Kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 7,6 tỷ USD
Cụ thể, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu lâm sản chính 10 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7,612 tỷ USD (bằng 84% kế hoạch năm); tăng 16,12% so với cùng kỳ năm 2017; chiếm 23,37% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn ngành.
Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 7,23 tỷ USD, tăng 16,12%. Giá trị xuất siêu của lâm sản chính 10 tháng ước đạt 5,72 tỷ USD. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là các quốc gia: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và EU,chiếm khoảng 87% kim ngạch xuất khẩu. Trong 9 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tại các thị trường chính này đều có tăng trưởng tốt so với cùng kỳ 2017.
Ở chiều ngược lại, trong 10 tháng đầu năm 2018, giá trị nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ ước đạt 1,88 tỷ USD, tăng 5,23% so với cùng kỳ năm 2017. Những thị trường nhập khẩu chủ yếu trong 9 tháng đầu năm gồm: Trung Quốc; Hoa Kỳ; Campuchia; Thái Lan; Malaysia, Chi Lê; Đức; Brazil; Pháp; New Zealand, chiếm 60% giá trị kim ngạch nhập khẩu.
Ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam đặt mục tiêu đạt 9 tỷ USD trong năm 2018Đặc biệt, ngày 19/10/2018 vừa qua, Việt Nam và EU đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT), Hiệp định này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới.
Liên quan đến chi trả dịch vụ môi trường rừng, Tổng cục Lâm nghiệp cho hay, tính đến 23/10/2018 cả nước đã thu được 2.557 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 109% kế hoạch năm 2018 và 161% so với cùng kỳ năm 2017 (thu tăng so với cùng kỳ 967 tỷ đồng). Trong đó, Quỹ Trung ương thu được 1.974,7 tỷ đồng (đạt 117,7% kế hoạch năm 2018); Quỹ tỉnh thu được 582 tỷ đồng (đạt 89% kế hoạch năm 2018).Quỹ Trung ương đã thực hiện điều phối tiền dịch vụ môi trường rừng cho các tỉnh là 1.427,4 tỷ đồng, đạt 85,5% kế hoạch năm 2018.
Về khai thác rừng trồng tập trung tạo nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, Tổng cục Lâm nghiệp ước tính, theo diện tích, khai thác rừng trồng tập trung toàn quốc trong tháng 10 khoảng 22.000 ha, tương ứng sản lượng 1,63 triệu m3. Lũy kế từ đầu năm ước đạt 15,47 triệu m3 (bằng 83,5% kế hoạch năm 2018), tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm 2017.
Nguy cơ đồ gỗ Trung Quốc gắn mác Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ
Ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam đặt mục tiêu đạt 9 tỷ USD trong năm 2018, trở thành 1 trong 7 ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, và đến năm 2025, con số này kỳ vọng đạt 25 tỷ USD.
Theo các chuyên gia, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang là lợi thế cho xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam. Việc Mỹ đánh thuế cao với các mặt hàng gỗ của Trung Quốc (10%-25%) có thể có lợi cho các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam.
Hiện gần 50% trị giá đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ được nhập khẩu từ Trung Quốc. Việc áp dụng mức thuế mới sẽ khiến các nhà nhập khẩu của Mỹ hạn chế nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Trung Quốc.
Chia sẻ về vấn đề này trong Hội thảo “Cuộc chiến Thương mại Mỹ- Trung Quốc: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Trần Du lịch cho biết, chính những đòn áp thuế liên tục và ngày càng mạnh tay giữa Mỹ và Trung Quốc là cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.
Trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm đồ gỗ, nông sản, túi xách. Hiện nay, mỗi năm Trung Quốc xuất khẩu các sản phẩm đồ gỗ vào Mỹ trị giá 32 tỷ USD.
Tuy nhiên, cùng với cơ hội, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng lo ngại sẽ có tình trạng một số lượng lớn các mặt hàng sản phẩm đồ gỗ của Trung Quốc chuyển sang Việt Nam dưới hình thức bán thành phẩm và hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam sau đó gắn nhãn mác Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để tránh bị áp thuế cao. Đây là điểm mà các doanh nghiệp phải đặc biệt lưu ý.
Chuyên gia kinh tế Trần Du lịch khuyến cáo, để tận dụng được cơ hội xuất khẩu, các doanh nghiệp cần làm hàng hóa phải chất lượng, giá thành cạnh tranh, giảm chi phí.
“Điều quan trọng là các doanh nghiệp phải kiểm soát, đừng để rơi vào tình trạng Trung Quốc mượn đường chuyển hàng sang Việt Nam, tình trạng này đã từng xảy ra ở những dạng khác nhau. Một doanh nghiệp làm thì hại cả ngành và hại cả đất nước”, chuyên gia Trần Du Lịch chỉ rõ.