Người đoàn viên đam mê sáng tạo

Tối 31/3/2014, Nhà hát lớn thành phố Hà Nội sôi động khi người dẫn chương trình xướng tên Phạm Văn Phương, cán bộ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thí nghiệm điện miền Trung (CPC ETC) cùng n

Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trực tiếp trao Bằng khen của Ban tổ chức, biểu trưng vàng sáng tạo cùng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ cho Phạm Văn Phương và cộng sự, kèm phần thưởng 26 triệu đồng. Niềm vui và hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt điển trai và thông minh của Phương. Vinh dự này không chỉ riêng anh và nhóm tác giả mà còn là vinh dự và tự hào của CPC ETC và Tổng công ty Điện lực miền Trung.

Phạm Văn Phương sinh năm 1982, quê Điện Quang (Điện Bàn, Quảng Nam), tốt nghiệp loại Khá lớp kỹ sư hệ thống điện, trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng tháng 7/2006. Tháng 9 năm 2006 anh được tiếp nhận vào làm việc tại CPC ETC cho đến nay.

Thấm thoát đã gần 8 năm… Phương bồi hồi nhớ lại. Thật may mắn và hạnh phúc khi được làm việc trong một tập thể có nhiều người giỏi và thành danh luôn tận tình giúp đỡ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để bản thân có hứng thú và niềm đam mê sáng tạo. Nếu không có môi trường làm việc tốt, không có sự giúp đỡ của đồng nghiệp thì khó có thể có được thành công bước đầu như hôm nay…

Phân xưởng Cao Thế - nơi Phương công tác - có chức năng thí nghiệm, hiệu chỉnh tất cả thiết bị cao áp có cấp điện áp từ 22kV đến 500kV, khuyến cáo, kiến nghị để đơn vị quản lý vận hành có kế hoạch cải tạo, sửa chữa nhằm đảm bảo thiết bị vận hành an toàn. Công tác thí nghiệm đánh giá chất lượng thiết bị điện, ngoài kiến thức tiếp thu tại trường Đại học thì khả năng tự nghiên cứu học hỏi vô cùng quan trọng. Phương được hướng dẫn làm quen với những thiết bị thí nghiệm hiện đại, khả năng phân tích phán đoán sự cố của thiết bị, khả năng đọc, nắm bắt số liệu thí nghiệm, sơ đồ và đồ thị. Hàng năm tiếp xúc với hàng trăm máy biến áp, hàng trăm bộ điều áp đi kèm, các loại máy cắt, chống sét, khí cụ điện khác nhau, khả năng đúc kết và tập hợp của Phương ngày một nâng cao. Sự tích lũy các số liệu kết hợp với các phương pháp đánh giá chẩn đoán hiện đại dựa trên một nền tảng cơ bản về lý thuyết là con đường dẫn đến thành công. Vừa làm, vừa học để không ngừng nâng cao trình độ và năng lực làm việc, Phạm Văn Phương đã theo học và tốt nghiệp khóa Thạc sỹ điện – Chuyên ngành Mạng và hệ thống điện tại Đại học Bách khoa Đà Nẵng (2009 - 2011). Phương còn chăm chỉ học ngoại ngữ để đọc tài liệu phục vụ công tác, bởi hầu hết thiết bị điện là của nước ngoài.

Từ một kỹ sư tập sự, phụ việc, Phạm Văn Phương dần trưởng thành và được tham gia các công trình lớn như: Mở rộng nâng cấp trạm biến áp 500kV E51 Đà Nẵng; thí nghiệm đưa vào vận hành TBA 500kV Dốc Sỏi; thí nghiệm đưa vào vận hành nhà máy thủy điện A Vương - Quảng Nam; nâng công suất TBA 220kV Krông Buk - Đắk Lắk… Cùng với thời gian, với năng lực và thực tiễn công tác, anh được lãnh đạo CPC ETC tin tưởng cử làm Đội trưởng nhiều công trình lắp mới, định kỳ và xử lý sự cố ở các trạm biến áp 110kV như: Văn Hóa, Phong Điền, Quy Nhơn 2, An Khê, Diên Sanh, Tân Mai; Tham gia thí nghiệm định kỳ các ngăn xuất tuyến 500kV tại trạm 500kV Đà Nẵng; Tham gia thí nghiệm lắp mới, định kỳ tại các nhà máy thủy điện Trà Xom, các Nhà máy Thủy điện Phú Ninh, Đray Ninh…

Phạm Văn Phương luôn năng nổ trong mọi hoạt động Đoàn thanh niên tại đơn vị (từng là Bí thư đoàn Lớp 01D1A Khoa Điện - Đại học Bách khoa Đà Nẵng). Nét nổi bật ở đoàn viên Phạm Văn Phương là sự say mê nghiên cứu khoa học và thực tế đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tiễn, đem lại lợi ích cao về kinh tế và xã hội. Có thể đơn cử một số sáng kiến tiêu biểu của Phương và cộng sự trong thời gian gần đây như: “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị mô phỏng bộ điều áp dưới tải của các máy biến áp lực" đạt giải “sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2011” của Trung ương Đoàn; Sáng kiến “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo bộ điều khiển và giám sát từ xa vị trí nấc phân áp của bộ điều áp dưới tải (OLTC)” đạt giải “sáng tạo trẻ toàn quốc năm 2012” của Trung ương Đoàn. Đặc biệt là sáng kiến “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hợp bộ đa năng OLTC CM&TA phục vụ công tác thí nghiệm máy biến áp lực cao áp” đạt giải Nhất “sáng tạo khoa học kỹ thuật thành phố Đà Nẵng năm 2012-2013” đồng thời đạt giải Nhất “Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (2012- 2013)”. Đây là một trong 5 giải Nhất toàn quốc thuộc 5 lĩnh vực khác nhau tại Hội thi này. Giải thưởng này vinh danh các tác giả có những công trình công nghệ có giá trị khoa học - kinh tế - xã hội lớn được nghiên cứu, áp dụng vào sản xuất và đời sống. Sáng kiến này của Phạm Văn Phương được Ban tổ chức (Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và một số Bộ, ngành hữu quan) đánh giá cao về tính mới, tính sáng tạo, hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội và khả năng áp dụng vào thực tiễn.Với sáng kiến này Phạm Văn Phương cùng cộng sự còn vinh dự được nhận giải thưởng: các tác giả trẻ xuất sắc nhất (giải thưởng WIPO) của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới.

Với những thành tích xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ được giao và nghiên cứu sáng tạo, Phạm Văn Phương vinh dự được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng khen + Cúp vàng “ Đã có đề tài, sáng kiến, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu toàn quốc ” hai năm liên tục (2011 và 2012); “Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo” hai năm liền (2012 và 2013); Bằng khen của Thành đoàn Đà Nẵng “ Thanh niên tiêu biểu cấp thành phố Đà Nẵng 2012” và “Giải thưởng sáng tạo trẻ thành phố Đà Nẵng năm 2012-2013”; Chiến sĩ thi đua cơ sở hai năm liền 2011 và 2012; Chiến sĩ thi đua Bộ Công Thương năm 2013; Được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp Bằng Lao động sáng tạo hai năm liền (2012 và 2013); Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2013; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc tại “Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 12 (2012- 2013); giải thưởng WIPO của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới…

Theo Phạm Văn Phương: sáng kiến bắt nguồn từ thực tế công tác khi phát hiện những bất cập qua công tác thí nghiệm, từ đó đề xuất phương án tối ưu để khắc phục, thai nghén ý tưởng, trình phương án với lãnh đạo đơn vị, tiếp thu những đóng góp của đồng nghiệp, trực tiếp thiết kế, tự mua sắm linh kiện, lắp ráp, đo đạc, thí nghiệm… tạo thành sản phẩm. Thành công theo anh là kiến thức, niềm đam mê, môi trường làm việc và sự hỗ trợ của đồng nghiệp.

Với sự nỗ lực học tập, thực tiễn công tác cùng niềm đam mê sáng tạo, tin tưởng đoàn viên Phạm Văn Phương sẽ tiếp tục vươn lên những tầm cao mới.

Nguyễn Xuân Tư