Gặp những thợ khoan địa chất mỏ

Trên chiếc xe bán tải TOYOTA loại 2 cầu có khả năng đi đường rừng núi, leo dốc tốt, phóng viên Tạp chí TKV cùng Đoàn công tác của Tập đoàn đến một tổ khoan thuộc Xí nghiệp Địa chất Đông Triều. Cùng đi
Toàn bộ đoạn đường lên phía trên lưng chừng núi nơi tổ khoan làm việc khoảng gần 5 cây số là đường tạm, chỉ đủ cho một chiều xe đi, mặt đường toàn đá, sỏi lổn nhổn. "Lái xe của địa chất đều là những tay lái cứng và thường xuyên đi đường rừng núi, có nơi còn khó đi hơn nhiều so với đường này nên các bác cứ yên tâm" - Giám đốc Trường nói. Với tôi, chưa bao giờ đi trên con đường "bất khuất" như thế này nên như là đang thử cảm giác mạnh. Lái xe phải chật vật cho chiếc xe bò chậm chạp lên dốc, mặc cho xe lắc mạnh liên tục, ngả nghiêng, phía dưới toàn là những viên đá to chạm cả vào gầm xe, những vệt bánh của những xe đi trước cày sâu, đường trơn trượt do mưa, có đoạn xe bị sa lầy, chết máy. Dù vậy sau hơn 30 phút trên con đường "bất khuất" chúng tôi cũng lên được đến vị trí tổ khoan. Đây là Tổ khoan số 8 Đông Tràng Bạch 273, một trong số hơn chục tổ khoan đang thi công ở khu vực Đông Tràng Bạch, khoan thăm dò cho Công ty than Uông Bí. Các công nhân đang chăm chú làm việc bên chiếc máy khoan, xung quanh toàn rừng núi ở độ cao trên 100m so với mực nước biển. Thấy chúng tôi đến, anh em công nhân tươi cười chào nhưng vẫn không nghỉ tay vì máy đang chạy. Anh Phạm Ngọc Tuấn, thợ khoan bậc 5/7, Tổ trưởng cho biết: "Tổ khoan có 13 người, hầu hết đều trẻ tuổi, em là thợ bậc cao nhất 5/7, có 5 thợ bậc 4/7, còn lại là 3/7. Tổ lên núi, dựng lán, lắp máy thi công lỗ khoan này từ ngày 16/5/2014, chia 3 ca làm việc liên tục 24/24 giờ, đến nay đã khoan được 500m trên tổng số 680m của lỗ khoan, ở vị trí 189m đã gặp vỉa than dầy trên 4m". Trong khi Đoàn công tác làm việc, tôi lên phía trên vị trí đặt máy khoan khoảng 50m đến lán trại lợp tôn là nơi ăn, nghỉ của công nhân Tổ khoan. Một số công nhân đang ngủ bù ca ba. Phía ngoài lán, bên cạnh "bể nước" được quây bằng bạt, một công nhân đang thái cây măng to chuẩn bị bữa trưa. Anh này cho biết, tất cả lương thực, thực phẩm đều được đưa từ dưới phố lên, kể cả nước ngọt cũng do xe téc chở lên nhưng đi đường dốc, nước sánh ra ngoài, lên đến nơi chỉ còn lại hơn một nửa. Gặp một công nhân trông cao to, đẹp trai tên Tú, thợ bậc 3/7, năm nay mới 22 tuổi, Tú cho biết trước đây anh học nghề khoan thăm dò địa chất tại trường Cao đẳng công nghiệp Phúc Yên, ra trường làm việc tại Xí nghiệp từ năm 2012. Hỏi về công việc và những khó khăn trong nghề, Tú nói: "Công việc thì ổn định, nhưng phải thường xuyên xa nhà, còn khó khăn nhất là đi lại và khi di chuyển máy, vật tư, làm lán trại, mà cứ 2 - 3 tháng xong một lỗ khoan là lại thu quân, chuyển đến địa điểm khoan mới, đôi khi bị sự cố kẹt cần lại phải khắc phục. Nói chung là vất vả anh ạ nhưng được cái ở tổ khoan, anh em đoàn kết, bảo ban nhau để cùng hoàn thành công việc". Nhà ở Đông Triều, để đến nơi làm việc, Tú phải đi trên 20 cây số bằng xe máy, trong đó có đoạn đường mà chúng tôi vừa đi qua, nhiều chỗ dốc cao, đường trơn khó đi, xe máy đổ phải khênh xe lên mà đi tiếp, cứ khoảng chục ngày mới về nhà được một lần. Với mức lương trên 4 triệu đồng/tháng, chưa vợ con nhưng Tú bảo tiền chi phí xăng xe đi lại, ăn uống thì chẳng còn được mấy. Có lẽ cùng với điều kiện làm việc thường xuyên xa nhà, công việc cuốn hút mà những người thợ khoan địa chất cũng khó lấy vợ, như Tổ trưởng Tuấn năm nay 28 tuổi vẫn chưa có người yêu.
 
"Công tác khoan thăm dò địa chất ngày càng gặp khó khăn hơn do địa bàn thi công xa, đi lại khó khăn, lỗ khoan ngày càng xuống sâu. Năm 2014, khối lượng khoan thăm dò theo kế hoạch là 55.000m, 6 tháng đầu năm Xí nghiệp thực hiện 23.473m, đạt gần 47% kế hoạch năm", Giám đốc Trường nói. Chúng tôi hiểu, để có được kết quả như vậy là sự nỗ lực, cố gắng, khắc phục khó khăn của những người thợ khoan địa chất như Tuấn, như Tú.
 
Chia tay những người thợ khoan địa chất mỏ, những cái bắt tay thật chặt, chúng tôi chúc các anh luôn vững vàng, hoàn thành tốt nhiệm vụ thăm dò tìm kiếm nguồn tài nguyên than làm giàu cho đất nước.