Việt Nam xây dựng kế hoạch hành động thực hiện cam kết theo TFA

Hiệp định TFA hứa hẹn tạo ra một động lực mới thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế và mang lại lợi ích chung cho tất cả các quốc gia thành viên WTO.

Sáng 29/11/2016, Tổng Cục Hải Quan phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Hội thảo “Xây dựng kế hoạch hành động nhằm thực hiện cam kết nhóm B và C theo Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại của Tổ chức Thương mại Thế giới (TFA)”.

Hội thảo này là một trong chuỗi các hoạt động mà Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện (USAID GIG) hợp tác với Tổng cục Hải quan và các nhà tài trợ khác nhằm thực hiện thành công Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại tại Việt Nam.

Hơn 50 đại biểu đến từ các Bộ ngành liên quan đã trao đổi, thảo luận nhằm hoàn thiện việc rà soát lại cam kết nhóm A (thực thi khi Hiệp định có hiệu lực), đánh giá và phân nhóm các cam kết nhóm B (thực thi khi Hiệp định có hiệu lực và thời gian mỗi nước thành viên tự thực thi) và nhóm C (thực thi chỉ sau khi đã được hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng năng lực).

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh phát biểu tại Hội thảo

Tại hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh cho biết, Hiệp định dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2017. Các cam kết của Hiệp định được chia thành các nhóm A, B, và C.

Theo ông Vũ Ngọc Anh, Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) lần thứ 9 tại Bali, Indonesia ngày 6/12/2013 sau 10 năm đàm phán. Tháng 1/2015, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 60 phê chuẩn Hiệp định và tính đến ngày 31/10/2016, đã có 96 thành viên WTO phê chuẩn Hiệp định này. Hiệp định sẽ có hiệu lực khi 109 trên tổng số 164 thành viên WTO phê chuẩn.

Để thực hiện Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại trong khuôn khổ WTO, ông Vũ Ngọc Anh cho biết, Tổng cục Hải quan đã xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định thực hiện cam kết cho nhóm B và C. Kế hoạch hành động này sẽ được Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính trình lên Uỷ ban quốc gia về một cửa và tạo thuận lợi thương mại. Sau đó, sẽ thông báo kế hoạch thực hiện cam kết cho nhóm B và C lên Ban thư ký WTO khi Hiệp định chính thức có hiệu lực. Khi được thực thi, hiệp định này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của cộng đồng DN, đồng thời thúc đẩy thương mại và đầu tư ở Việt Nam.

Ông Craig Hart, Phó giám đốc USAID nhấn mạnh: "Hoa Kỳ cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam khi tham gia Hiệp TFA"

Cũng tại Hội thảo, ông Craig Hart, Phó giám đốc USAID tại Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, khi nhanh chóng ban hành kế hoạch chuẩn bị và triển khai thực hiện Hiệp định. Đồng thời, Việt Nam đã chứng tỏ mình là quốc gia chủ động và tích cực trong hợp tác hội nhập quốc tế. Với nội dung nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động vận chuyển, thông quan, giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh tại các cửa khẩu cũng như các biện pháp hợp tác giữa hải quan các nước và hỗ trợ kỹ thuật thực hiện, Hiệp định TFA hứa hẹn tạo ra một động lực mới thúc đẩy hoạt động thương mại hàng hóa quốc tế và mang lại lợi ích chung cho tất cả các quốc gia thành viên WTO.

“Hoa Kỳ cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam khi tham gia Hiệp TFA”, ông Craig Hart nhấn mạnh.

Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ là những đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ TFA. Hiệp định sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng như năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời thúc đẩy thương mại và đầu tư ở Việt Nam.

Hội thảo sẽ kéo dài tới hết ngày 1/12/2016.

Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại được thông qua tại Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 9 tại Bali, Indonesia ngày 6 tháng 12 năm 2013 sau 10 năm đàm phán. Tháng 11 năm 2015, Việt Nam đã trở thành thành viên thứ 60 phê chuẩn Hiệp định, và tính đến ngày 31 tháng 10 năm 2016, đã có 96 thành viên WTO phê chuẩn Hiệp định này. Hiệp định Tạo thuận lợi Thương mại sẽ có hiệu lực khi 109 trên tổng số 164 thành viên WTO phê chuẩn. Hiệp định dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2017. Các cam kết của Hiệp định được chia thành các nhóm A, B, và C. Việt Nam đã thông báo các cam kết nhóm A của mình lên WTO nhằm xác định những cam kết mà sẽ được thực hiện ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Hòa Minh