Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhấn mạnh, Hội nghị giao thương trực tuyến Việt Nam - Liên bang Nga là một trong những hoạt động thuộc Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2022.
Đây là một hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam - Liên bang Nga kết nối, trao đổi trực tuyến về khả năng hợp tác, kinh doanh, tiến tới giao dịch trực tiếp trong điều kiện cho phép; góp phần đẩy mạnh quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Ông Dương Hoàng Minh - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết, hiện nay Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong Khối ASEAN và thứ 5 trong Khu vực APEC và là nhà cung cấp lớn cho thị trường Nga nhiều sản phẩm, trong đó có các sản phẩm dệt may.
Hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga chủ yếu là các sản phẩm gia công cho các thương hiệu thời trang hoặc thể thao của nước ngoài ZARA, BERSHKA, STRADIVARIOS, PULL AND BEAR, MASSIMO DUTI, MANGO, UNIQLO, NIKE, ADIDAS, PUMA…
Các sản phẩm được xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga trên cơ sở hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Nga, mặc dù có tăng trưởng khá trong thời gian gần đây, còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ bé trong kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Nga.
“Có thể thấy thương mại hàng dệt may giữa Việt Nam và Liên bang Nga còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng trong thời gian tới. Các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để cung cấp các sản phẩm với chất lượng cao và giá cả phù hợp với thị trường Nga”, ông Minh đánh giá.
Chia sẻ về cơ hội của hàng dệt may Việt Nam tại thị trường Nga, ông Andrey Pecherin - Trưởng ban Kinh tế, Cơ quan Đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, Việt Nam là một trong ba nước xuất khẩu hàng may sẵn hàng đầu thế giới. Hàng dệt may Việt Nam nổi bật nhờ sự kết hợp giữa chất lượng cao và giá thành phải chăng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Nga đang cân nhắc lựa chọn nội địa hóa các cơ sở sản xuất của họ tại Việt Nam. “Trong bối cảnh một số thương hiệu quần áo và giày dép lớn trên toàn cầu rút lui khỏi thị trường Nga, việc phát triển hợp tác thành lập các liên doanh về may mặc càng trở nên phù hợp hơn, mở ra cơ hội lớn cho các công ty Nga”, ông Andrey Pecherin nhận định và cho rằng, một trong những cơ hội đó là sử dụng các ưu đãi của Việt Nam và tái xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam sang thị trường các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, ông Razbrodin Andrey Valentinovich - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may và Công nghiệp nhẹ Liên bang Nga cũng chia sẻ, Liên bang Nga có nhu cầu lớn về nhập khẩu hàng dệt may của Việt Nam, do vậy, ông kỳ vọng, sau Hội nghị doanh nghiệp hai bên sẽ tiến tới tìm hiểu sâu hơn và sẽ có những ký kết hợp đồng trong thời gian tới.
Thông tin về tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dệt may với vùng Viễn Đông, ông Veselov Mikhail Vitalievich - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Primorye cho biết, đây là vùng có vị trí địa lý hoàn toàn ở Châu Á, nằm gần với các quốc gia Bắc Á thịnh vượng là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và có vị trí trọng yếu trong hành lang giao thông tự nhiên giữa Châu Á và Châu Âu.
Đặc biệt, tuyến đường vận tải hàng hóa trực tiếp giữa Việt Nam và Nga (thành phố Hồ Chí Minh - Hải Phòng - Vladivostok) đã đi vào hoạt động từ tháng 5 năm nay, giúp thông thương hàng hóa giữa hai nước trong thời gian ngắn nhất (9-12 ngày) sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp dệt may thúc đẩy xuất nhập khẩu, giao thương với các doanh nghiệp khu vực này.
Tại Phiên hỏi đáp của Hội nghị, các diễn giả, các doanh nghiệp hai nước đã trao đổi, chia sẻ những vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, tìm kiếm bạn hàng, đối tác; những chính sách hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước cũng như hoạt động xúc tiến đầu tư công nghiệp trong bối cảnh xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine vẫn còn diễn biến căng thẳng...
Tiếp đó, trong các phiên giao thương kết nối trực tuyến diễn ra tối ngày 28/6 và ngày 29/6, các cặp doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga đã giới thiệu cho nhau các nhu cầu giao thương hàng hóa, sản phẩm cụ thể; trao đổi các cơ hội thiết lập đối tác hợp tác đầu tư kinh doanh, xuất nhập khẩu...