nền tảng truyền thông xã hội và mạng xã hội trở thành phần không thể thiếu của cuộc sống, khi con người ngày càng “nghiện” mua sắm trực tuyến. Do vậy, Big Data đã giúp Digital Marketing trở thành một phần không thể thiếu với các doanh nghiệp và bùng nổ mạnh mẽ. 

Cách thức ứng dụng Big Data:

- Big Data sẽ phân tích thị trường, đối thủ cạnh tranh và đánh giá mục tiêu kinh doanh, từ đó giúp doanh nghiệp xác định rõ hơn đâu là cơ hội tốt hơn để tiếp tục tiến hành các kế hoạch kinh doanh tiếp theo của doanh nghiệp.

- Big Data giúp doanh nghiệp xác định người dùng trên các phương tiện truyền thông xã hội và đưa ra các mục tiêu cho người dùng dựa trên nhân khẩu học, giới tính, tuổi tác, thu nhập và sở thích.

- Khoa học dữ liệu giúp doanh nghiệp tạo báo cáo sau mỗi chiến dịch quảng cáo gồm hiệu suất, sự tham gia của khán giả và những gì đã thực hiện nhằm tạo kết quả tốt hơn.

- Big Data tập trung vào các chủ đề được tìm kiếm cao, từ đó tư vấn cho các chủ doanh nghiệp thực hiện các chiến lược nội dung nhằm nâng cao xếp hạng trang web doanh nghiệp trên google (SEO).

- Khoa học dữ liệu được sử dụng cho các khách hàng mục tiêu và nuôi dưỡng chu trình khách hàng.

- Có thể tạo đối tượng tương tự bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu đối tượng hiện có hướng đến mục tiêu các khách hàng tương tự và kiếm được lợi nhuận.

3. Ứng dụng Big Data ở Việt Nam

Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, trong đó có tới 60% dân số sử dụng Internet, vì vậy thị trường Big Data tại Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là triển vọng hàng đầu châu Á. Tuy nhiên hiện nay, việc khai thác Big Data hầu như chỉ chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp công nghệ và chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam. Một số các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng Big Data để tham gia nghiên cứu và ứng dụng Big Data trong phân tích hành vi khách hàng như FPT, VNG, VCCorporation, Vietcombank, VietNam Airlines. Nhưng nhìn chung, việc áp dụng Big Data vẫn còn tương đối hạn chế ở các doanh nghiệp Việt Nam.

Trong ngành Thương mại điện tử, Sendo là một trong số ít trang bán hàng online sử dụng được một phần của kho dữ liệu lớn trong hoạt động bán hàng. Nhờ vào việc phân tích dữ liệu lớn của 5 triệu mặt hàng của 80.000 shop, Sendo đã giúp khách hàng mua được hàng rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ và giá cả hợp lý.

Sự hạn chế trong việc ứng dụng Big Data tại Việt Nam có thể do:

Thứ nhất, hạ tầng công nghệ thông tin của các doanh nghiệp Việt Nam tương đối còn chưa đủ mạnh để có thể khai thác một cách tối ưu hết các tiện ích của Big Data. Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam muốn sử dụng dữ liệu lớn đều phải thông qua một công ty cung cấp dịch vụ nước ngoài và điều này dẫn đến những chi phí khá cao, từ đó khiến cho các doanh nghiệp còn khá nhiều do dự trong việc sử dụng Big Data. 

Cần phải cải thiện tốc độ dữ liệu truy cập vào các dữ liệu hành chính nghĩa là có thể sử dụng giao diện ứng dụng của Chương trình chuyên sâu tiêu chuẩn (API) để truy cập dữ liệu. Bằng cách này, nó có thể kết nối các ứng dụng cho dữ liệu thu về và xử lý dữ liệu trực tiếp với dữ liệu hành chính. Ngoài ra, hệ thống khai thác dữ liệu lớn cũng cần phải được tính toán để có thể kết nối vào được kho cơ sở dữ liệu truyền thống, đó cũng là một trong những thách thức lớn cần được giải quyết.

Thứ hai, tâm lý và hành vi người tiêu dùng Việt Nam: Theo các nghiên cứu cho thấy là hay thay đổi và thường có những sở thích, xu hướng ngắn hạn nên việc phân tích nhu cầu khách hàng để từ đó đưa vào áp dụng trở nên khó khăn đối với các doanh nghiệp vì nếu nhận định sai xu hướng tiêu thụ hay nhu cầu của thị trường thì Big Data có thể trở thành một con dao hai lưỡi đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Thứ ba, thiếu chuyên gia công nghệ: Khan hiếm chuyên gia nghiên cứu và phân tích dữ liệu lớn trên thị trường lao động. Cần có kế hoạch đào tạo sát với nhu cầu thị trường để đáp ứng được nhu cầu về lao động trong lĩnh vực này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. F. Buytendijk (2014). Hype Cycle for Big Data. Gartner Research.
  2. Đỗ Văn Võ (2020), Big Data trong ứng dụng và cuộc sống. Truy cập tại: https://viblo.asia/dovv/ posts/3OEqGjWwv9bL, ngày 25/4/2020.
  3. Liên hợp quốc (2014), Big data and modernization of statistical systems, [pdf]. Truy cập tại http://unstats.un.org/ unsd/statcom/doc14/2014-11-BigData-E.pdf, ngày 25/4/2020.
  4. Tống Minh Đức (2018), Tổng quan về Big Data và những vấn đề liên quan, FPT Telecom.
  5. Báo điện tử thesaigontimes (2018), Để nền kinh tế số phát triển mạnh, truy cập tại www.thesaigontimes.vn/ 266976/De-nen-kinh-te-so-phat-trien-manh.html, ngày 25/4/2020.
  6. Trịnh Thu Trang (2019), Nghiên cứu về lợi ích của Dữ liệu lớn - Big Data với doanh nghiệp thương mại điện tử trong nước và thế giới, Tạp chí Công Thương, http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-ve-loi-ich-cua-du-lieu-lon-big-data-voi-doanh-nghiep-thuong-mai-dien-tu-trong-nuoc-va-the-gioi-64331.htm

THE APPLICATION OF BIG DATA IN THE DIGITAL ECONOMY

• Master. NGO KIM THANH

Faculty of Economics,  Banking Academy

ABSTRACT:

Big Data, which has been used in various industrie, has made impressive changes and increased the efficiency and productivity of businesses. This article is to deeply analyze Big Data's applications in each industry, highlight opportunities and challenges in using Big Data in the world in general and in Vietnam in particular.

Keywords: Big Data, digital economy.