TP. Hồ Chí Minh: Khai mạc 4 cuộc triển lãm lớn chuyên ngành công nghiệp

Ngày 8/10/2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã chính thức khai mạc 4 cuộc triển lãm lớn: “Triển lãm Liên minh các Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ 2015; METALEX Vietnam 2015 (MXV); Electronics Ass

Theo Ban tổ chức, 4 sự kiện lớn này, đã sẵn sàng đóng góp vào sự phát triển của ngành công nghiệp chế tạo và gia công kim loại tại Việt Nam, cũng như hỗ trợ các đơn vị tham gia, sẵn sàng đối mặt với nhiều thách thức trong tương lai.

Ông Duangdej Yuaikwarmdee Tổng Giám đốc Reed Tradex phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, ông Duangdej Yuaikwarmdee, Phó giám đốc điều hành kiêm Tổng giám đốc tại Việt Nam, công ty Reed Tradex chia sẽ, hiện nay, Việt Nam là một trong những trung tâm sản xuất hàng đầu Đông Nam Á về phụ tùng ô tô, linh kiện, xe máy, thép gia công…

Ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc ITPC phát biểu tại triển lãm

Với mục tiêu hỗ trợ cho trung tâm sản xuất năng động này, năm nay, Triển lãm METALEX Vietnam sẽ tiếp tục sứ mệnh trở thành nguồn cung ứng hơn 500 thương hiệu, đến từ 25 quốc gia, cùng với đó là 7 Khu gian hàng quốc gia, với mong muốn mang đến những công nghệ tiên tiến, đáp ứng đúng tiêu chuẩn sản xuất và hiệu suất cao nhất.

Ông Hirotaka Yasuzumi - Giám đốc điều hành JETRO tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Triển lãm

Ngoài những trải nghiệm về máy móc tiên tiến nhất tại METALEX Vietnam, các đơn vị tham gia có thể thu được những kết quả kinh doanh tốt nhất, thông qua việc gặp gỡ các bên mua phụ tùng Nhật Bản và nhà thầu phụ Việt Nam tại “Triển lãm Liên minh các Doanh nghiệp ngành CNHT 2015”.

Các sản phẩm chi tiết linh kiện CNHT luôn thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp

Ông Duangdej Yuaikwarmdee nhận định, bên cạnh Liên minh này, các nhà sản xuất phụ tùng Thái Lan, dưới sự dẫn dắt của Phòng Phát triển Liên kết Công nghiệp, thuộc Ủy Ban đầu tư Thái Lan (BUILD), sẽ trưng bày các phụ tùng và linh kiện công nghiệp nhằm nâng cao hiệu suất và giá trị cho sản phẩm tại “Triển lãm sản phẩm CNHT Việt Nam”.

Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, việc phát triển CNHT được xem là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Máy Cắt kim loại nhiều chức năng được kỹ sư thao tác tại Triển lãm

Trong quy hoạch tổng thể phát triển CNHT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, theo đó, Việt Nam tập trung phát triển CNHT thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu bao gồm: Lĩnh vực linh kiện phụ tùng kim loại, nhựa – cao su – điện – điện tử; CNHT ngành dệt – may – da giày và CNHT cho công nghiệp công nghệ cao.

Ông Tuấn nhận định, những năm gần đây, luồng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam khá lớn. Theo số liệu của Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh, tính từ đầu năm 2015 đến ngày 15/9/2015, đã có 397 dự án có vốn nước ngoài được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn với vốn đăng ký đạt 2.362,8 triệu USD, tăng 115,3% so với cùng kỳ năm trước.

Máy hàn tự động các chi tiết nhỏ được giới thiệu tại triển lãm

Riêng tại các KCX & KCN TP, hiện có khoảng hơn 260 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), thuộc ngành CNHT, chiếm trên 50% tổng doanh nghiệp FDI, chủ yếu sản xuất sản phẩm CNHT cho các ngành: Điện tử, cơ khí, ô tô… Sản phẩm của các doanh nghiệp này chủ yếu được XK ra nước ngoài nhằm thực hiện các công đoạn tiếp theo của chuỗi cung ứng toàn cầu. Phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp này được nhập khẩu từ nước ngoài, điều này cho thấy, sự liên kết giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.

Hệ thống nâng sản phẩm, hàng hóa được giới thiệu tại Triển lãm

Cũng theo ông Tuấn, nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành CNHT Việt Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng, ITPC cùng tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), phối hợp tổ chức Triển lãm “Liên minh các Doanh nghiệp ngành Công nghiệp Hỗ trợ 2015”, tập trung giới thiệu các linh kiện, phụ kiện kim loại và nhựa. Các bên tham gia bao gồm các công ty Nhật Bản muốn mua linh kiện, phụ kiện sản xuất tại Việt Nam và các công ty Việt Nam muốn bán linh kiện, phụ kiện cho các công ty Nhật Bản.

Các lĩnh vực triển lãm bao gồm linh kiện, phụ kiện xe 2 bánh và 4 bánh; điện, điện tử; các bộ phận cơ khí, gia công kim loại và nhựa (đúc, rèn, ép nhựa, khuôn mẫu, kim loại tấm, chế biến nhưa, mạ…); vật liệu đóng gói và các phụ kiện khác. Ông Tuấn khẳng định, đây chính là cơ hội tốt để các bên tham gia tìm kiếm các khách hàng mới hoặc nhà cung cấp mới.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ luôn quan tâm đến các sản phẩm cơ khí CNHT

Trao đổi với báo chí tại triển lãm, ông Yasuzumi Hirotaka - Trưởng đại diện JETRO văn phòng TP. Hồ Chí Minh chia sẽ, đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam năm 2015, vẫn không suy giảm mà còn có xu thế vượt qua năm trước, cho nên tôi nghĩ trong tương lai, việc đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tiếp tục trở thành nguồn động lực to lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Mặt khác, đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam thì tỷ lệ cung ứng nội địa ở Việt Nam là một vấn đề trong kinh doanh. Theo kết quả “Điều tra thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản tại châu Á và châu Đại Dương” do JETRO tổ chức hàng năm thì, trong tổng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam, chi phí nhân công chiếm 17,4%, trong khi chi phí nguyên vật liệu, linh kiện lên đến 58%. Cho nên, việc cắt giảm chi phí nguyên vật liệu đối với các nhà sản xuất là vấn đề quan trọng liên quan nhiều đến năng lực cạnh tranh về giá.

Các chi tiết, linh kiện phụ trợ thu hút sự quan tâm của các DN chuyên ngành

Theo đó, việc giải quyết vấn đề này liên quan đến việc nâng cao tỷ lệ cung ứng nội địa. Theo kết quả điều tra của JETRO, 78% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam có định hướng nâng cao tỷ lệ cung ứng trong nước ở Việt Nam. Trong đó, số doanh nghiệp trả lời, là coi trọng việc cung ứng từ doanh nghiệp Việt Nam chiếm đến 77%.

Đánh giá về thực trạng cung ứng trong nước ở Việt Nam, từ chất lượng, kỹ thuật đến thời hạn giao hàng, ông Yasuzumi Hirotaka cho rằng không ổn định, bởi ý kiến của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam cho rằng, coi vấn đề cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện là một khó khăn trong kinh doanh. CNHT ở Việt Nam tuy đã đạt tỷ lệ 33%, so với 4 năm trước đây thì tăng 11%, nhưng nếu so sánh với tỷ lệ 55% ở Thái Lan, hoặc 66% ở Trung Quốc thì CNHT ở Việt Nam vẫn còn chưa phát triển.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy CNHT ở miền Nam được phát triển mạnh mẽ hơn so với các khu vực khác trên cả nước, theo điều tra của JETRO, có thể thấy tỷ lệ cung ứng nội địa của các doanh nghiệp Nhật Bản ở miền Nam là 36%, cao hơn so với tỷ lệ 31% ở miền Bắc. Đặc biệt, nếu so sánh tỷ lệ cung ứng từ doanh nghiệp bản địa Việt Nam của các doanh nghiệp Nhật Bản thì, ở miền Bắc tỷ lệ này là 11%, trong khi ở miền Nam là 19%, tiến gần hơn với tỷ lệ 21% của Indonesia, 23% của Thái Lan.

Để phát triển được ngành CNHT tại Việt Nam, ông Yasuzumi Hirotaka cho rằng, hiện nay sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong ngành này đã đạt đến mức giới hạn, đó là do nền tảng phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ yếu kém, nên gây cản trở nhiều đến việc phát triển CNHT. Do đó, cần có sự hỗ trợ của Chính phủ thật quyết liệt, nhất các chính sách có liên quan đến sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, nhân lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cuối cùng là sự nỗ lực bền bỉ của các doanh nghiệp. Nếu được như những ý kiến trên, ngành CNHT của Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.