Vinaconex (cổ phiếu VCG) hưởng lợi gì từ việc trúng gói thầu 35.000 tỷ sân bay Long Thành?

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa cho biết Liên danh Vietur với nhiều nhà thầu xây dựng lớn nhất Việt Nam, bao gồm Vinaconex, đã giành được gói thầu xây dựng ga hành khách Sân bay quốc tế Long Thành trị giá hơn 35.000 tỷ đồng.

Cổ phiếu VCG tăng kịch trần sau thông tin trúng thầu

Sân bay quốc tế Long Thành
Gói thầu 5.10 với tổng giá trị 35.200 tỷ đồng là gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án Sân bay quốc tế Long Thành.

Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật thi công gói thầu 5.10 - "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" của Sân bay quốc tế Long Thành.

Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án sân bay Long Thành, với tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng và thời gian thi công 39 tháng.

Theo đó, Liên danh Vietur là đơn vị duy nhất được nêu trong danh sách. Liên danh Vietur bao gồm 10 nhà thầu thành viên, đứng đầu là Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC (ICTAS) - nhà thầu xây dựng TOP 3 của Thổ Nhĩ Kỳ với kinh nghiệm thi công nhiều sân bay quốc tế lớn.

Ngoài ICTAS, các nhà thầu thành viên còn lại trong Liên danh Vietur gồm: Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (mã cổ phiếu VCG); Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings (mã cổ phiếu PHC); Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (mã cổ phiếu CC1); Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (mã cổ phiếu HAN); Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Newtecons; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng SOL E&C; Công ty Cổ phần Kết cấu Thép ATAD; và Công ty Cổ phần Hawee Cơ điện.

Phía ACV đề nghị đại diện có thẩm quyền của Liên danh Vietur đến tham dự lễ mở hồ sơ đề xuất tài chính vào ngày 4/8 tới đây tại trụ sở của ACV ở TP.Hồ Chí Minh.

Ngay sau khi thông tin này được công bố, thị giá cổ phiếu của một loạt doanh nghiệp trong Liên danh Vietur như cổ phiếu VCG, CC1, PHC, HAN đã tăng kịch trần.

Giá cổ phiếu VCG Vinaconex
Diễn biến giá cổ phiếu VCG, HAN, CCI và PHC kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Ngược lại, cổ phiếu của các doanh nghiệp nằm trong Liên danh Hoa Lư – đối thủ của Liên danh Vietur trong gói thầu 5.10 đã giảm sàn. Điển hình là cổ phiếu CTD của Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons; và cổ phiếu HBC của Công ty Cổ phần Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Hoà Bình đã giảm tới 5,6%.

Xem thêm: "Cổ phiếu HVN tăng phiên thứ 3 liên tiếp bất chấp Vietnam Airlines tiếp tục báo lỗ trên nghìn tỷ" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Mức lợi nhuận tối đa cho một nhà thầu lên đến hơn 500 tỷ đồng

Trong số các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam thuộc Liên danh Vietur, Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam – Vinaconex được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ việc trúng thầu gói thầu 5.10 của Sân bay quốc tế Long Thành. Vinaconex đã tham gia thi công nhiều công trình trọng điểm quốc gia, bao gồm các cảng hàng không trong nước, như Nhà ga T2 Nội Bài, sân bay Phú Bài, sân bay Cam Ranh... Ngoài ra, Vinaconex cũng đang tham gia liên danh đấu thầu gói thầu xây lắp nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với giá trị 9.000 tỷ đồng.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 1/8, giá cổ phiếu VCG đạt 27.550 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu VCG đã tăng 64%. Đặc biệt, cổ phiếu VCG đã duy trì mạch tăng kéo dài liên tục từ giữa tháng 5/2023 với mức tăng đến nay đạt 56%.

Giá cổ phiếu VCG
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu VCG của Vinaconex kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Theo đánh giá của Chứng khoán VietCap ước tính tổng lợi nhuận tối đa cho 1 nhà thầu tham gia gói 5.10 sẽ là khoảng 525 tỷ đồng. Mức lợi nhuận này được xem là đáng kể so với mức lãi ròng trung bình hàng năm giai đoạn 2019 – 2022 của Vinaconex (866 tỷ đồng).

Đồng thời, do thời gian xây dựng ước tính cho Sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 là 39 tháng (tương đương với thời gian hoàn thành ước tính vào cuối năm 2026 hoặc giữa năm 2027 — tùy thuộc vào ngày khởi công xây dựng thực tế), tổng lợi nhuận ước tính trên sẽ được ghi nhận trong khoảng thời gian từ 3 năm đến 3,5 năm đối với các đơn vị trúng thầu.

Bên cạnh việc tham gia xây dựng Sân bay quốc tế Long Thành, hoạt động kinh doanh của Vinaconex còn được hưởng lợi mạnh mẽ từ các dự án đầu tư công đã và đang được triển khai.

Điều này thể hiện qua doanh thu mảng xây lắp của Tổng Công ty này đã tăng trưởng mạnh 70% năm 2022 và 55% vào quý 1/2023 nhờ thực hiện các gói thầu cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 như Phan Thiết-Dầu Giây, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Mai Sơn-QL 45 với tổng giá trị hợp đồng trên 8.000 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2023, doanh thu mảng xây lắp của Vinaconex có thể lên đến 9-10.000 tỷ đồng, tăng trưởng 50-65% so với năm ngoái.

Duy Quang