Đam mê của chàng trai “vàng” Lê Công Quý

Trong số những gương mặt tham dự cuộc thi Tay nghề Asean lần thứ 10 được tổ chức tại Việt Nam, Lê Công Quý - sinh viên Khoa Cơ khí, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội được các thầy cô, chuyên gia hướng

Đam mê học tập

Gặp chàng trai “vàng” Lê Công Quý vào những ngày cuối năm, không khí Tết đã rộn ràng khắp phố phường Hà Nội, nhưng thấy Quý vẫn khá bận rộn với việc hoàn thành gấp rút đồ án để nộp cho thầy giáo theo đúng hẹn. Quý e dè khi kể về thành tích em đạt được trong kỳ thi Tay nghề Asean. Trong câu chuyện, Quý chủ yếu nói đến những tháng ngày khổ luyện khi ở trong đội tuyển của Trường và những ước mơ hoài bão, những dự tính cho tương lai sau khi em tốt nghiệp đại học.

Quý kể, em được chọn vào đội tuyển của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội từ năm thứ hai. Lịch học của em kín cả ngày đến tối. Thời gian biểu một ngày của em là, buổi sáng lên lớp học theo chương trình giảng dạy chính thống của Khoa Cơ khí, buổi chiều Quý tiếp tục theo lớp ôn luyện của đội tuyển. Ban đầu lớp có khá nhiều bạn được chọn, nhưng sau đó dần dần có một số bạn không trụ lại được vì việc học quá vất vả, các bạn không đủ sức khỏe và phải bảo đảm hoàn thành việc học tập chính ở Khoa cũng đã rất mệt. Có những ngày cao điểm, Quý và các bạn học tới 10h đêm, có tuần chủ nhật cũng không nghỉ. Quý tâm sự, cả ngày chỉ ngồi chúi mặt vào chiếc máy tính nên có lúc đầu óc tưởng như muốn đơ ra, rất mệt mỏi, nhất là dịp ôn thi cấp Quốc gia.

Sống xa nhà, phải trọ học, thiếu sự chăm sóc của gia đình, cha mẹ thân yêu, song như Quý tâm sự, niềm đam mê học hỏi đã vượt lên trên tất cả mọi khó khăn, thử thách. Quý đã từng bước vượt qua các kỳ thi tuyển để vào Đội tuyển quốc gia, tham dự Cuộc thi Tay nghề Asean. Từ thi sơ khảo cấp trường, cấp Bộ Công Thương, rồi đến cấp quốc gia chỉ còn Quý và hai bạn ở các trường khác được chọn. Sau đó các em lại tiếp tục tham gia hai kỳ huấn luyện nữa và tiếp tục loại một người, cuối cùng chọn Quý và một bạn của Trường Đại học Công nghệ cao.

Tôi khá bất ngờ khi thấy Quý nói, em đã biết đến cuộc thi Tay nghề Asean từ năm học cấp 3, khi còn là học sinh của Trường PTTH Nông Cống và em cũng đã từng ước ao có dịp được tham gia cuộc thi này. Như một cái duyên, em thi vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội với một quyết định rất nhanh và bất ngờ. Ban đầu, Quý chọn thi Trường Đại học Quân sự và một trường Cao đẳng, nhưng sau đó em thay đổi quyết định, nộp hồ sơ thi vào Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nơi có bề dày đào tạo ngành kỹ thuật Cơ khí và em đã đỗ ngay năm thi đầu tiên. Rồi cũng như một cái duyên, em lại được chọn vào đội tuyển dự thi tay nghề của trường trong tổng số 500 sinh viên của Khoa Cơ khí lúc bấy giờ. Để sau 2 năm miệt mài khổ luyện, Lê Công Quý đã vinh dự đứng trên bục nhận giải thưởng tại Cuộc thi Tay nghề Asean, với tấm Huy chương Vàng cho nghề Thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD.

Nhớ lại những năm tháng khổ luyện học tập chăm chỉ, rồi được trải nghiệm qua các kỳ thi ở Khoa, Trường, Thành phố, vào đội tuyển Quốc gia dự cuộc thi Tay nghề Asean, Lê Công Quý luôn cảm ơn những người đã trao hết niềm tin cho em, động viên, tiếp cho em thêm sức mạnh để em giành được chiến thắng tuyệt đối trước các bạn bè trong khu vực Asean.

Và ước mơ giản dị

Trò chuyện với Lê Công Quý, nghe em tâm sự những câu chuyện rất giản dị về cuộc sống học tập thường ngày của em, về những dự định trong tương lai, thì cảm nhận của tôi về Quý càng rõ nét hơn. Quý là một chàng trai sống sâu sắc, bản lĩnh và khá chín chắn, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ.

Ước mơ về tương lai của Lê Công Quý là sau này ra trường sẽ được làm đúng nghề mình đã học và em dự định đi làm 3 năm để lấy kinh nghiệm, học cách quản lý công việc của mình và công việc chung như thế nào, đồng thời sẽ học thêm ngoại ngữ tiếng Anh hoặc tiếng Nhật để đọc được tài liệu và giao dịch với người nước ngoài. Theo Quý, hiện nay ngành học của em có rất nhiều công ty nước ngoài đang đầu tư sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, nếu có cơ hội, em cũng muốn được thử sức ở một môi trường làm việc hiện đại, công nghệ máy móc tiên tiến, để học hỏi thêm kinh nghiệm. Quý thẳng thắn chia sẻ thêm, trong 3 năm đó, nếu như em chưa xin được công việc tương xứng với khả năng của mình, mà chỉ ở vị trí của một công nhân thôi, nhưng phải là công nhân theo chuyên ngành cơ khí mà Quý đang học thì em vẫn vui vẻ chấp nhận, vì Quý quan niệm: khi làm người thợ mới hiểu họ cần gì và họ làm việc thế nào. Và với Quý, lập nghiệp ở đâu cũng được. Thời gian đầu có thể sẽ là làm việc ở xa quê hương, khi đã phát triển tốt hơn, có kinh nghiệm hơn cũng có thể Quý sẽ về lập nghiệp ở quê nhà.

Chia tay Lê Công Quý, tôi chúc em thực hiện được ước mơ bình dị của mình. Dẫu thời gian gặp Lê Công Quý chỉ ngắn ngủi vài giờ đồng hồ, nhưng tôi cảm nhận được ở em có một nghị lực, quyết tâm rất lớn. Với những đam mê học hỏi không ngừng của bản thân, tôi tin Quý sẽ thành công và sau này sẽ là một kỹ sư cơ khí giỏi có nhiều đóng góp cho ngành Công Thương và đất nước.