Bình luận về điều chỉnh tỷ giá

Tính chỉ số CPI có xét đến tỷ giá. Việc điều chỉnh tỷ giá ở một nền kinh tế có “xu hướng đô la hóa” sẽ tác động mạnh vào chỉ số giá vào cuối Quý 2 năm nay do cộng hưởng với điều chỉnh tăng giá nhóm nă


Những dự cảm cuối năm 2010 đã hiện dần. Ngày 11/02/2011, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 230/QĐ-NHNN quy định một số vấn đề liên quan đến giao dịch ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép giao dịch hối đoái. Theo Quyết định này, Tổng giám đốc (Giám đốc) các tổ chức tín dụng được phép ấn định tỷ giá mua, tỷ giá bán giao ngay (SPOT) của Đồng Việt Nam với các ngoại tệ theo nguyên tắc: Đối với USD không được vượt quá biên độ +1% so với tỷ giá bình quân trên thị trường liên ngân hàng của ngày giao dịch gần nhất trước đó do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09/01/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách đã được thực hiện: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ liên quan trong việc kết hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng và bảo đảm lãi suất ở mức hợp lý; điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường; tăng cường năng lực phân tích, dự báo, chủ động điều chỉnh lượng cung tiền để bảo đảm tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng, góp phần kiểm soát lạm phát.” 

Trang vietnamplus: “Ngày đầu tiên (11/2) Ngân hàng Nhà nước áp dụng tỷ giá liên ngân hàng từ mức 18.932 VND lên mức 20.693 VND (tăng trên 9%) và thu hẹp biên độ tỷ giá từ +/-3% xuống +/-1%. Một số ngân hàng ngay lập tức đã sử dụng hết biên độ.Tại Vietcombank, USD được giao dịch ở mức 20.690 (mua vào) và 20.890 (bán ra) VND/USD; Eximbank là 20.830 và 20.900 VND; VietinBank niêm yết giữa mua vào và bán ra là 20.700 và 20.900 VND; tương tự tại ACB niêm yết ở mức 20.890 và 20.900 VND; BIDV là 20.850 và 20.890 VND.” Hiện nay, trên thị trường tự do, giá USD được giao dịch mức 21.400 - 21.500 đồng/USD, trang Saigontiepthi đưa tin.

Vietnamplus dẫn ý kiến chuyên gia: “ Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, việc điều chỉnh tỷ giá lần này không chỉ giúp tăng sức cạnh tranh của hàng xuất khẩu Việt Nam, mà còn hạn chế nhập siêu, nhất là những sản phẩm trong nước có thể sản xuất thay thế. Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó giám đốc Ban Nguồn vốn thuộc BIDV cũng cho rằng, đây là quyết định chính xác và kịp thời. Trong vài năm trở lại đây, Việt Nam luôn thiếu nguồn ngoại tệ. Việc nâng tỷ giá lần này sẽ kích thích xuất khẩu, thu thêm ngoại tệ về để tăng nguồn cung, giúp cung-cầu ngoại tệ xích lại gần nhau hơn.”...

Các ý kiến khác lạc quan cho rằng sẽ bỏ được tình trạng hai giá, mua bán quanh co với tổ chức tín dụng làm đội phí lên 1 tỷ đồng cho 1 triệu USD! Ý kiến quan ngại: “ ...không tránh khỏi những hệ lụy, có thể tạo ra cái gọi là rủi ro tỷ giá trong hoạt động kinh doanh và tín dụng của những doanh nghiệp vay VND lãi suất cao và phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào sản xuất” 

Trang vietstock.vn đưa ra các yếu tố tác động:
(1) Ổn định tâm lý người dân: Tỷ giá sẽ được giao dịch dựa trên cung cầu của thị trường và người dân sẽ không còn tâm lý đầu cơ, tích trữ USD. Do đó, cầu ảo về ngoại tệ sẽ giảm xuống... Thực tế, ba đợt điều chỉnh tỷ giá gần đây (từ 2009) đều đã có tác dụng tích cực, giúp kéo giảm tỷ giá trên thị trường phi chính thức. 

(2) Cải thiện cán cân thương mại: Thâm hụt thương mại hàng hóa 2010 lên tới 12,4 tỷ USD, bằng 17.3% kim ngạch xuất khẩu. Đồng nội tệ giảm giá sẽ làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều thuận lợi hơn khi hàng hóa sản xuất có sức cạnh tranh hơn, trong khi đó nhập khẩu sẽ giảm đi và cán cân thương mại được cải thiện.Tuy vậy, cần lưu ý rằng tỷ giá chỉ là một trong những nhân tố gây thâm hụt thương mại cao tại Việt Nam. Yếu tố chính vẫn là các dòng tiền từ bên ngoài đổ vào Việt Nam như FDI, FPI, ODA, kiều hối và các chính sách thương mại khác... 

(3) Minh bạch thị trường ngoại hối: Việc điều chỉnh tỷ giá sẽ giúp cho thị trường ngoại tệ phản ứng một cách linh hoạt hơn theo cơ chế thị trường, giúp thu hẹp chênh lệch giữa tỷ giá niêm yết và giao dịch thực tế. Quy mô thị trường chợ đen giảm xuống, hạch toán các giao dịch tỷ giá tại ngân hàng và doanh nghiệp trở nên minh bạch hơn... 

(4) Dòng vốn gián tiếp tự tin giải ngân: Một tác dụng quan trọng khác là đợt điều chỉnh tỷ giá này sẽ thúc đẩy thu hút thêm các dòng vốn đầu tư gián tiếp, và giúp khối nhà đầu tư nước ngoài tự tin hơn trong việc giải ngân, nhờ sự ổn định tỷ giá có thể tiên đoán được trong thời gian tới. Áp lực lên lạm phát là một trong những lo ngại, vì tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lên đến trên 150% so với GDP với nhiều mặt hàng nguyên liệu thiết yếu phải nhập khẩu từ bên ngoài... Giá hàng hóa có thể tăng lên nhưng áp lực sẽ không quá lớn... 

(5) Đối với thị trường chứng khoán: Dường như việc VND bị phá giá đã được các nhà đầu tư dự báo và chiết khấu vào giá cổ phiếu. Tin đồn về VND bị phá giá đã được tung ra trước Tết âm lịch nhưng nhà đầu tư phản ứng một cách khá dè dặt. Trong phiên giao dịch sáng ngày 10/02/211 khác với lần trước phản ứng của thị trường vẫn được xem là tích cực. Dù vậy, cũng cần lưu ý là những doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ sẽ chịu tác động rất mạnh bởi việc điều chỉnh tỷ giá này. Trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá sẽ tăng lên khiến các doanh nghiệp mất đi một khoản chi phí lớn...
Chúng tôi cho rằng việc nâng tỷ giá VND ảnh hưởng tích cực đến thị trường chứng khoán về trung hạn. Một số doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi; dòng vốn đầu tư gián tiếp sẽ mạnh dạn giải ngân hơn. Ngoài ra, thị trường chứng khoán cũng được hưởng lợi từ do nền kinh tế tích cực lên từ việc nâng tỷ giá này...”

Phát biểu trên hãng tin tài chính Bloomberg, ông Dariusz Kowalczyk, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc ngân hàng Credit Agricole CIB của Pháp tại Hồng Kông cho biết “Có vẻ như Việt nam đang nỗ lực hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng thay vì chống lạm phát. Điều này thật đáng ngạc nhiên vì lạm phát đang là một vấn đề lớn của Việt Nam”.

Bình luận khác:

(1) Điều chỉnh tỷ giá thời điểm này là tất yếu (có thể hơn chậm), tôi luôn ghi nhớ quan điểm của TS Võ Trí Thành (1999) áp dụng nguyên tắc “ tỷ giá bò trườn” với nấc nhỏ trong thời điểm kích thích xuất khẩu, hoặc thu gom ngoại tệ, trong tương quan với lãi suất nội tệ... Chúng ta còn nhớ vụ khủng hoảng tài chính Thái Lan năm 1997 là do hậu quả neo giữ tỷ giá cố định (25 bat/USD) trong 10 năm, cùng với sự “hứng khởi” thái quá của dòng vốn đầu tư vào bất động sản trong khi giá trị xuất khẩu của lắp ráp điện tử và may mặc đã chiếm đến gần 40% kim ngạch xuất khẩu. Tờ SaigonTimes dẫn lời ông Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP.HCM, cho biết việc điều chỉnh nâng tỷ giá liên ngân hàng một lần lên 9,3% của NHNN, nhìn vào số tuyệt đối thì thấy cao nhưng đây là kết quả của việc một thời gian dài trước đây, lẽ ra NHNN đã phải điều chỉnh nhiều lần theo hình bậc thang, nhưng do để ổn định vĩ mô, NHNN đã không dám thay đổi tỷ giá.

(2) Quan ngại về nhập khẩu là đáng chú ý: Nền kinh tế nước ta đang nhập siêu nhóm tư liệu sản xuất (chiếm đến trên 60 % kim ngạch nhập khẩu) trong đó nhập siêu từ Trung Quốc chiếm tới 12,6 tỷ USD, bằng tới 105% tổng mức nhập siêu của Việt Nam trong năm 2010 mà chúng ta chưa rõ các giải pháp cải thiện cán cân thương mại?. Tỷ giá tăng thì giá hàng nhập khẩu tăng tương ứng, tác động không nhỏ tới cạnh tranh xuất khẩu và tăng giá hàng hóa trong nước sản xuất từ nguyên liệu, nhiên liệu,... nhập khẩu. Nhãn tiền là giá xăng dầu cơ sở cũng tăng theo tỷ giá, sớm cạn kiệt quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên cái lợi từ xuất khẩu do tăng tỷ giá có thể vẫn lớn hơn (do đà tăng xuất khẩu) góp vào cải thiện cán cân thương mại của nền kinh tế.

(3). Nợ Chính phủ, nợ của doanh nghiệp và nợ trong dân chịu áp lực không nhỏ. Các vay mượn quy ngoại tệ hay vàng đều tăng lên, nhưng các khoản vay mới có lợi hơn nếu như trong ngắn hạn tỷ giá ổn định, thiệt hại hơn nếu như tỷ giá tăng. Ví dụ như Vinashin vay nợ từ trái phiếu chịu áp lực lãi suất và tỷ giá, vòng kép này làm nhỏ đi phần gia tăng từ bán tàu đóng mới và dịch vụ sửa chữa.

(4) Việc làm dịu thị trường ngoại tệ ngoài ngân hàng là điều rất khó. Nhu cầu ngoại tệ và tỷ giá quyết định mức gia tăng của thị trường này. Rất có thể, thị trường “tự do” giảm tỷ giá để hút khách vay, mua đẩy quan hệ vào kiểu lòng vòng mới, hoặc kích thanh khoản ngoài ngân hàng, nhập lậu tăng!

(5) Đồng UDS đang chiều hướng yếu, việc tăng tỷ giá là cách thu hút vốn ngoại, thu hút kiều hối (kiều hối năm 2010 khoảng 8 tỷ, các năm tăng gần 10%), du lịch... có thể mặc định “bao cấp, đánh bóng” cho dòng vốn ngoại, hàng ngoại vào thị trường nước ta!

(6) Tính chỉ số CPI có xét đến tỷ giá. Việc điều chỉnh tỷ giá ở một nền kinh tế có “xu hướng đô la hóa” sẽ tác động mạnh vào chỉ số giá vào cuối Quý 2 năm nay do cộng hưởng với điều chỉnh tăng giá nhóm năng lượng như điện, xăng dầu, than... Tuy nhiên, một nền kinh tế hội nhập phải dũng cảm “chịu nhiệt do đốt cỏ để có đất đai thâm canh”./.