Bia Sài Gòn tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015

Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 140 năm lịch sử Bia Sài Gòn, ngày 28/5/2015, tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - NGK Sài Gòn đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2015.

Bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Tổng Giám đốc Bia Sài Gòn báo cáo kết quả SXKD tại Đại hội

Đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2014, bà Phạm Thị Hồng Hạnh - Tổng Giám đốc cho biết, mặc dù nền kinh tế trong nước đã có những bước phục hồi, nhưng môi trường kinh doanh, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, đời sống của người dân vẫn còn khó khăn, nên sức mua vẫn chưa được phục hồi, đặc biệt là những hàng hóa nhu yếu phẩm như Bia Sài Gòn. Bên cạnh đó, Bia Sài Gòn tiếp tục chịu sự cạnh tranh ngày càng mạnh của các hãng Bia đối thủ, đặc biệt là các hãng Bia của nước ngoài với nguồn tài chính mạnh, không ngừng đầu tư tăng công suất, chi tiền cho quảng cáo, tiếp thị với những phương thức và hình thức hoạt động ngày càng tinh vi, nhằm lôi kéo người tiêu dùng và cả nhà phân phối. Chính sách siết chặt quản lý hoạt động vận tải và kiểm soát hoạt động tải trọng phương tiện đã tăng đột biến giá cước vận chuyển nguyên liệu, thành phẩm trực tiếp làm giảm lợi nhuận của toàn hệ thống. Nhưng, Hội đồng quản trị và Ban điều hành đã chủ động linh hoạt trong chỉ đạo đối với các sự việc cụ thể của hoạt động kinh doanh, như: chỉ đạo sát sao công tác điều hành phối hợp giữa sản xuất - vận chuyển - tiêu thụ trên cơ sở hợp lý hóa vận chuyển theo vùng tiêu thụ, giảm tối đa việc vận chuyển vượt tuyến, vượt vùng nhưng vẫn bảo đảm ổn định cho các đơn vị sản xuất trên toàn hệ thống; Đối với công tác tiêu thụ, thị trường, Tổng công ty vẫn tiếp tục khẳng định “Thương mại là mặt trận hàng đầu” bằng việc tập trung vào thương hiệu Bia Sài Gòn thông qua các chuỗi sự kiện, như: Tôi yêu Bia Sài Gòn, Giải bóng đá mini phong trào toàn quốc - Cúp Bia Sài Gòn, Nhịp cầu mơ ước, Chào năm mới… Thực hiện các chương trình marketing - hỗ trợ bán hàng trên toàn hệ thống như nhận diện thương hiệu Bia Sài Gòn, Bia 333 một cách thống nhất, đồng bộ, thể hiện quyết tâm xây dựng tính chuẩn mực và chuyên nghiệp trong hoạt động marketing của Bia Sài Gòn; Hỗ trợ bán hàng trên toàn hệ thống như trưng bày sản phẩm, hình ảnh, thương hiệu tại các nhà hàng, quán ăn, tạo tâm lý quen thuộc, gần gũi; Kết hợp marketing với các chương trình từ thiện hướng về cộng đồng, đưa bia Sài Gòn về nông thôn, hải đảo...

Đối với công tác kỹ thuật sản xuất và chất lượng sản phẩm, với mục tiêu đảm bảo chất lượng sản phẩm là nền tảng của sự phát triển, Tổng công ty đã ban hành quản lý định mức kinh tế - kỹ thuật trên toàn hệ thống; tăng cường đào tạo chuyên sâu cho cán bộ trong nước và tại châu Âu; tăng cường công tác kiểm nghiệm, kể cả kiểm nghiệm lưu động, nhằm đảm bảo tính linh động và kịp thời cho hoạt động sản xuất; Chất lượng, giá bán sản phẩm Bia Sài Gòn ổn định, phù hợp với nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng. Nhờ vậy, kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014 của Tổng công ty đã hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Cụ thể như sau:

Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 12.480 tỷ đồng; Sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia các loại đạt 1,394 tỷ lít, trong đó Bia Sài Gòn đạt 1,356 tỷ lít, đạt 103% kế hoạch; Doanh thu đạt 30.674 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch; Tổng nộp ngân sách 13.077 tỷ đồng, đạt 102%; Tỷ lệ chia cổ tức (Công ty mẹ) 25%, tăng 2% so với năm 2013.

Năm 2015, Bia Sài Gòn đặt ra chỉ tiêu sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia các loại đạt trên 1.425 triệu lít, tăng 2% so với năm 2014, trong đó riêng bia Sài Gòn chiếm gần 1.388 triệu lít. Doanh thu dự kiến đạt hơn 31.700 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 4.200 tỷ đồng và lãi sau thuế 3.291 tỷ đồng, đều tăng 8% so với năm 2014. Cổ tức được nâng từ 25% lên 30%.

Để đạt được chỉ tiêu đề ra, Bia Sài Gòn tiếp tục thực hiện chiến lược Thương mại là mặt trận hàng đầu; Kỹ thuật, chất lượng là nền tảng. Theo đó, sẽ tập trung đầu tư các nhãn hàng sản phẩm theo định vị và chiến lược phát triển dài hạn, trong đó định vị sản phẩm trong từng phân khúc (cao cấp, cận cao cấp và phổ thông); Đảm bảo tiến độ nâng cấp sản phẩm về bao bì và dịch vụ đi kèm để tăng cường tính cạnh tranh. Đẩy mạnh dự án bia tươi cao cấp phục vụ giới trẻ; Tăng cường xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đặc biệt thị trường các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Myama, Trung Quốc, Hàn Quốc...; Nghiên cứu sản phẩm mới để đưa ra thị trường trong năm 2015; Đưa hệ thống nhân men tại Hà Tĩnh vào sử dụng; Chuẩn hóa đội ngũ kỹ thuật tại các nhà máy sản xuất, hoàn tất khóa đào tạo Brewmaster cho hệ thống, đào tạo Brewing tại Việt Nam...; Tiếp tục xây dựng hệ thống quản lý ISO 17025 cho tất cả các phòng kiểm nghiệm và Quản lý sử dụng năng lượng ISO 50001:2007; Tiếp tục đầu tư các hệ thống phân tích sắc ký khí, sắc ký lỏng cao áp, sắc ký khối phổ... để tăng các chỉ tiêu kiểm tra, giám sát, không để bia sai lỗi ra thị trường.

Các cổ đông biểu quyết thông qua các báo cáo của HĐQT

Tuy nhiên, theo ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch HĐQT Bia Sài Gòn một trong những vướng mắc đang ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của Tổng công ty đó là cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt của Kiểm toán Nhà nước khác với cách tính thuế của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ Dự thảo Nghị định quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt, theo đó nếu Nghị định được ban hành, thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ tăng 5% mỗi năm cho đến khi đạt mức 65%. Khi đó, Bia Sài Gòn sẽ mất khoảng 900 tỷ đồng lợi nhuận, tức hơn 10%.

Trả lời câu hỏi của cổ đông về vấn đề bán cổ phần Nhà nước (hơn 53%), ông Tuất cho biết, đến nay, Bộ Công Thương đã nhận được 9 hồ sơ của đối tác đề nghị muốn mua cổ phần. Bộ Công Thương cũng đã lập ra một ban chỉ đạo thực hiện bán phần vốn tại Bia Sài Gòn, trong đó đưa ra những tiêu chuẩn phù hợp và thẩm định kỹ càng. Với các tập đoàn lớn trên thế giới, chúng tôi sẽ cân nhắc trong việc hợp tác, vì trong thực tế đã có rất nhiều thương hiệu trong nước bị mất thương hiệu vào tay các đối tác nước ngoài.

Nguyên Vỵ