Phát triển vùng nguyên liệu góp phần xây dựng nông thôn mới

Tại khu vực phía Bắc, Công ty Cổ phần Ngân Sơn và Công ty TNHH 1 thành viên Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá (thành viên của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam) với 7 chi nhánh trực tiếp quản lý vùng nguyên

Trong những năm qua, hai Công ty đã tập trung đầu tư phát triển vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất thuốc lá điếu trong nước, hạn chế và tiến tới không nhập khẩu nguyên liệu, đồng thời giúp cho hàng ngàn nông dân thoát nghèo. Cùng với sự hỗ trợ của Chính quyền địa phương và hai Công ty, nhiều hộ nông dân đã làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.


Chủ tịch Vũ Văn Cường (ngoài cùng bên trái) thăm vùng nguyên liệu Cao Bằng
Vừa qua, Đoàn lãnh đạo Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, Công ty CP Ngân Sơn và Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá do ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty làm trưởng đoàn đã đi thăm vùng nguyên liệu thuốc lá tại 5 tỉnh trên, nhằm tăng cường gặp gỡ, trao đổi, gắn kết giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương, các chi nhánh và nhà nông trong phát triển nguyên liệu.

Trên đường đến các vùng trồng thuốc lá, dọc theo hai ven đường vào các huyện là những ruộng vườn cây thuốc lá cao ngang người, ngút ngàn màu xanh kéo dài hàng chục cây số. Ông Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Công ty CP Ngân Sơn cho biết, để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho nông dân, Công ty vẫn tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư trồng thuốc lá cho nông dân như: Thực hiện ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm ngay từ đầu vụ để nông dân yên tâm sản xuất; cấp miễn phí hạt giống, các loại bao nilon bảo quản nguyên liệu; Tổ chức các lớp dạy nghề cho nông dân nhằm trang bị kiến thức từ khâu trồng trọt đến khâu thu hoạch. Hàng năm, Công ty tổ chức hội nghị đánh giá kết quả đầu tư, thu mua nguyên liệu thuốc lá và kế hoạch triển khai vùng nguyên liệu cho năm tiếp theo. Đồng thời, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới như: sản xuất cây con khỏe mạnh bằng phương pháp khay lỗ; che phủ luống thuốc lá bằng nilon, diệt chồi bằng các chế phẩm sinh học, sử dụng lò sấy tiết kiệm nhiên liệu… Công ty đã thực hiện đúng hướng và bền bỉ việc duy trì mối quan hệ giữa "bốn nhà" (Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) và đưa chính sách "tam nông" của Ðảng vào chiến lược sản xuất - kinh doanh.

Đoàn công tác thăm vùng nguyên liệu Bắc Kạn.

Theo đánh giá của Chính quyền địa phương và các hộ nông dân tại các tỉnh có vùng trồng thuốc lá, với cách làm đồng bộ, chặt chẽ và chính sách hấp dẫn của Công ty CP Ngân Sơn và Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá, nên diện tích trồng thuốc lá phát triển khá nhanh, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, đã có hàng trăm tấn nguyên liệu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích canh tác tăng dần, thu nhập của người nông dân được cải thiện rõ rệt. Vụ 2012 – 2013, tổng diện tích trồng thuốc lá tại 5 tỉnh trên đạt khoảng 10.000 ha. Tính đến thời điểm này, đã có hơn 14 nghìn hộ nông dân tham gia trồng thuốc lá tại các địa phương. Nhiều hộ nông dân nhờ trồng cây thuốc lá đã xây được nhà, nuôi các con ăn học, hầu hết đã mua sắm được những tư liệu sản xuất và đồ gia dụng đắt tiền như: Ti vi, xe gắn máy, máy làm đất... Đến nay, không còn hộ trồng thuốc lá thuộc diện nghèo đói. Cơ sở hạ tầng nông thôn như đường giao thông, kênh mương thủy lợi được đầu tư, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội. Người nông dân ngày càng tin tưởng vào phát triển cây thuốc lá, khẳng định cây thuốc lá là cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Có thể nói, trồng cây thuốc lá hiện đã trở thành nghề ổn định của nông dân, phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước. Các chi nhánh Công ty CP Ngân Sơn và Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá đã sát cánh cùng bà con, cấp vốn và đào tạo nghề để nông dân trồng cây thuốc lá thành công, đã và đang nỗ lực hiện thực hóa chủ trương này.

Bà Chu Thị Huyền - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết, hiện Huyện có trên 3.000 hộ nông dân trồng thuốc lá, đã tạo việc làm cho 5.000 lao động trực tiếp tham gia sản xuất, Huyện xác định phát triển cây thuốc lá là cây trồng có giá trị kinh tế, giúp dân thoát nghèo và làm giàu. Toàn huyện năm nay trồng được 692 ha, tăng 79ha so với năm 2012, năng suất trung bình đạt 1,7-1,8 tấn/ha, giá bán trung bình khoảng 40.000 đồng/kg. Giá trị thu nhập trên 1.000m2 đạt trên 8.000.000 đồng. Như vậy, Huyện sẽ có khoảng 50 tỷ đồng thuộc về nông dân và khoảng 3 tỷ đồng được thu vào ngân sách, đây thực sự là niềm vui đối với huyện Ngân Sơn.

Tuy nhiên, tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu vẫn diễn ra hàng năm, làm cho hoạt động thu mua của các chi nhánh gặp nhiều khó khăn. Để cây thuốc lá gắn với quyền lợi người trồng thuốc lá và doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm, đầu tư phát triển nguyên liệu, bên cạnh việc doanh nghiệp thực hiện đầu tư, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất nguyên liệu, Chính quyền các huyện cần đề cao công tác tuyên truyền đến người dân thực hiện nghiêm chỉnh cam kết với doanh nghiệp trong quá trình phát triển cây thuốc lá, nhất là trong khâu tiêu thụ. Các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, xử lý nghiêm các trường hợp tranh mua, tranh bán, ép giá, gây tình hình phức tạp về an ninh trật tự, kéo theo là những ảnh hưởng xấu tới sản xuất và kinh doanh thuốc lá.

Ghim thuốc lá trước khi cho vào lò sấy.Sấy thuốc lá.

Kết thúc chuyến thăm vùng trồng thuốc lá ở khu vực phía Bắc của Đoàn lãnh đạo Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam, ông Vũ Văn Cường đã đánh giá cao những kết quả và nỗ lực của CBCNV Chi nhánh Công ty Cổ phần Ngân Sơn và Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong công tác đầu tư, thu mua, quản lý an toàn nguồn vốn, năng suất và chất lượng nguyên liệu tốt, chăm lo đời sống người lao động... Mặc dù vùng nguyên liệu thuốc lá đều tập trung ở các tỉnh miền núi, có địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu,… song các cán bộ kỹ thuật của các chi nhánh đã không quản khó khăn, phải xa nhà, xa vợ con đến các vùng nguyên liệu để hướng dẫn kỹ thuật, giúp bà con nông dân trồng thuốc lá hiệu quả. Đặc biệt, Chi nhánh Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá đã triển khai thành công mô hình trồng giống thuốc lá mới GL2, với năng suất cao (3,5 tấn/ha), bình quân sản xuất giống thuốc lá mới đại trà đạt hơn 2,5 tấn/ha. Đồng thời, Chủ tịch Vũ Văn Cường cũng nhấn mạnh, thời gian tới, trong xu thế cạnh tranh, có nhiều đơn vị thu mua trên cùng địa bàn, Công ty Cổ phần Ngân Sơn và Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá cần xây dựng chiến lược đầu tư để quản lý vùng nguyên liệu và chủ động nguồn nguyên liệu, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương.
Hà My