Doanh nghiệp: Nhìn từ phía gia nhập và rút lui khỏi thị trường

Trong môi trường đầu tư thuận lợi, số doanh nghiệp ra nhập thị trường tăng lên, sức ép ngày càng nhiều thì quan sát sự gia nhập và rút lui khỏi thị trường của các loại hình doanh nghiệp thấy có nhiều

Đang khó khăn

Không kể quý I vì Tết Nguyên Đán Đinh Dậu rơi vào đầu tháng 2/2017, tính từ đầu quý II đến nay, tình hình hoạt động của doanh nghiệp tạo ra 2 luồng diễn biến dường như trái chiều nhau.

Ở luồng thứ nhất, ngoại trừ số liệu  lũy kế của 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp được thành lập mới giảm chút ít, chưa tới 1% so với năm 2016, còn lại 3 tháng gần đây, số liệu lũy kế cho thấy số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng trên 10%, và số vốn thành lập tăng gần 40%. Cụ thể trong Bảng 1.


Ở luồng diễn biến thứ hai, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng lên một cách bất thường theo số liệu lũy kế của hai tháng gần đây. Cụ thể số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lũy kế tính đến tháng 4 và tháng 5 mới ở mức tăng 9% và trên 12% so với cùng kỳ năm 2016; thì lũy kế tính đến tháng 6, tháng 7 đã ở mức trên 19% và gần 22% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trên tổng số doanh nghiệp thành lập mới lũy kế theo từng tháng, thì tỷ lệ doanh nghiệp tạm dừng hoạt động giảm đôi chút, nhưng vẫn ở mức cao đến khó tin. Lũy kế đến tháng 4, có 27.400 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động/42.400 doanh nghiệp thành lập mới, chiếm 64%. Lũy kế 5 tháng đầu năm tỷ lệ này là 63%; 6 tháng đầu năm là 61,8% và 7 tháng đầu năm là 59,3%.

Thử hình dung xem, cứ thêm 100 doanh nghiệp thành lập mới thì đồng thời có 60 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động! Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng đầu tháng 8 vừa qua, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã dùng từ “rất khó khăn” khi nói về tình hình hoạt động của doanh nghiệp với trên 43 ngàn đang ở trạng thái “tạm ngừng hoạt động”. Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2017 cũng nhận định: “Tình hình sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động còn lớn”.

Thông cáo báo chí phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017 cho biết, sau khi thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định nhiều vấn đề, trong đó có: “Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện”.

Sức ép theo sự lớn lên

Vậy “Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động còn lớn” có mâu thuẫn gì với “Môi trường đầu tư, kinh doanh ngày càng được cải thiện”? Chắc chắn không! Vì sự hoạt động của doanh nghiệp một mặt liên quan đến cơ chế chính sách; mặt khác liên quan đến tình hình thị trường.

Tính trong 3 tháng gần đây, mỗi tháng đều đặn có trên 10 ngàn doanh nghiệp gia nhập thị trường. Tháng 5 có 10.954 doanh nghiệp; tháng 6 có 10.742 doanh nghiệp; tháng 7 có 11.677 doanh nghiệp. Như thế, môi trường đầu tư và kinh doanh chưa được coi là khó khăn. Song thị trường đang trở thành một thử thách khá khắc nghiệt.

Trước hết, theo một khảo sát mới đây của Tổng cục Thống kê, chi phí sản xuất đang là một gánh nặng với các doanh nghiệp tham gia vào thị trường. Có 27,5% số doanh nghiệp khẳng định chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm quý II năm nay tăng so với quý I; 7,7% số doanh nghiệp cho biết chi phí giảm và 64,8% số doanh nghiệp cho rằng chi phí tương đương quý I. Xu hướng trong quý III/2017, có 20,7% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất sẽ tăng so với quý II; 9,6% số doanh nghiệp cho rằng chi phí giảm và 69,7% số doanh nghiệp dự kiến chi phí sản xuất ổn định.

Thông tin trên cho thấy, số doanh nghiệp cho rằng chi phí sản xuất tăng luôn áp đảo so với số doanh nghiệp nhận định chi phí giảm; và xu hướng này tiếp tục thể hiện theo đà tăng tiến: quý II chi phí sản xuất tăng so với quý I; quý III chi phí sản xuất tăng so với quý II.

Thứ hai, như một điều hiển nhiên, mỗi tháng đều đặn có trên 10 ngàn doanh nghiệp gia nhập thị trường, lực lượng doanh nghiệp càng lớn mạnh thì theo thời gian, sức cạnh tranh giữa các doanh nghiệp sẽ ngày càng gay gắt hơn, trên tất cả các mặt từ giá bán, công nghệ, cho đến chất lượng phục vụ, khả năng tiếp cận người tiêu dùng… Tức là đòi hỏi của thị trường, của người tiêu dùng sẽ ngày một khắt khe hơn.

Quan sát “ra”, “vào”

Chúng ta thấy rõ điều này khi quan sát sự gia nhập và rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp. Bảng dưới đây chỉ thống kê trong tháng 6 và tháng 7 năm 2017, do các tháng trước đó thống kê theo những tiêu chí khác.


Nhìn trên Bảng, (i) Tỷ lệ loại hình doanh nghiệp gia nhập thị trường, và (ii). Sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước của tháng 6 và tháng 7 năm 2017, giống nhau một cách kỳ lạ. Đặc biệt, số liệu về tỷ loại hình doanh nghiệp gia nhập thị trường, sự xê dịch lớn nhất chỉ 0,5%. Cụ thể, doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ chiếm 35% trong tổng số doanh nghiệp thành lập mới của tháng 6 so với 35,5% của tháng 7.

Điểm nhấn của Bảng trên là tốc độ tăng trưởng (số liệu trong ngoặc) của các loại hình doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 loại hình doanh nghiệp, 4 loại đầu, gồm bán buôn bán lẻ, xây dựng, chế biến chế tạo, khoa học công nghệ chiếm khoảng 70% số doanh nghiệp gia nhập thị trường, nhưng sự tăng trưởng so với năm trước đã bão hòa, chỉ trên dưới 10%, rất thấp so với sự tăng trưởng trên dưới 20% của tổng số doanh nghiệp thành lập mới.

Ngược lại, 4 loại hình doanh nghiệp sau, chiếm 30% số doanh nghiệp thành lập mới, nhưng sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước tăng mạnh, cao hơn nhiều so với sự tăng trưởng trên dưới 20% của tổng số doanh nghiệp thành lập mới.

Số liệu về sự tăng trưởng của các loại hình doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước cho thấy 2 điều: Thứ nhất, 4 loại hình doanh nghiệp đầu tiên, được coi là tham gia vào các hoạt động chính, hoạt động sôi nổi nhất trên thị trường, và trong thống kê Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ theo hàng tháng, đây cũng là những loại hình tạo ra trên 80% doanh số trên thị trường, nay đã đi vào giai đoạn bão hòa, tức là sức ép cạnh tranh thị trường đã đến độ “căng” nhất định.

Đây cũng chính là lý do dẫn đến điều thứ hai: Các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường ngày càng có xu hướng tìm đến thị trường ngách, tìm đến những lĩnh vực hiện chưa phải là những hoạt động chính của thị trường, sức ép có độ “lỏng” nhất định, vì thế, tốc độ tăng trưởng của 4 loại hình doanh nghiệp sau có tốc độ phi mã.

Bảng tiếp dưới đây thể hiện sự rút lui khỏi thị trường của các loại hình doanh nghiệp.


Ở đây, chúng ta tiếp tục thấy sự giống nhau đến kinh ngạc về tỷ lệ lũy kế của mỗi loại hình rút lui khỏi thị trường từ đầu quý II đến nay. Chênh lệch lớn nhất là loại hình công ty THHH1TV cũng chỉ 1% (40,8%-41,8%); sự xê dịch thấp nhất với 0,4% thuộc về doanh nghiệp tư nhân (9,9%-9,5%).

Sự “lên tiếng” lớn nhất của Bảng này là khoảng cách khá lớn về tỷ lệ rút lui khỏi thị trường của các loại hình doanh nghiệp. Khoảng cách này cho ta thấy nhiều điều thú vị.

Xét về mặt phát triển, loại hình doanh nghiệp tối ưu nhất là công ty CP, tiếp theo là công ty TNHH, cuối cùng là doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân với hàng tá nhược điểm: Khó phát triển thành doanh nghiệp lớn do quy mô nhỏ; rủi ro rất cao do phải chịu trách nhiệm với hoạt động kinh doanh bằng toàn bộ tài sản của mình; không chuyên môn hóa do một người có toàn quyền quyết định mọi vấn đề, dẫn đến trình độ quản trị chuyên biệt trong các lĩnh vực chuyên biệt yếu kém… Thế nhưng, tỷ lệ “sống sót” lại cao nhất, chưa đến 10% rút lui khỏi thị trường.

Trong khi đó, loại hình doanh nghiệp cổ phần cứ 6 doanh nghiệp thì có 1 doanh nghiệp rút lui; công ty TNHH1TV trong 2,5 doanh nghiệp có 1 doanh nghiệp rút lui. Điều này phản ánh một thực tế là, so với các nước, chúng ta mới đang ở giai đoạn đầu tiến tới một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, do đó, dù ít hay nhiều, các doanh nghiệp ở loại hình phát triển cao hơn như công ty CP hay TNHH dễ chịu “thiệt thòi” hơn do yêu cầu về tính minh bạch cao hơn, dẫn đến chi phí tuân thủ pháp luật nhiều hơn. Thêm nữa, trong điều kiện sức ép cạnh tranh do lực lượng doanh nghiệp ngày càng lớn, khiến quy luật đào thải diễn ra khắc nghiệt hơn ở những loại hình phát triển cao hơn.

Do đó, cùng với môi trường đầu tư thuận lợi, số doanh nghiệp ra nhập thị trường ngày càng nhiều, sức ép ngày càng tăng thì đòi hỏi phải đẩy nhanh hơn nữa việc mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ KH-ĐT rà soát lại các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường cạnh tranh của OECD, tức là áp đặt kỷ luật thị trường một cách tương đối đồng nhất với tất cả các loại hình doanh nghiệp.




Ngọc Châu