USD xuyên thủng 23.000 cả 2 chiều mua-bán, Thống đốc nói “kiểm soát được”, DN đổ xô đi ký hợp đồng bảo hiểm tỷ giá.

Hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đổ xô đi ký hợp đồng bảo hiểm tỷ giá khi vay vốn ngoại tệ ngân hàng. Họ thường sử dụng “Hợp đồng quyền chọn”. Nghĩa là bỏ thêm một số chi phí để đảm bảo khi trả nợ, t

Đến 19h ngày hôm qua, lần đầu tiên trên thị trường ngân hàng, đồng USD xuyên thủng ngưỡng 23.000 đồng ở cả 2 chiều mua-bán. Chỉ trong vòng 2 tuần, tỷ giá USD/VND có 4 lần vượt ngưỡng 23.000 đồng. Ngày 18/6, đồng USD vượt ngưỡng 23.000 đồng trên thị trường tự do, ở chiều bán ra. 3 ngày sau USD vượt ngưỡng 23.000 đồng ở 2 chiều mua-bán. Ngày 29/6, USD trên thị trường ngân hàng vượt ngưỡng 23.000 đồng ở chiều bán ra. Đến 7h tối ngày 2/7 trên thị trường ngân hàng đã vượt ngưỡng ở cả 2 chiều mua-bán.

Tỷ giá USD hôm nay tiếp tục tăng. Đến đầu phiên giao dịch ngày hôm nay 3/7 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, chỉ số Dollar Index đã tăng. Trên thị trường trong nước, lúc 8h mở cửa, VietcomBank niêm yết USD ở mức 23.025-23.075 VND (mua vào-bán ra) tăng 35 đồng ở cả 2 chiều so với hôm qua.

Chiều ngày 2/7, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết diễn biến tăng của tỷ giá “hoàn toàn có thể kiểm soát được”.

Thống đốc có thể cam kết như vậy vì trong 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế và chính sách tiền tệ có nhiều thuận lợi. Đó là xuất khẩu tăng mạnh, xuất siêu gần 3 tỷ USD; lạm phát cơ bản tính đến cuối tháng 6 chỉ tăng 1,37% so với cùng kỳ; cơ cấu tín dụng lành mạnh, vốn cho vay chứng khoán và bất động sản dưới 6%. Đồng thời, NHNN có công cụ rất mạnh là dự trữ ngoại hối đã lên 63,5 tỷ USD, sẵn sàng bán ra can thiệp thị trường. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã mua ròng 11 tỷ USD mà chưa phải sử dụng để bình ổn thị trường (bản thân việc NHNN mua ròng cũng phản ánh thị trường USD không khan hiếm).

Tuy nhiên với doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp nhập khẩu, phải vay vốn bằng đồng USD của ngân hàng để nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất, nhập khẩu thiết bị máy móc cho dự án đầu tư, thì mỗi ngày USD lên 20-30 đồng thôi, khi đến kỳ trả nợ đã tăng lên hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng so với dự tính ban đầu.

Còn nhớ năm 2015, khi Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, đồng USD tăng giá thì Viettel Global của Viettel đã “bốc hơi” hơn 1.500 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá; Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam công bố lợi nhuận 2015 bốc hơi gần 1.000 tỷ đồng so với năm trước do lỗ tỷ giá 641 tỷ đồng; Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 lãi giảm gần 30% khi vốn vay là USD và Euro đều tăng giá…

Vào ngày 6/7 tới, khi Mỹ áp thuế 34 tỷ USD đầu tiên trong gói 50 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ để đối phó. Nếu kịch bản xảy ra, đây sẽ là đợt tăng giá USD mới.

Vì thế, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu hiện nay đổ xô đi ký hợp đồng bảo hiểm tỷ giá khi vay vốn ngoại tệ ngân hàng. Họ thường sử dụng “Hợp đồng quyền chọn”. Nghĩa là bỏ thêm một số chi phí để đảm bảo khi trả nợ, tỷ giá USD/VND được giữ nguyên như khi vay, bất kể tỷ giá tăng thế nào. Nhưng khi tỷ giá giảm, doanh nghiệp được trả nợ với tỷ giá giảm, mà không cần phải thực hiện “Hợp đồng quyền chọn”.