[Quốc tế nổi bật] Máy bay của Cathay Pacific gặp sự cố khi cất cánh

11 người đã bị thương trên chuyến bay CX880 của Cathay Pacific tại sân bay quốc tế Hồng Kông vào sáng sớm thứ Bảy.

Máy bay của Cathay Pacific gặp dự cố khi cất cánh

Cathay Pacific
Hiện trường vụ việc

11 người đã bị thương trên chuyến bay CX880 của Cathay Pacific tại sân bay quốc tế Hồng Kông vào sáng sớm thứ Bảy. Chuyến bay CX880 của Cathay Pacific từ Hồng Kông đến Los Angeles này chở 17 thành viên phi hành đoàn và 293 hành khách. Việc cất cánh đã bị Cathay Pacific hủy bỏ 'theo quy trình tiêu chuẩn sau khi phi hành đoàn phát hiện ra sự cố kỹ thuật". Cathay Pacific cho biết các thương tích xảy ra trong quá trình sơ tán, khi hành khách ra khỏi máy bay bằng cách sử dụng 5 cửa trượt thoát hiểm. Cathay Pacific đã gửi lời xin lỗi chân thành vì sự gián đoạn đối với khách hàng.

Luật bầu cử mới tại Campuchia

Campuchia
Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen đi bầu cử

Quốc hội Campuchia vừa sửa đổi luật bầu cử, cấm các quan chức và chính trị gia không tham gia bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7 năm nay, ra tranh cử trong tương lai. Luật sửa đổi của Campuchia cũng áp mức phạt từ 5 - 20 triệu riel (4.200 - 4.800 USD) đối với bất kỳ ai ngăn cản các công dân đủ điều kiện đi bỏ phiếu. Mức phạt sẽ tăng lên tới 30 triệu riel (7.200 USD) nếu đối tượng vi phạm là một đảng phái chính trị. Động thái mới diễn ra khi Campuchia dự kiến sẽ tổ chức tổng tuyển cử để bầu chọn 125 đại biểu Quốc hội vào ngày 23/7. Theo Ủy ban bầu cử quốc gia, 18 chính đảng sẽ tham gia tranh cử và hơn 9,7 triệu cử tri dự kiến sẽ đi bỏ phiếu bầu các nhà lập pháp của đất nước.

Nga đáp trả lại EU

Bộ Ngoại giao Nga
Bộ Ngoại giao Nga

Sau khi EU công bố gói trừng phạt thứ 11 đối với Nga hôm 22/6, Bộ Ngoại giao Nga cho biết các hành động của EU là "bất hợp pháp" và "làm suy yếu các đặc quyền pháp lý quốc tế của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc". Để trả đũa vòng trừng phạt mới nhất, Nga đã đưa vào danh sách đen các nhân viên của các cơ quan thực thi pháp luật EU, “các tổ chức thương mại và nhà nước” của các nước thành viên, cũng như công dân EU có liên quan đến việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Nga cũng đưa các nghị sĩ châu Âu đang “thúc đẩy chương trình nghị sự đối đầu với Nga” vào danh sách đen. Tuy nhiên, danh sách đầy đủ các cá nhân bị xử phạt vẫn chưa được công khai.

Israel lo ngại

Benjamin Netanyahu
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vừa lên tiếng cảnh báo, các vũ khí phương Tây viện trợ cho Ukraine trước đây đang rơi vào tay những phần tử vũ trang ở biên giới Israel. Ông Benjamin Netanyahu cũng lo ngại nguy cơ bất kỳ loại vũ khí nào cung cấp cho Ukraine “có thể lọt vào tay người Iran và được dùng để chống lại Nhà nước Do Thái”. Ông Netanyahu nhấn mạnh, điều đó đã xảy ra với các vũ khí chống tăng của phương Tây viện trợ cho Kiev và nhà chức trách Israel đã phát hiện chúng ở khu vực biên giới của họ.

Tổng thống Belarus cứng rắn với Chính phủ

Alexander Lukashenko
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko

Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko vừa lên tiếng cảnh báo về khả năng giải tán chính phủ nước này, trong trường hợp không đáp ứng được các chỉ số kinh tế đã thiết lập vào cuối năm 2023. Ông Lukashenko nhấn mạnh rằng nếu các mục tiêu đã đặt ra trước đó không đạt được, bước đầu tiên sẽ là Thủ tướng Golovchenko và Phó Thủ tướng thứ nhất từ chức. Đồng thời, ông Lukashenko cũng nhấn mạnh trong trường hợp thực hiện thành công các chỉ tiêu theo kế hoạch, tất cả các thành viên Nội các sẽ được tri ân và có thể được khen thưởng.

Hà Lan quyết định đóng cửa mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu

Mỏ Groningen
Mỏ Groningen

Chính phủ Hà Lan vừa đưa ra thông báo sẽ đóng cửa mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu từ ngày 1/10 sau nhiều năm xảy ra các hoạt động địa chấn, bất chấp những lo ngại về nguy cơ khủng hoảng năng lượng toàn cầu do cuộc xung đột tại Ukraine. Mỏ Groningen hoạt động từ năm 1965, nhưng việc khai thác mỏ này đã vấp phải sự phản đối của cư dân địa phương trong hơn 20 năm qua do hoạt động khoan thăm dò liên tục gây ra các hoạt động địa chấn. Ngoài ra, Chính phủ Hà Lan cho biết các giếng dầu tại mỏ Groningen ở miền Bắc nước này sẽ vẫn hoạt động thêm một năm nữa trong trường hợp mùa Đông lạnh giá và thiếu khí đốt, nhưng sau đó sẽ đóng cửa vĩnh viễn từ ngày 1/10/2024.

Ông Biden nhầm chức danh ông Modi

Ông Biden nhầm chức danh ông Modi
Tổng thống Mỹ Koe Biden tiếp đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi

Trong cuộc trò chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Phòng Bầu dục hôm 22/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi nhầm chức danh ông Modi là "ngài Tổng thống". Nhận ra sự nhầm lẫn của mình, ông Biden đã nhanh chóng sửa sai. Tuy nhiên, trong quốc yến chiêu đãi tại Nhà Trắng, lãnh đạo hai nước đã chia sẻ nhiều khoảnh khắc vui vẻ. Tiệc chiêu đãi Thủ tướng Ấn Độ là quốc yến thứ ba được tổ chức tại Nhà Trắng kể từ khi ông Biden nhậm chức (tháng 1/2021). Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp đón Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (tháng 12/2022) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vào tháng 4/2023.

Thái Dương
  • Tags: