Cảm thức lịch sử ở một bữa tiệc chào mừng.

Đến nay, bữa tiệc Bộ Công Thương chiêu đãi chào mừng Bộ trưởng Chung Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Thương mại Trung Quốc tới Việt Nam tham dự Hội nghị APEC và RCEP đã qua hơn hai tuần, nhưng chúng tôi

Bước vào tuổi trăng tròn, chúng tôi nằm lòng “Bài thơ tình ở Hàng Châu” của thi sĩ Tế Hanh, với những câu thơ nổi tiếng: “Hồn người xưa vương vấn tự bao giờ/Còn thao thức trên cành đào, ngọn liễu”.

Thầy Kiều Thể, giáo viên dạy văn bỏ ra 3 chủ nhật soạn giáo án bài thơ này, chỉ cốt thổi vào hồn đám thanh niên mới lớn chúng tôi thấm hiểu rằng, phải có cảm thức lịch sử lớn lao, phải biết trân trọng những bài học lịch sử lớn lao, mới có thể viết nên những câu thơ muôn đời như vậy.

Thầy còn dẫn những câu thơ tương tự: “Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về” (Đất nước, Nguyễn Đình Thi); “Nghe hồn Nguyễn Trãi phiêu diêu/Tiếng gươm khua, tiếng thơ kêu xé lòng” (Bài ca Xuân 1961, Tố Hữu); “Hồn đất nước bâng khuâng theo tiếng chim dân dã/ Như chửa nghe bao giờ, mà như đã” (Vòng cườm trên cổ chim cu, Chế Lan Viên)…

Lũ chúng tôi lớn lên, đường đời rẽ dọc rẽ ngang năm bảy ngả. Người ở lại cày cấy nối nghiệp nông gia, người mở xưởng mộc, cửa hàng tạp hóa theo tinh thần “ly nông, bất ly hương”, người về thủ đô học hành lập nghiệp… Nhưng cảm thức lịch sử, sự trân trọng những bài học lịch sử của tiền nhân, ít nhiều đã nằm trong hành trang theo chúng tôi đi suốt những chặng đường.

Rồi bỗng một dịp may hiếm có, tối ngày 19/5, trong buổi tiệc Bộ Công Thương chiêu đãi chào mừng Bộ trưởng Chung Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Thương mại Trung Quốc tới Việt Nam tham dự Hội nghị APEC và RCEP.

Trong không khí thân tình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tặng Bộ trưởng Chung Sơn một món quà hết sức có ý nghĩa. Đó là tấm hình phong cảnh Tây Hồ, tại Thành phố Hàng Châu do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chụp, trong dịp tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đi thăm và làm việc tại Trung Quốc tháng 1 năm 2017.

Đặc biệt hơn, trên tấm hình ấy là chữ viết tay bài thơ của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vừa sáng tác chiều ngày 19 tháng 5:

Gió lay cành nắng vương cây

Lôi Phong rêu cứ xanh đầy yêu thương

Ngàn năm ai nhớ ai quên

Giọt tình trót tặng Hứa Tiên luân hồi.

Bài thơ lấy cảm hứng từ câu chuyện tình Bạch Xà - Hứa Tiên nổi tiếng ở Hàng Châu, một trong Tứ đại truyền thuyết dân gian của Trung Quốc, cùng với Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Ngưu Lang - Chức nữ, và Mạnh Khương Nữ.

Câu chuyện xoay quanh mối tình đầy sóng gió giữa nàng Bạch Xà với chàng Hứa Tiên, dù bị Pháp Hải ngăn trở, trải qua bao nhiêu biến cố, có những lần nguy hại đến tính mạng, có những lần bị giam cầm trong Tháp Lôi Phong đằng đẵng 20 năm, nhưng bằng sức mạnh của tình yêu thương, Bạch Xà và Hứa Tiên vẫn đến được với nhau. “Lôi Phong rêu cứ xanh đầy yêu thương” là như vậy.

“Lôi Phong rêu cứ xanh đầy yêu thương” là cảm thức lịch sử; cảm thức về tình yêu thương bao giờ cũng là chất men kỳ diệu kết nối con người với nhau. Cảm thức lịch sử cũng là chất men kết nối truyền thống và hiện đại; như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ với Bộ trưởng Chung Sơn trong bữa tiệc chào mừng: “Ngàn năm Tháp Lôi Phong giam cầm Bạch Xà, nhưng cũng không ngăn cản được tình yêu của nàng dành cho chàng Hứa Tiên. Đây chính là tình cảm tôi rất trân trọng, đồng thời cũng hướng tới tình cảm tốt đẹp của con người chúng ta trong xã hội hiện nay”.

Cảm thức lịch sử là một dòng chảy liên tục. Trong bữa tiệc chào mừng, hai bộ trưởng cùng nhau ôn lại những chuyến viếng thăm qua lại giữa hai nước. Bộ trưởng Chung Sơn nhắc đến những kỷ niệm lần đầu tiên gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang khi còn là Bộ trưởng Bộ Công an; gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi đang là Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng chia sẻ: “Lãnh đạo cấp cao hai nước liên tục có những chuyến thăm hữu nghị. Tôi rất vui mừng khi các nhân tôi và Bộ trưởng Chung Sơn được tháp tùng và tham gia các buổi hội kiến cấp cao, qua đó nắm được quan điểm, tư tưởng, định hướng hợp tác song phương hai nước”.

Đây cũng là lý do khiến hai bộ trưởng đều cảm thấy thân thiết ngay trong lần đầu gặp nhau khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường,” đầu tháng 5 vừa qua. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhớ lại: “Ngay lần gặp đầu tiên chúng tôi đã cảm thấy rất gần gũi và không có khoảng cách”. Còn Bộ trưởng Chung Sơn: “Ngày ấy tôi ngồi bên cạnh Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và thấy hai người chúng ta đã là bạn hữu rồi”. Trong thời gian diễn ra Diễn đàn “Vành đai và Con đường” có 28 quốc gia tham dự, Bộ trưởng Chung Sơn chỉ tiếp có 2 đoàn, trong đó có đoàn của Bộ Công Thương Việt Nam. Bộ trưởng Chung Sơn giải thích: “Tôi và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có duyên phận”.

Theo văn hóa của những nước có đạo Phật đồng hành với Nho giáo như Việt Nam, Trung Quốc và một số nước Á Đông khác, duyên phận là một khái niệm chỉ sự liên kết vô hình giữa người với người, với những khả năng và cơ hội thân tình với nhau một cách tự nhiên. Vì thế, người xưa đã đúc kết: “Duyên phận là thứ có thể gặp, nhưng không thể cầu”.

Viết đến đây tôi trộm nghĩ, bên cạnh duyên phận giữa hai cá nhân bộ trưởng, chắc hẳn còn có sự giao thoa với duyên phận của hai tư lệnh ngành Công Thương của Việt Nam và Thương mại của Trung Quốc.

Chẳng thế mà Bộ trưởng Chung Sơn nhậm chức chưa được bao lâu (ông được Kỳ họp lần thứ 26 Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc lần thứ 12 bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Thương mại ngày 24/2/2017), nhưng đã bắt tay vào thiết lập hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương nước ta.

Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về Thương mại điện tử giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc

Và chỉ 3 tháng sau, trong buổi làm việc đầu tiên với đoàn công tác Bộ Công Thương Việt Nam, khi Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu một loạt những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ thương mại, hợp tác công nghiệp giữa hai bên, đưa ra các phương án giải quyết các vấn đề liên quan và định hướng quan hệ kinh tế thương mại song phương trong thời gian tới như thúc đẩy thành lập Văn phòng XTTM tại Việt Nam tại Hàng Châu (Trung Quốc); mở cửa thị trường Trung Quốc cho các mặt hàng nông sản (trái cây, thủy sản, thịt lợn, sản phẩm sữa…), thúc đẩy ký kết thỏa thuận dài hạn về thương mại gạo giữa các doanh nghiệp lớn hai nước; tháo gỡ rào cản kỹ thuật đối với xuất khẩu than tồn kho của Việt Nam và thúc đẩy giải quyết vướng mắc của một số dự án hợp tác công nghiệp... thì Bộ trưởng Chung Sơn đã có những phát biểu chỉ đạo kịp thời, đề nghị các đơn vị liên quan của hai Bộ khẩn trương phối hợp chặt chẽ triển khai các nhiệm vụ và giải quyết các vấn đề Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu.

Trước khi sang Việt Nam dự Hội nghị APEC và RCEP lần này, Bộ trưởng Chung Sơn cũng giao nhiệm vụ cho Vụ châu Á của Bộ Thương Mại Trung Quốc, Sở Thương mại tỉnh Triết Giang thúc đẩy việc mở Văn phòng XTTM của Bộ Công Thương Việt Nam tại Hàng Châu.

Trong buổi tiệc chào mừng tối ngày 19/5 nói trên, Bộ trưởng Chung Sơn đề nghị Vụ châu Á (Bộ Thương mại Trung Quốc) phối hợp với Vụ châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương Việt Nam) xây dựng một cơ chế hợp tác giữa hai bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đưa ra gợi ý: Nhiệm vụ hợp tác giữa hai Bộ phải do hai Vụ cụ thể hóa; những gì vượt chức năng của hai Vụ, sẽ báo cáo lên hai Bộ; những gì vượt quá phạm vi của hai Bộ, sẽ báo cáo lên lãnh đạo cấp cao, theo tinh thần “Những gì Việt Nam đề xuất, Trung Quốc sẽ làm hết mình”.

Với tinh thần “làm hết mình đó”, quan hệ giữa hai Bộ, nói rộng ra hai nền kinh tế có những bước phát triển tốt đẹp. Sau bữa tiệc chào mừng, ngày 20/5, trong buổi Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn, Bộ trưởng Chung Sơn báo cáo với Chủ tịch nước Trần Đại Quang về các hoạt động trong thời gian ở thăm Việt Nam, trong đó lãnh đạo Bộ Thương mại Trung Quốc và Bộ Công Thương Việt Nam đã thảo luận và thống nhất các biện pháp nhằm thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao của Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, đưa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển lên tầm cao mới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao việc Trung Quốc sớm khẳng định mở cửa thị trường, tạo thuận lợi cho các mặt hàng nông - thủy sản, thực phẩm, sản phẩm điện tử, than… của Việt Nam vào thị trường nước này. Cùng với đó, Chủ tịch nước mong muốn hai bên tích cực nghiên cứu, trao đổi việc quy hoạch và hợp tác kết nối chiến lược phát triển, năng lực sản xuất, xây dựng khu kinh tế qua biên giới phù hợp với lợi ích và chiến lược phát triển bền vững của mỗi nước.

Đến nay, bữa tiệc Bộ Công Thương chiêu đãi chào mừng Bộ trưởng Chung Sơn cùng đoàn công tác của Bộ Thương mại Trung Quốc tới Việt Nam tham dự Hội nghị APEC và RCEP đã qua hơn hai tuần, nhưng  chúng tôi vẫn cảm nhận rất rõ sự thân tình của hai Bộ, lãnh đạo hai Bộ. Và cảm thức lịch sử mà thầy giáo Kiều Thể đã thổi vào hồn lũ thanh niên mới lớn chúng tôi, qua “Bài thơ tình ở Hàng Châu”, lại trỗi dậy qua bài thơ Bộ trưởng Trần Tuấn anh tặng Bộ trưởng Chung Sơn: “Lôi Phong rêu cứ xanh đầy yêu thương”; qua câu nói chân tình, cùng sự trải nghiệm sâu sắc trong nền văn hóa Á Đông của Bộ trưởng Chung Sơn: “Tôi và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có duyên phận”. Tôi cũng muốn nhắc lại rằng, đây là duyên phận của 2 cá nhân Bộ trưởng và cũng là duyên phận của 2 tư lệnh ngành Công Thương Việt Nam với tư lệnh ngành Thương mại Trung Quốc.


Nguyễn Văn - Thúy Hà