Điện Biên: Đồng bộ giải pháp, xây dựng ngành Công Thương vững mạnh toàn diện

Trong kết quả chung, ngành Công Thương tỉnh Điện Biên đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế địa phương. Hoạt động Công Thương tiếp tục được duy trì ổn định và có mức tăng trưởng cao hơn so với năm trước.

Phát huy những thành quả đã đạt được, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Năm du lịch quốc gia Điện Biên năm 2024. 

Ngành Công Thương đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương

Phát huy tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ, trong những năm qua, Điện Biên đã tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, chú trọng khai thác các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, các mặt kinh tế - xã hội được duy trì ổn định và phát triển liên tục. Nhiều năm liền, Điện Biên duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế khá.

Riêng năm 2023 kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, đạt 7,1% năm 2023, xếp thứ hạng 27/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 4/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo đúng định hướng. Các dự án trọng điểm đang được triển khai quyết liệt.

Năm 2023, đã hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác Cảng hàng không Điện Biên Phủ; thêm 02 nhà máy thủy điện được đưa vào vận hành khai thác, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Năm 2023, lượng khách du lịch đến Điện Biên ước đạt trên 01 triệu lượt người, tăng 23,46% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng 26,45% so với cùng kỳ năm trước.

Điện Biên
Sân bay Điện Biên là công trình trọng điểm có ý nghĩa lớn về quốc phòng - an ninh, tạo đột phá về hạ tầng, góp phần thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế của Điện Biên

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư đạt khá, cải cách hành chính chuyển biến rõ nét, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục được tăng cường, bộ mặt đô thị và nhiều vùng nông thôn đổi thay, tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo và các hộ cận nghèo giảm, đời sống của Nhân dân các dân tộc từng bước được cải thiện. Các di tích của chiến trường Điện Biên năm xưa như đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Độc Lập, cầu Mường Thanh, Sân bay Mường Thanh và Hầm chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được gìn giữ bảo tồn và phát huy trở thành điểm du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Trong kết quả chung, ngành Công Thương tỉnh Điện Biên đã đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế địa phương. Hoạt động Công Thương tiếp tục được duy trì ổn định và có mức tăng trưởng cao hơn so với năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2023 ước đạt 3.447,58 tỷ đồng, tăng 5,63% so với năm trước, hoạt động công nghiệp thương mại duy trì ổn định. Các dự án đầu tư phát triển nguồn điện (thủy điện, điện sinh khối, điện gió…), phát triển hạ tầng thương mại (trung tâm thương mại, siêu thị, hệ thống cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng xăng dầu…) tiếp tục được nhà đầu tư quan tâm;…

Tập trung tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên, nổi bật với sự kiện trọng đại Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; 115 năm thành lập tỉnh; 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên quyết tâm triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tập trung tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đây là cơ sở quan trọng để phát triển KTXH, phát huy được các tiềm năng lợi thế của tỉnh và đồng thời thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tập trung chuẩn bị và tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024.

Thứ hai, tập trung huy động các nguồn lực triển khai có hiệu quả Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh theo chuỗi khép kín từ sản xuất - chế biến-tiêu thụ, đặc biệt là thực hiện các dự án trồng cây mắc ca, trồng rừng sản xuất, trồng cây ăn quả, cây dược liệu, cây công nghiệp khác,...

Thứ ba, huy động nguồn lực thực hiện hiệu quả nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng gắn với phát triển đô thị theo hướng hiện đại, tập trung cho các dự án công trình trọng điểm, dự án đầu tư phát triển đô thị, trọng tâm là xây dựng thành phố Điện Biên Phủ thành đô thị loại II; đẩy nhanh tiến độ dự án xây dựng đường cao tốc Sơn La - Điện Biên - Cửa khẩu Tây Trang, giai đoạn 1.

Thứ tư, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả kế hoạch đầu tư công; 03 chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế theo Chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành Trung ương.

Thứ năm, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn hướng tới mục tiêu đưa Điện Biên trở thành trung tâm du lịch của khu vực và cả nước.

Đối với lĩnh vực Công Thương, trong thời gian tới, tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch điện VIII trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư, sớm triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Hỗn hợp huyện Mường Ảng; Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án thủy điện, phấn đấu phát điện trong năm 2024 các dự án Mường Mươn, Mường Tùng, Nậm Núa 2; Tiếp tục triển khai hiệu quả Dự án cấp điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên, năm 2024 và năm tiếp theo; tạo điều kiện thuận lợi để Tập Đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà đầu tư đấy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hệ thống lưới điện truyền tải theo quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là các dự án trạm biến áp và đường dây 110kV đang triển khai. Tiếp tục tạo điều kiện để các nhà đầu tư tiềm năng khảo sát, nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh như: Điện gió, điện sinh khối, thủy điện,…Thu hút đầu tư xây dựng mới, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại hóa.   

Hưng Nguyên