Xây dựng Coteccons (CTD) khẳng định "tài chính vững mạnh" trước yêu cầu mở thủ tục phá sản để đòi nợ của Ricons

Xây dựng Coteccons vừa khẳng định đang sở hữu nền tảng tài chính vững mạnh và thiện chí giải quyết các công nợ phát sinh với Ricons trong bối cảnh Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh về Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty Cổ phần Xây dựng Ricons.
Xây dựng Coteccons thủ tục phá sản
Xây dựng Coteccons khẳng định đang sở hữu nền tảng tài chính "rất vững mạnh" trong bối cảnh Ricons đang yêu cầu toà án mở thủ tục phá sán đổi với Xây dựng Coteccons để đòi thanh toán công nợ.

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (mã cổ phiếu CTD – sàn HoSE) vừa cho biết đã nhận được thông báo số 10/TB-TA ngày 4/7/2023 của Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh về Thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Công ty Cổ phần Xây dựng Ricons.

Đồng thời, Xây dựng Coteccons cũng phát ra thông cáo báo chí liên quan đến sự việc trên. Theo thông cáo, Xây dựng Coteccons hiện có tổng tài sản 20.042 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 8.236 tỷ đồng, lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Do đó, Xây dựng Coteccons khẳng định là đang sở hữu nền tảng tài chính “rất vững mạnh”.

Liên quan đến sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons, Xây dựng Coteccons khẳng định là có phát sinh các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai bên.

Nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, Xây dựng Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 07 Công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.

Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Xây dựng Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại một số dự án và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa hai doanh nghiệp. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.

Tương tự, một số dự án do Xây dựng Coteccons làm tổng thầu có phát sinh những công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong.

cổ phiếu CTD
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu CTD của Xây dựng Coteccons kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Cổ phiếu gạo “nổi sóng”, doanh nghiệp nào thực sự hưởng lợi từ giá gạo xuất khẩu tăng cao?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Xây dựng Coteccons khẳng định: “Khi các bên liên quan đã thực hiện giao dịch phát sinh công nợ thì phải trả nhưng phải tuân thủ đúng quy định của các Hợp đồng đã ký và đúng quy định của pháp luật”.

Đồng thời, Xây dựng Coteccons cho biết, tại thời điểm hiện tại, công ty đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng, có tầm ảnh hưởng và tạo ra giá trị cho đất nước. Mặc dù có tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên Toà án với tuyên bố yêu cầu phá sản. Đây là một hành động mà Xây dựng Coteccons cho rằng không phải ngẫu nhiên lại được thúc đẩy để diễn ra vào thời điểm này.

Do đó, Xây dựng Coteccons đề nghị nhà thầu xây dựng Ricons có tinh thần hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý và xác định giá trị công nợ phát sinh giữa hai bên để không ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu của Xây dựng Coteccons cũng như bảo vệ quyển lợi của cổ đông và nhà đầu tư.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/7, cổ phiếu CTD của Xây dựng Coteccons đạt 74.000 đồng/cổ phiếu. So với thời điểm đầu năm nay, cổ phiếu CTD đã tăng 110%; qua đó, nâng tổng giá trị vốn hoá thị trường của Xây dựng Coteccons lên mức hơn 5.500 tỷ đồng.

Duy Quang