Thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngành Hoá chất

Nhằm xây dựng một nền hoá học xanh, bền vững và có trách nhiệm, ngày 27/7/2017, tại Hà Nội, Hội Hoá học Việt Nam phối hợp với Công ty Dow Việt Nam tổ chức hội thảo “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ ngàn

Hội thảo tập trung vào bốn chủ đề lớn đang là vấn đề cấp thiết với việc xây dựng một nền hoá học xanh, gồm: Xu hướng và tầm quan trọng của phát triển bền vững nói chung và phát triển bền vững cho ngành hoá học; Hoá học xanh và trách nhiệm xã hội; Yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được sự phát triển bền vững của công nghiệp hoá chất Việt Nam; Tích hợp phát triển bền vững, hoá học xanh và các khái niệm trách nhiệm xã hội trong các chương trình giáo dục và đào tạo ở các trường đại học Việt Nam.. Tới dự Hội thảo có các chuyên gia quản lý, các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, các trung tâm nghiên cứu, … trong lĩnh vực hoá học đã đóng góp nhiều tham luận có ý nghĩa thực tiễn lớn.

Yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong bối cảnh ngành công nghiệp Hoá chất Việt Nam đang trải qua thời kỳ đổi mới và phát triển, nhu cầu cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển bền vững đang đòi hỏi các cơ sở giao dục đại học cần có những đổi mới, hướng đi phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Tại Hội thảo, các đại biểu đều nhấn mạnh đến việc cần thiết phải xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triền bền vững ngành Hoá chất.

Ông Đỗ Duy Phi – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam, Chủ tịch Tổ chức Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam (VRCC) chia sẻ:: “Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu, điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng nguồn nhân lực của các ngành kinh tế, trong đó có ngành hoá chất. Chúng tôi đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của Hội thảo lần này đối với việc xây dựng một diễn đàn để doanh nghiệp và cơ sở đào tạo tìm được tiếng nói chung trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”.

Phát biểu tại Hội thảo, đại điện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, ông Ngô Đại Quang, Phó Tổng giám đốc cho biết, Tập đoàn là đơn vị sản xuất và kinh doanh các mặt hàng hóa chất có hơn 40 đơn vị thành viên với 2,7 vạn CBCNV. Trong đó, có 60% nguồn nhân lực thuộc chuyên ngành hóa, đã phát huy được năng lực, quản lý có hiệu quả. Và mong rằng các trường, viện tham gia đào tạo sinh viên có thực tiễn, lý thuyết sâu để đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng và đáp ứng được nhu cầu cao hơn nữa trong thời đại công nghiệp 4.0.

Ông Lê Kim Long – Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN nhấn mạnh: “An toàn hoá chất, ảnh hưởng của hoá chất đến sức khoẻ người lao động và đến phát triển bền vững của đất nước là những thách thức to lớn đối với việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Hoá chất và các hoạt động liên quan”.

Về phía doanh nghiệp - đại diện Công ty CP Hoá chất cơ bản miền Nam thì cho rằng, hiện nay, có nhiều doanh nghiệp thực sự quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững, họ không chỉ quan tâm đến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao doanh thu và lợi nhuận, mà họ còn kết hợp việc thực hiện các mục tiêu xã hội và môi trường với tăng trưởng, đảm bảo hài hoà lợi ích của các bên liên quan. Là doanh nghiệp ngành Hoá chất, Công ty đặc biệt quan tâm tới chất lượng nguồn nhân lực, với những yêu cầu về: Chất lượng chuyên môn kỹ thuật; Kiến thức an toàn hoá chất, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường; Trách nhiệm và tinh thần tự nguyện.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành Hoá chất

Để có một nguồn nhân lực cao phục vụ sự phát triển bền vững ngành Hoá chất, theo ông Long thì: “Cần phải thay đổi tư duy đào tạo nguồn nhân lực cho ngành Hoá chất một cách hiệu quả nhất: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở sản xuất kèm với các cơ sở đào tạo; Thay đổi chương trình để người học có nhiều cơ hội gắn với thực tiễn và sớm có địa chỉ làm việc; Tăng cường giao lưu, làm việc giữa các bên tham gia đào tạo, trong đó bao gồm các nhân sự sản xuất kinh doanh tham gia giảng dạy; Cùng nhau xây dựng và chia sẻ hệ thống dữ liệu về ngành để các bên cùng khai thác và cuối cùng là phải dung hợp giữa 3 nhà: Nhà trường – Nhà quản lý – Nhà doanh nghiệp”. Cụ thể là phải thay đổi về chế độ chính sách, bảo hiểm cho những người làm trong lĩnh vực Hóa chất; Cần có nhiều nghiên cứu thiết kế sản phẩm thân thiện với môi trường; Đề xuất các chương trình nghiên cứu để biết hàm lượng hóa chất trong cơ thể con người và sinh vật; Gây dựng niềm hứng khởi cho người lao động, sinh viên học tập nghiên cứu trong lĩnh vực Hóa chất.

Đại diện Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì cho rằng, việc sử dụng hoá chất có hiệu quả, đảm bảo an toàn cho môi trường, hệ sinh thái, sức khoẻ con người đang là một trong những vấn đề nóng bỏng hiện nay. Để thực hiện được việc này, trước hết phải có những con người có kiến thức, nhận thức đúng đắn về hoá chất và muốn vậy, cần phải có sự phối kết hợp đồng bộ từ nhiều phía: Sự chỉ đạo từ Chính phủ, sự phối kết hợp trong đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp, sự tâm huyết của giảng viên và nhận thức của người học.

Ông Văn Khắc Minh - Phó tổng giám đốc Công ty CP Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao đưa ra những giải pháp cụ thể hơn: “Để có được sự phát triển xanh, bền vững trong ngành công nghiệp hoá học, chúng ta có thể đào tạo nguồn nhân lực theo hướng: Thành lập các trung tâm nghiên cứu về Hoá học xanh; Tuyên truyền, giáo dục và đưa nội dung hoá học xanh vào chương trình đào tạo tại các trường đào tạo ngành Hoá. Nhà nước nên dành kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và tổ chức các cuộc thi, trao thưởng cho các hoạt động có hiệu quả, ý tưởng độc đáo về chủ đề Hoá học xanh, bảo vệ môi trường. Tăng cường liên kết giữa nhà trường, các viện nghiên cứu với doanh nghiệp để hiện thực hoá các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và ở quy mô pilot vào thực tế.