10 tháng năm 2014: Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,4%

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính chung 10 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) của cả nước ước đạt 123,1 tỷ USD, tăng thêm khoảng 14,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 năm 2014 ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng 9 và tăng 5,5% so với tháng 10 năm 2013. Nguyên nhân tăng nhẹ so với tháng 9 là do nhóm nông lâm thủy sản và nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản tăng về trị giá. Trị giá của một số mặt hàng trong nhóm công nghiệp chế biến cũng có xu hướng tăng, như: túi sách, vali, mũ, ô dù; hàng dệt và may mặc; giầy dép các loại; sản phẩm nội thất; máy ảnh; máy quay phim và linh kiện; đồ chơi; dụng cụ thể thao...

 Tính chung 10 tháng năm 2014, KNXK của cả nước ước đạt 123,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 14,5 tỷ USD), trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng 9,5 tỷ USD (đóng góp khoảng 65,5% kim ngạch tăng thêm). Các mặt hàng có sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm: điện thoại các loại và linh kiện (chiếm 99,6% tổng kim ngạch mặt hàng này của cả nước); máy vi tính linh kiện và điện tử (98,7%); giầy dép (76,7%); hàng dệt may (59,6%); máy ảnh (96,5%)...

Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt mức tăng trưởng khá (12,9%), cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 3,2% của 10 tháng năm 2013. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự phục hồi và phát triển sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.


Kim ngạch xuất khẩu của các khối doanh nghiệp


Nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất

Xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò quan trọng góp phần vào tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu chung. Tháng 10 so với cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tăng trưởng khoảng 5,3%, trong khi đó nhóm hàng nông sản, thủy sản, lâm sản tăng 11,6% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 27,1%. Cụ thể:

10 tháng đầu năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản ước đạt 18,8 tỷ USD, chiếm 15,3% trong tổng KNXK, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm 2013 (tương đương với tăng 2,4 tỷ USD). Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, như: thủy sản tăng 20,6%; rau quả tăng 42,1%; nhân điều tăng 25,1%; cà phê tăng 33,9%; hạt tiêu tăng 37,4%. Một số mặt hàng có kim ngạch giảm như: chè các loại giảm 0,1%; gạo giảm 0,1%; sắn và các sản phẩm từ sắn giảm 0,4%; cao su giảm 25,4%.

Nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản 10 tháng năm 2014 ước đạt gần 7,7 tỷ USD, chiếm 6,3% trong tổng KNXK, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương với giảm 157 triệu USD, trong đó: than đá giảm 36,1%; dầu thô tăng 5,4%; xăng dầu các loại giảm 21%; quặng và khoáng sản khác giảm 0,4%.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Trong 10 tháng năm 2014, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này ước đạt gần 89,4 tỷ USD, chiếm 72,6% trong tổng KNXK, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2013, tương đương với tăng gần 11 tỷ USD, trong đó, những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng là: thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 34,4%, hóa chất tăng 65%; sản phẩm hóa chất tăng 18,1%; chất dẻo nguyên liệu tăng 12,6%; sản phẩm chất dẻo tăng 12,7%; túi sách, vali, mũ, ô dù tăng 35,9%; sản phẩm mây, tre, cói, thảm tăng 7,8%, gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 13,3%; hàng dệt và may mặc tăng 19,3%; vải mành, vải kỹ thuật khác tăng 17,2%; xơ, sợi dệt các loại tăng 19,1%; giày dép các loại tăng 23,1%; thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh tăng 31,8%; sắt thép tăng 9,7%; sản phẩm từ sắt thép tăng 8,3%; kim loại thường khác và sản phẩm tăng 30,9%; Clanhke và xi măng tăng 16,9%; sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ tăng 26,2%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 6,9%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 41,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 20,3%; dây diện và cáp điện tăng 9,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 9%... Trong nhóm chỉ có hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm là: phân bón các loại giảm 7,8%; giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 1,5%.

Kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đều tăng 

10 tháng năm 2014, ước xuất khẩu vào thị trường Mỹ tăng 20% và chiếm tỷ trọng 19,0%; xuất khẩu vào EU tăng 12,8% và chiếm tỷ trọng 18,4%; xuất khẩu vào ASEAN tăng 0,5% và chiếm tỷ trọng 12,6%; xuất khẩu vào Nhật Bản tăng 10,9% và chiếm tỷ trọng 10%; xuất khẩu vào Trung Quốc tăng 16,2% và chiếm tỷ trọng 10,1%.

Thị trường xuất khẩu chính 

10 tháng năm 2014, giá bình quân xuất khẩu của một số mặt hàng tăng, như: nhân điều tăng 3,3%; chè tăng 5%, hạt tiêu tăng 14,6%; gạo tăng 4%; than đá tăng 3,5%; xăng dầu tăng 0,9%; quặng và khoáng sản khác tăng 148,4%; xơ, sợi dệt các loại tăng 0,1%; clanhke và xi măng tăng 2,1%;... Một số mặt hàng có giá bình quân giảm như: cà phê giảm 2,6%; sắn và các sản phẩm từ sắn 2,7%; cao su giảm 26,7%; dầu thô giảm 2,8%; phân bón các loại giảm 8,6%; chất dẻo các loại giảm 11%; sắt thép các loại giảm 5,8%...

Do ảnh hưởng giá xuất khẩu của một số mặt hàng trong nhóm hàng nông sản đã làm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy sản giảm khoảng 336 triệu USD; nhóm nhiên liệu, khoáng sản giá xuất khẩu bình quân có tăng, tuy nhiên lượng xuất khẩu của các mặt hàng trong nhóm giảm mạnh, do vậy kim ngạch xuất khẩu của nhóm bị ảnh hưởng giảm khoảng 156,7 triệu USD.

Các mặt hàng xuất khẩu tăng, gồm: nhân điều tăng 21,1%; cà phê tăng 37,4%; hạt tiêu tăng 19,9%; sắn và các sản phẩm từ sắn tăng 2,3%; cao su tăng 1,8%; dầu thô tăng 8,4%, phân bón các loại tăng 0,8%; chất dẻo nguyên liệu tăng 26,4%; xơ, sợi các loại tăng 19%; sắt thép các loại tăng 16,5%, clanhke và xi măng tăng 14,4%;... Một số mặt hàng xuất khẩu giảm như: chè các loại giảm 4,9%; gạo giảm 3,9%; sắn giảm 3,8%; than đá giảm 38,3%; xăng dầu các loại giảm 21,6%; quặng và khoáng sản khác giảm 61,3%...