Lâm Đồng với việc khai thác bôxit và sản xuất alumin

Môi trường và vấn đề “bùn đỏ” được TKV thực hiện nghiêm túc dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), Bộ Tài nguyên và Môi trường, C

       Tỉnh Lâm Đồng nằm ở phía Nam Tây Nguyên. Với diện tích gần 10.000 km2, trong đó có hơn 6.200 km2 rừng, Lâm Đồng đang đứng đầu cả nước về mật độ rừng che phủ. Nhiều năm liền, tăng trưởng kinh tế của Lâm Đồng lên tới trên 10% mỗi năm nhưng do sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nên Lâm Đồng vẫn là tỉnh nghèo với thu nhập bình quân đầu người 12 triệu đồng một năm.

       Chủ trương khai thác bôxit của Đảng và Nhà nước đã thắp sáng niềm hy vọng về một tương lai gần, người dân Lâm Đồng sẽ thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu khi cùng với ngành Công nghiệp khai khoáng phát huy được thế mạnh của địa phương đang tiềm ẩn trong lòng đất

Chủ động bước vào vận hội mới: biến khả năng thành hiện thực

Theo đánh giá của các nhà địa chất, Lâm Đồng có gần 1 tỉ tấn bôxít nguyên khai, tương đương với 463 triệu tấn alumin. Bên cạnh đó còn có 125 triệu tấn cao lanh, 505 triệu m3 ben-tô-nit, 120.000 tấn quặng thiếc. Nếu nguồn tài nguyên quí giá này được khai thác, sử dụng hợp lí thì, cùng với chè, cà phê, ca cao, đào lộn hột và các danh thắng nổi tiếng như Đà Lạt, Di Linh v.v… tỉnh Lâm Đồng sẽ là một trong những địa phương giàu đẹp… nhất thế giới!

Thấy rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh xác định: “Đảm bảo nguyên tắc giữ gìn môi trường, bảo vệ rừng; đẩy mạnh khai thác khoáng sản và tạo điều kiện cho các đơn vị có tiềm lực kinh tế đầu tư các dự án khai thác khoáng sản trên địa bàn của Tỉnh vì đây chính là động lực phát triển kinh tế- xã hội theo hướng công nghiệp hóa, giúp cho đồng bào các dân tộc thoát khỏi đói nghèo một cách bền vững…”.   

Ngày 26-7-2008, tỉnh Lâm Đồng và Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) khởi công xây dựng Nhà máy Alumin – một công trình quan trọng trong Tổ hợp Bôxit-Nhôm đã được Chính phủ phê duyệt tại huyện Bảo Lâm. Địa phương nhà nước được xếp vào diện có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của cả nước này đã bừng sáng ánh điện và mau chóng chuyển mình, bước vào vận hội mới: biến tiềm năng thành hiện thực...

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Lâm Đồng là kiểm tra, quản lí việc sử dụng lao động người nước ngoài đến làm việc tại Nhà máy Alumin do Công ty Chalieco của Trung Quốc trúng thầu. Sau những ngày đầu “trục trặc”, đến nay, công tác này đã đi vào nền nếp: cán bộ, công nhân kĩ thuật nước ngoài có mặt tại nhà máy chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật Việt Nam; góp phần đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.

Chủ động tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các đơn vị của TKV triển khai những dự án lớn tại địa phương, căn cứ vào phương án tài chính được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho TKV thực thi nhiệm vụ và ra Quyết định thu hồi đất của gần 1000 hộ dân, bồi thường cho các hộ phải di chuyển chỗ ở gần 1000 tỉ đồng, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho gần 1000 người trong tuổi lao động, xây dựng 42 căn nhà tái định cư cho 42 hộ đồng bào dân tộc ít người…

Đánh giá về việc này, ông Hoàng Sĩ Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Trong thời gian đầu triển khai Dự án Tổ hợp Bôxit - Nhôm Lâm Đồng, các vấn đề về môi trường và xã hội đã được chú trọng, hạ tầng cơ sở nông thôn phát triển, các chính sách bồi thường, hỗ trợ được áp dụng thỏa đáng cho người dân, Dự án được chính quyền địa phương và đại đa số người dân đồng tình, ủng hộ…”

 

Bức tranh của tương lai và những nét chấm phá ban đầu…

Giàu có, sạch đẹp, văn minh là một tất yếu lịch sử mà Lâm Đồng sẽ đi tới. Tuy nhiên, sau gần hai năm có mặt tại Lâm Đồng, TKV đã để lại những dấu ấn đẹp đẽ trên vùng đất được liệt vào diện đặc biệt khó khăn này. Tại huyện Bảo Lâm, những con đường do TKV và ngành giao thông địa phương mới mở đã kéo giá đất đai tăng lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Nếu như trước đây, người dân địa phương bán đất bằng mét (tính theo chiều ngang, còn chiều dài có thể là… vô tận) thì ngày nay, đất được phân lô, tính bằng mét vuông, thỏa mãn nhu cầu xây dựng của mọi đối tượng. Không chỉ cán bộ, công nhân của TKV mua đất, xây nhà để đưa vợ con vào sinh cơ lập nghiệp mà các “đại gia” về bất động sản ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng đã có mặt ở đây.

Bằng tầm nhìn xa và tình cảm chân thành với nhân dân địa phương, TKV đã tuyển và cấp kinh phí đào tạo nghề ở trong nước cho gần 1500 người là con em đồng bào các dân tộc. 64 em khác có trình độ văn hóa cao, được cấp học bổng toàn phần, gửi sang học đại học chuyên ngành khai thác mỏ và luyện kim tại Côn Minh (Trung Quốc). TKV còn hỗ trợ 4 tỉ đồng để địa phương xây dựng trường học và nâng cấp con đường vào Trung tâm Giáo dục huyện Bảo Lâm…

Có người, có nhà máy là có nhu cầu phục vụ, đảm bảo đời sống con người. Phương tiện, máy móc hiện đại được đưa từ nước ngoài đến. Nhà hàng, khách sạn sang trọng, đầy đủ tiện nghi đã mọc lên trên đất “khỉ ho, cò gáy” trước đây. Các cửa hàng bán xi măng, sắt thép, gạch ngói… nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Tuy chưa thành tour, tổ chức chính quy nhưng lẻ tẻ đã có người trong và ngoài nước đi du lịch, thăm hồ “bùn đỏ” để tự mình kiểm nghiệm thực tế với những lời đồn thổi trước đây. Mới chỉ thế thôi mà nguồn thu từ thuế ở Bảo Lâm đã gấp hang trăm lần so với trước…

Bằng nguồn vốn tự có, TKV đã xây dựng được Nhà Điều hành sản xuất của Công ty Boxit Lâm Đồng hết sức hiện đại và “hoành tráng”. Chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các cán bộ cùng đi trong chuyến công tác cuối năm ngoái đã nghỉ qua đêm tại đây.

Thực hiện cam kết của mình, các đơn vị của TKV thuê đất của dân theo kiểu “cuốn chiếu”. Khai thác boxit xong, họ san lấp, trả mặt bằng cho dân trong điều kiện đôi bên “bằng mặt, bằng lòng”, mới chuyển tiếp sang lô bên cạnh. Với những khu đất cằn cỗi, không có khả năng canh tác, sau khi hoàn thổ, TKV còn cải tạo đất, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc rồi mới giao lại cho chính quyền địa phương.

Môi trường và vấn đề “bùn đỏ” được TKV thực hiện nghiêm túc dưới sự giám sát của chính quyền địa phương, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Cảnh sát Môi trường (Bộ Công an)…

Hai năm chưa phải là thời gian dài đối với một Dự án lớn, tầm cỡ quốc gia, có sự tham gia của những nhà thầu nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực boxit – nhôm. Bằng thái độ nghiêm túc, chân thành và nhiệt huyết của mình; cán bộ, nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã làm tất cả những gì có thể để sản phẩm alumin mang thương hiệu Việt Nam ra lò đúng thời hạn. Vì thế, họ có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng khi đã hết lòng, hết sức đóng góp sức mình vào sự nghiệp công nghiệp hóa,hiện đại hóa đất nước

 

Bài liên quan:

Duy trì “giao ban đặc biệt” tại tổ hợp Bauxit – Nhôm Lâm Đồng và Đắc Nông

           Nhà máy alumin Tân Rai sẽ thử tải vào tháng 11 (Dân trí)