Việt Nam tiếp tục xuất siêu ở mức cao

Báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, hoạt động xuất nhập tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao, đạt 12,25 tỷ USD, đã góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nên kinh tế

Cán cân thương mại 6 tháng ghi nhận hơn 12 tỷ USD xuất siêu

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, về xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu cơ bản giữ ở đà tăng, sau 6 tháng ướt đạt 164,45 tỷ USD, đã phục hồi 87,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 6 tháng đầu 2023, tốc độ giảm của kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước (giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước) chậm hơn so với khu vực có vốn FDI (giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước), cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện còn nhiều khó khăn.

Xuất khẩu rau quả và gạo tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu của cả nước trong 6 tháng đầu năm khi đạt mức tăng hai con số. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gạo tăng 34,7% so với cùng kỳ năm ngoái (sản lượng gạo xuất khẩu tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng 64,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Có đến 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 1 tỷ USD, giảm 2 mặt hàng so với cùng kỳ, chiếm 90,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%)

Về thị trường xuất khẩu hàng hoá trong 6 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 44,2 tỷ USD, chiếm 26,9% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước; tiếp đến là Trung Quốc với kim ngạch đạt 25,6 tỷ USD, chiếm 15,6%.; thị trường EU đạt 21,6 tỷ USD, chiếm 13,1%; thị trường ASEAN đạt 16,3 tỷ USD, chiếm 9,9%; Nhật Bản đạt 11 tỷ USD, chiếm 6,7%; Hàn Quốc đạt 10,9 tỷ USD, chiếm 6,6%.

Đặc biệt, một số thị trường xuất khẩu phục hồi khả quan về gần mức cùng kỳ năm trước như Ấn Độ (95,7%), Nhật Bản (96,7%), Trung Quốc (97,8%). Một số thị trường mới ghi nhận tăng trưởng cao như Arhentina (tăng 35% so với cùng kỳ), Ả-rập Xê-út (tăng 67%) và Angeri (tăng 91%).

Về nhập khẩu, hàng hoá cơ bản được kiểm soát tốt khi nhập khẩu của nhóm hàng hoá phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hoá thiết yếu chiếm 88,1%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 6,2% và nhóm hàng hoá khác chiếm 5,7%.

Kim ngạch nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm nay giảm 18,2% so với cùng kỳ do những khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, nhu cầu thế giới giảm nên nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất để xuất khẩu giảm. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 9,4 tỷ USD. Trong đó, những mặt hàng giảm mạnh gồm: linh kiện phụ tùng ô tô dưới 9 chỗ (giảm 27,1%), xe máy và linh kiện (giảm 13,8%), hàng điện gia dụng và linh kiện (giảm 22,2%), đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 27,8%... Ngược lại, tăng cao nhất là kim ngạch nhập khẩu ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, tăng 23,7%.

Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng chủ lực đều giảm như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 38,27 tỷ USD, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng giảm 12,3%, đạt 19,7 tỷ USD; vải các loại giảm 19,2%, đạt 6,4 tỷ USD; thép các loại giảm 32,3%; xăng dầu các loại giảm 18,4%; cao su các loại giảm 41,2%; bông các loại giảm 21,5%; hóa chất giảm 24,2%; phân bón giảm 28,1%... Đặc biệt là kim ngạch nhập khẩu điện thoại và linh kiện các loại tiếp tục giảm mạnh khi chỉ đạt 3,45 tỷ USD, giảm 66,5%.

Do những khó khăn trong sản xuất và xuất khẩu nên kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam từ hầu hết các thị trường nhập khẩu hàng hoá đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 50,09 tỷ USD, giảm 18,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc, ước đạt 24,2 tỷ USD, giảm 25,6%; thị trường ASEAN ước đạt 20,3 tỷ USD, giảm 16,9%; Nhật Bản đạt 9,8 tỷ USD, giảm 18,7%; EU đạt 7,06 tỷ USD, giảm 10,7%; Hoa Kỳ đạt 7 tỷ USD, giảm 7,3%.

Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2023
Báo cáo 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao, đạt 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất 1,2 tỷ USD)

Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao, đạt 12,25 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,16 tỷ USD) đã góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nên kinh tế. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 9,81 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 22,06 tỷ USD.

Hoạt động xuất nhập khẩu khó khăn do khan hiếm đơn hàng

Bộ Công Thương cho rằng, xuất khẩu là một trong những động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế nhưng tiếp tục gặp nhiều khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu trong 6 tháng đầu năm giảm 12,1% so với cùng kỳ trong bối cảnh thương mại toàn cầu tăng trưởng chậm.

Theo đó, xuất khẩu hàng hoá sang các thị trường chủ lực đều giảm so với cùng kỳ năm trước, như xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ giảm 22,6%; EU giảm 10,1%; Trung Quốc giảm 2,2%; Hàn Quốc giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 3,3%; ASEAN giảm 8,7%,…

Kim ngạch xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo đều sụt giảm, trong đó có những mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%, phân bón các loại giảm 45,6%...

Bên cạnh đó, một số ngành hàng xuất khẩu như thuỷ sản, gỗ và sản phẩm gỗ, sắt thép, sản phẩm nhựa đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại đã tạo ra những khó khăn về thị trường xuất khẩu thời gian qua.

Một số mặt hàng nông sản còn quá dựa vào hình thức trao đổi cư dân nên luôn tiềm ẩn nguy cơ ách tắc tại cửa khẩu, ảnh hưởng đến hoạt động thương mại qua biên giới.

Nguyên nhân được cho rằng lạm phát vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ chưa nới lỏng; kinh tế thế giới phục hồi chậm và sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có những tác động nhất định đến xu hướng thắt chặt chi tiêu, mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ, nhất là tại một số thị trường tiêu thụ lớn các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử (như Mỹ, EU), nhu cầu nhập khẩu giảm.

Đồng thời, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.

Các doanh nghiệp công nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gặp khó trong việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường do chi phí đầu vào nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay mặc dù đang giảm dần nhưng còn ở mức cao. Các thị trường xuất khẩu chính thắt chặt chính sách tiền tệ gây bất lợi cho giá xuất khẩu của Việt Nam và một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhân công do sản lượng và số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm.

Tận dụng triệt để các FTA đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu

Bộ Công Thương dự báo, trong 6 tháng cuối năm 2023, ngành du lịch được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là sự gia tăng lượng khách nước ngoài sẽ thúc đẩy ngành du lịch phát triển, góp phần thúc đẩy tiêu dùng.

Các Hiệp định FTA đang có với các đối tác thị trường lớn của Việt Nam như thị trường châu Âu, châu Mỹ sẽ tiếp tục có tác động tích cực đối với thương mại và đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam. Một số mặt hàng may mặc bắt đầu được hưởng thuế nhập khẩu 0% vào thị trường EU theo Hiệp định EVFTA… sẽ là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, kinh tế toàn cầu sẽ bước vào một thời kỳ mới với đầy rủi ro và thách thức, nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và lãi suất tiếp tục duy trì ở mức cao khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh tại các quốc gia trên thế giới trong đó có khu vực châu Âu - châu Mỹ, là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Xu hướng phi toàn cầu hoá đang trỗi dậy mạnh mẽ; Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Các nước phát triển càng ngày càng quan tâm nhiều đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu sẽ là tiền đề để họ dựng lên những tiêu chuẩn và quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Xu hướng dịch chuyển nguồn cung về gần thị trường tiêu thụ để giảm thiểu các rủi ro gián đoạn nguồn hàng ngày càng rõ nét trong việc đa dạng hóa nguồn cung của các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.

Các tập đoàn đa quốc gia đang thực hiện chiến lược chuyển dịch chuỗi cung ứng, sản xuất đến gần với thị trường tiêu thụ và đang dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất. Các tập đoàn đa quốc gia đang tập trung đầu tư các nhà máy sản xuất ở một số nước như: Ấn Độ, Mexico, Braxin… làm gia tăng đối thủ cạnh tranh tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần của Việt Nam tại các thị trường này.

Từ những rủi ro, thách thức nêu trên, Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, tạo các đơn hàng mới để tiêu thụ sản phẩm đầu ra, thúc đẩy sản xuất cho các doanh nghiệp. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định.

Đồng thời, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liến kết thương mại mới để đa dạng hàng hoá thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Chú trọng mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hoá của Việt Nam thông qua công tác xúc tiến thương mại, công tác Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phát triển thương mại điện tử.

Tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, nhất là doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.

Để phấn đầu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Chính phủ giao năm 2023, trong 6 tháng cuối năm 2023, Bộ Công Thương sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hoá trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó kịp thời.

Huyền My