Xử lý 22 cơ sở vi phạm về khẩu trang trong ngày 21/3

Tổng hợp tình hình kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của lực lượng Quản lý thị trường từ 12h00 ngày 20/3 đến 12h00 ngày 21/3/2020.

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 06/CT-BCT ngày 11/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diễn biến mới của dịch bệnh Covid-19. Lực lượng QLTT tổng hợp công tác kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch bệnh trong ngày 21/3/2020.

Diễn biến thị trường

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, ngày càng xuất hiện những ca nhiễm mới trên địa bàn các tỉnh, thành phố, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã có công văn hỏa tốc số 430/TCQLTT-CNV ngày 07/3/2020 yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Đội QLTT giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom.

Đồng thời, xừ lý nghiêm hành vi lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch và chữa bệnh trong điều kiện thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh Covid-19.

Theo báo cáo của lực lượng QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu ở các siêu thị, cửa hàng, chợ... tương đối đầy đủ.

Mặt hàng khẩu trang y tế vẫn khan hiếm trên thị trường các tỉnh, thành phố. Đối với mặt hàng khẩu trang vải các loại, để hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận các điểm bán khẩu trang vải kháng khuẩn; khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn; khẩu trang vải thường dùng để phòng chống dịch bệnh Covid-19, Vụ Thị trường trong nước cung cấp danh sách các điểm bán trên địa bàn một số tỉnh, thành phố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương.

Kết quả kiểm tra, xử lý

Ngày 21/3/2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát 70 vụ, trong đó xử lý 22 vụ việc vi phạm liên quan đến khẩu trang, số tiền xử phạt hơn 26 triệu đồng.

Lũy kế từ ngày 31/1 đến ngày 21/3/2020, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra, giám sát 6.853 vụ việc vi phạm, số tiền xử phạt vi phạm hành chính hơn 2,5 tỷ đồng.

Một số vụ việc kiểm tra, xử lý

Tại Hà Nam

Ngày 20/3/2020, Cục QLTT Hà Nam thực hiện công tác chuyển giao 75.230 chiếc khẩu trang y tế các loại và 500 chai nước diệt khuẩn cho Sở Y tế tỉnh Hà Nam để phân loại, đánh giá phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Toàn bộ số hàng hóa trên là tang vật vi phạm hành chính bị lực lượng QLTT Hà Nam tịch thu từ 31/01/2020 đến 12/3/2020.

Cùng ngày, Cục QLTT Hà Nam xử lý 1 cơ sở với hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; phạt tiền 800.000 đồng và tịch thu 2.500 chiếc khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc theo quy định.

Tính từ ngày 31/1/2020 đến nay, Cục QLTT Hà Nam đã xử lý 20 cơ sở vi phạm, phạt tiền gần 64 triệu đồng vì các hành vi không niêm yết giá; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng hóa có nhãn không ghi đủ các nội dung bắt buộc trên nhãn hàng hóa.

Ngoài ra, lực lượng QLTT đã tổ chức ký cam kết niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, không sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng... với 265 cơ sở kinh doanh thuốc tân dược, thiết bị y tế; 45 cơ sở kinh doanh lương thực, thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh.

Tại TP. Hồ Chí Minh

Ngày 18/3/2020, Đội QLTT số 16 kiểm tra Chi nhánh Công ty TNHH SX-XD TM DV XNK Vi Na, địa chỉ số 224/17A đường Hương Lộ 80, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân.

Tại đây đang sản xuất khẩu trang kháng khuẩn hiệu Number one có nhãn ghi không đủ nội dung bắt buộc. Đội lập biên bản tạm giữ giao công ty bảo quản 30.000 cái khẩu trang để tiếp tục xử lý theo quy định.

Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, hàng giả, hàng nhái trên thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu trong phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay khô, vật tư y tế.