Người Việt Nam ra nước ngoài lao động cần biết

Việt Nam là nước xuất khẩu lao động lớn, vì thế nhiều người lao động tại nước ngoài rất quan tâm đến các quyền lợi của mình được bảo vệ ra sao.

Bạn Nguyễn H. Anh ( Thanh Hóa) hỏi: Theo quy định của pháp luật thì người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài được hưởng các quyền gì?

Đáp: Theo Điều 44 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có các quyền sau đây:

- Yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài cung cấp các thông tin về chính sách, pháp luật của Việt Nam về người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thông tin về chính sách, pháp luật có liên quan và phong tục, tập quán của nước tiếp nhận người lao động; quyền và nghĩa vụ của các bên khi đi làm việc ở nước ngoài;

- Hưởng tiền lương, tiền công, thu nhập khác, chế độ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm xã hội và các quyền lợi khác quy định trong các hợp đồng và điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 40 của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Được doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt nam ở nước ngoài bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận người lao động, pháp luật và thông lệ quốc tế trong thời gian làm việc ở nước ngoài; được tư vấn, hỗ trợ để thực hiện các quyền và hưởng các lợi ích trong Hợp đồng lao động, Hợp đồng thực tập;

- Chuyển về nước tiền lương, tiền công, thu thập và tài sản khác của cá nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước tiếp nhận người lao động;

- Hưởng các quyền lợi từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của pháp luật;

- Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện về những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Bạn Huyền Trang (27 tuổi) hỏi: Tôi muốn hỏi về thủ tục để đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan được quy định như thế nào?

Đáp: Trường hợp cụ thể của bạn đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan thì cần chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp visa lao động tại Đài Loan gồm:

- Hộ chiếu Việt Nam có hạn sử dụng ít nhất 6 tháng theo thông lệ quốc tế.

- Form khai xin cấp visa lao động, form khai này do Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc tại Hà Nội cung cấp miễn phí. Mỗi người lao động cần đọc kỹ các quy định được in ở mặt sau mỗi tờ form khai và trực tiếp ký tên.

- Hai ảnh 4x6 chụp trong vòng 6 tháng gần nhất.

- Hợp đồng lao động được ký giữa người lao động và chủ thuê (thời hạn tại Đài Loan do Văn phòng Kinh tế và Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc cấp).

- Giấy chứng nhận đủ sức khoẻ lao động tại nước ngoài do một trong các bệnh viện đủ điều kiện do Bộ Y tế cho phép như Bệnh viện tỉnh Phú Thọ, Bạch Mai, Saint Paul, Giao Thông Vận Tải I, Bệnh viện Trung ương Huế, Chợ Rẫy, Thống Nhất cấp… còn hiệu lực (hiệu lực 3 tháng kể từ ngày cấp).

- Chứng chỉ học nghề.

- Lý lịch tư pháp có hiệu lực trong 6 tháng kể từ ngày cấp.

- Bản cam kết về lương và chi phí khác của lao động nước ngoài sang làm việc tại Đài Loan có chữ ký xác nhận của người lao động, chữ ký và con dấu của chủ sử dụng lao động, giám đốc công ty môi giới Đài Loan (nếu có). Bản cam kết phải có xác nhận cơ quan quản lý của nhà nước Việt Nam.

- Bản cam kết vay (nếu có khoản vay).

- Hoá đơn thu phí chi tiết của công ty môi giới Việt Nam đối với người lao động.

- Thư yêu cầu của chủ thuê lao động.

- Giấy uỷ quyền của chủ thuê lao động.

- Giấy phép chiêu mộ do Uỷ ban Lao động Viện Hành chính Đài Loan cấp.

- Giấy phép nhập cảnh do Uỷ ban lao động Viện Hành chính Đài Loan cấp.

- Phiếu thẩm định hồ sơ thuê lao động Việt Nam đến làm việc.

Hà Minh