105 năm một chặng đường lịch sử

Năm Thành Thái thứ 11 (1899), vua Thành Thái ra chỉ dụ thành lập Trường Bá công, tại cố đô Huế. Đây là một trong những trường dạy nghề ra đời sớm nhất ở nước ta. Như vậy, tính đến ngày 12 tháng 9 năm

Năm 1926, tại mái trường Kỹ nghệ Thực hành Huế đã có tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội và năm 1930, ở đây đã ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản - một trong số ít Chi bộ Đảng đầu tiên của Thừa Thiên – Huế. Có thể gọi đây là một trong những cái nôi đào tạo nên nhiều thế hệ chiến sỹ cách mạng kiên cường, nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Quân đội, mà tiêu biểu là Phó Thủ tướng - Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Côn,  các Bộ trưởng: Nguyễn Hữu Mai, Phan Ngọc Tường, Trần Lum; các tướng lĩnh quân đội: Trần Văn Trà, Trần Sâm, Lê Văn Tri, Hoàng Văn Thái, Hồ Tú Nam…; nhiều tên tuổi lớn khác đã đi vào lịch sử như: Huỳnh Ngọc Huệ, Vương Nhị Chi, Nguyễn Lân, Ngô Viết Thụ, Lưu Quý Kỳ… Thật không phải ngẫu nhiên mà Nhà trường đã được Nhà nước công nhận là “Di tích Lịch sử Văn hoá”.
Phát huy truyền thống dạy nghề được hun đúc qua hơn một thế kỷ, phát huy những thành tựu đạt được trong thời kỳ đất nước đổi mới, Trường Trung học Công nghiệp Huế đã ngày càng tự khẳng định mình. Đến nay, Nhà trường đã đào tạo được  hàng vạn công nhân lành nghề, cán bộ kỹ thuật cho đất nước và nước bạn Lào, là địa chỉ đào tạo tin cậy của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn cũng như khu vực. Cũng chính sự phát triển bền vững đó mà Trường được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là 1 trong 15 trường dạy nghề trọng điểm, được tham gia Dự án “Giáo dục Kỹ thuật và Dạy nghề”, được đầu tư trang thiết bị, nâng cấp phương tiện dạy và học và nâng cao trình độ đội ngũ để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá địa phương và khu vực.
Để ghi nhận sự đóng góp của Nhà trường với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự phát triển của ngành Công nghiệp và sự nghiệp đào tạo nghề trong khu vực và tỉnh Thừa Thiên – Huế, Nhà nước, Bộ Công nghiệp và UBND tỉnh Bình Trị Thiên, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tặng thưởng cho Trường nhiều phần thưởng cao quý, như: Huân chương Độc lập hạng Nhất (1999); Huân chương Lao động hạng Nhì (1994); Huân chương Lao động hạng Ba (1989); Bằng Di tích Lịch sử Văn hoá (1991); Cờ thưởng luân lưu của Chính phủ (1996); Cờ thưởng đơn vị Xuất sắc của Bộ Công nghiệp (2003); Bằng khen của Bộ Công nghiệp tặng Trường liên tục từ 1994-2003; Bằng khen của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên tặng Trường tiên tiến liên tục từ 1983 đến 1988; Bằng khen của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế tặng Trường tiên tiến liên tục từ 1994 đến 1996 và từ 1999 đến 2003; Liên đoàn Lao động Thừa Thiên Huế tặng Bằng khen Công đoàn cơ sở vững mạnh liên tục từ 1992 đến 2003; Trung ương Đoàn tặng Cờ và Bằng khen Đơn vị Đoàn trường xuất sắc… Đây là những bằng chứng, niềm vinh dự tự hào to lớn của các thế hệ giáo viên và học sinh Nhà trường qua các thời kỳ lịch sử.
Đặc biệt, kể từ khi Nhà trường tổ chức kỷ niệm 100 năm (1999) đến nay, được sự chỉ đạo sâu sát và giúp đỡ hiệu quả của Bộ Công nghiệp, Bộ GD-ĐT, Bộ LĐTB & XH, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế và các Bộ, Ban ngành trung ương và địa phương, cùng với việc phát huy truyền thống, năng động sáng tạo, đoàn kết một lòng của tập thể đội ngũ cán bộ, giáo viên, trong 5 năm qua, Nhà trường đã phấn đấu không ngừng, vượt qua những khó khăn, thách thức và đạt được nhiều thành tựu nổi bật, tự khẳng định được vị thế của mình trong thời kỳ đổi mới.
Quy mô đào tạo của Trường được mở rộng song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo. Nằm ở khu vực miền Trung, nơi mà công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn và chậm phát triển, năm 1998, Trường chỉ có hơn 700 học sinh, tỷ lệ học sinh đăng ký theo nguyện vọng giữa các nghề mất cân đối trầm trọng. Đặc biệt, các nghề Cơ khí không năm nào tuyển đủ. Từ năm 1999, do có nhiều giải pháp tích cực như tuyên truyền, áp dụng chế độ học phí phù hợp với thu nhập thấp của nhân dân và ưu tiên học sinh vùng khó khăn, các nghề cần phát triển nhưng chưa hợp thị hiếu của thanh niên và cộng thêm sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp địa phương và khu vực, nên số học sinh vào học nghề đã ngày càng gia tăng. Hiện nay, toàn Trường có gần 2.000 học sinh hệ chính quy dài hạn tập trung, trong đó nghề Cơ khí chiếm tỷ lệ 40% học sinh toàn Trường.
Nhằm rút ngắn thời gian đào tạo mà chất lượng vẫn đảm bảo, những năm qua, Trường đã mở rộng mối quan hệ trường - ngành, nên phần lớn các khoá học, trước khi thi tốt nghiệp, học sinh đều được đi thực tập tại các đơn vị, nhà máy sản xuất trên địa bàn và khu vực. Thông qua các đợt thực tập này, học sinh được nâng cao trình độ tay nghề và thuận lợi hơn cho việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp, giáo viên có thêm kinh nghiệm thực tế và Trường mềm dẻo hơn trong việc điều chỉnh nội dung chương trình đào tạo phù hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp công nghiệp hoá ở địa phương và khu vực. Chính nhờ vậy, tỷ lệ học sinh có được việc làm sau khi tốt nghiệp ngày càng gia tăng, qua cuộc điều tra “Lần theo dấu vết” trong khuôn khổ của Dự án “Giáo dục Kỹ thuật & Dạy nghề” đã có đến 60%-75% học sinh ngành Điện lạnh, Điện và Cơ khí có việc làm sau khi tốt nghiệp. Kết quả đó đã minh chứng về chất lượng đào tạo của Trường.
Xác định được tầm quan trọng của trang thiết bị và phương tiện học tập giảng dạy, nên Trường đặc biệt quan tâm đến việc bổ sung về số lượng, nâng cao chất lượng của trang thiết bị, phương tiện, bằng nhiều hình thức, nhiều nguồn vốn khác nhau, như: Tiết kiệm từ nguồn kinh phí đào tạo, từ các mối quan hệ hợp tác quốc tế, từ chuyển vật tư tiêu hao do thực tập thành các sản phẩm từ các bài tập tốt nghiệp để tạo thành đồ dùng dạy học...
Về xây dựng cơ bản, trong khuôn khổ của dự án “Giáo dục Kỹ thuật & Dạy nghề” bằng nguồn vốn đối ứng của Bộ Công nghiệp, Trường đã xây dựng thêm được 4.000m2 nhà xưởng thực tập (với kinh phí đầu tư 5,5 tỷ đồng) để chuẩn bị lắp đặt hệ thống trang thiết bị thực tập hiện đại của Dự án cho 6 ngành nghề đang đào tạo, với giá trị hơn 35 tỷ đồng. Ngoài ra, bằng các nguồn kinh phí được cấp hàng năm và các nguồn thu khác, Trường đã đầu tư để nâng cấp hơn 2.500 m2 xưởng trường và gần 2000 m2 phòng học lý thuyết. Đặc biệt, Trường cũng đã tận thu vật liệu cũ để cải tạo và xây dựng mới nhà thi đấu thể thao với diện tích gần 500 m2, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Hệ thống đường nội bộ và quy hoạch vườn hoa cây cảnh đã được hoàn thiện, tạo môi trường sư phạm, cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Về cải tiến và biên soạn mới nội dung chương trình đào tạo, trên cơ sở Trường được phép mềm hoá 20-25% nội dung chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển nền công nghiệp Thừa Thiên-Huế và khu vực Bắc miền Trung, những năm vừa qua, sau mỗi đợt giáo viên hướng dẫn học sinh đi thực tế về, đều có những kiến nghị với Nhà trường để hiệu đính chương trình cụ thể cho các nghề phù hợp thực tiễn. Trường còn được giao nhiệm vụ xây dựng trọn gói 4 bộ chương trình đào tạo nghề: Sửa chữa Điện tử dân dụng, Điện dân dụng, Sửa chữa ôtô và cắt gọt kim loại; ngoài ra, còn xây dựng thí điểm 2 bộ Tiêu chuẩn kỹ năng nghề Điện dân dụng và Cắt gọt kim loại.
Nhà trường cũng đặc biệt quan tâm củng cố và xây dựng đội ngũ giáo viên. Về trình độ chuyên môn, tính từ năm học 1998-1999 đến nay, quy mô đào tạo tăng gần 300%, nên lực lượng giáo viên Nhà trường cũng phải được bổ sung từ 44 giáo viên lên 69 (chưa tính số giáo viên thỉnh giảng). Trường đã có nhiều hình thức, biện pháp và giải pháp tích cực như xây dựng một số chế độ, chính sách bắt buộc đối tượng trong độ tuổi, khen thưởng đối tượng ngoài độ tuổi, sao cho mọi người đều phải đi học, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ. Trường đặc biệt quan tâm mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế để tìm kiếm cơ hội cho cán bộ giáo viên đi tập huấn, tu nghiệp ở nước ngoài. Thông qua hoạt động này, trong 5 năm qua, đã có 45 lượt cán bộ giáo viên được các nước bạn tài trợ đi tập huấn, tu nghiệp và tham gia hội thảo, nên nghiệp vụ được nâng cao. Nhìn chung, sau 5 năm, chất lượng đội ngũ CB, GV của Trường đã tăng nhanh: Thạc sỹ tăng từ 2,3% (năm 1999) lên 17,4% (năm 2004), Đại học tăng từ 50,0% (năm 1999) lên 66,0% (năm 2004), Cao đẳng tăng từ 6,8% (năm 1999) lên 14,5% (năm 2004), THSP (GVDN) giảm từ 41,0% (năm 1999) còn 2,1% (năm 2004). 100% giáo viên trong biên chế đều có trình độ nghiệp vụ sư phạm bậc II, số giáo viên hợp đồng dài hạn tối thiểu cũng có chứng chỉ sư phạm bậc I. Đến nay, 100% CB,GV sử dụng vi tính phục vụ cho công tác và dạy học, 100% giáo viên có chứng chỉ A ngoại ngữ, tỷ lệ chứng chỉ B, C khá cao. Nhà trường đã có 5 giáo viên có bằng đại học thứ hai về Tin học và Anh ngữ. Trường có 2 Nhà giáo ưu tú, tại các hội giảng cấp Tỉnh và cấp Toàn quốc, Trường đều đạt giải cao: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba (trong đó có 2 giải Nhì giáo viên dạy giỏi Toàn quốc) và 20% giáo viên giỏi cấp cơ sở hàng năm.
Về lĩnh vực hợp tác, liên kết trong đào tạo, Trường đã được sự ủng hộ và tạo điều kiện của hầu hết các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn và một số tỉnh thuộc khu vực miền Trung, đặc biệt trong việc nhận học sinh thực tập sản xuất và thực tập tốt nghiệp. Nhà trường đã liên kết với Trường Cao đẳng Sư phạm Vinh đào tạo giáo viên dạy nghề hệ Cử nhân cao đẳng thuộc 2 nghề Kỹ thuật Điện và Điện tử, tích luỹ kinh nghiệm để chuẩn bị từng bước vững chắc xây dựng Trường trở thành Trường cao đẳng công nghệ trong tương lai.
 Trong quan hệ hợp tác quốc tế, Trường chú trọng việc duy trì và mở rộng các mối quan hệ hợp tác để tìm cơ hội bổ sung nguồn thiết bị thực tập; nâng cao trình độ chuyên môn cho giáo viên, tiếp cận công nghệ và kinh nghiệm dạy nghề của các nước tiên tiến. Trường có các mối quan hệ hợp tác có hiệu quả như: Inwent (Đức) chuyên tài trợ cho CBGV tập huấn ở nước bạn và cử chuyên gia sang mở các lớp tập huấn tại Trường; tổ chức AFPA và IFAC (Pháp) giúp đỡ về trang thiết bị dạy nghề sửa chữa ôtô và cử chuyên gia sang tập huấn cho giáo viên Trường; tổ chức AOTS (Nhật) cấp kinh phí và chuyên gia mở các lớp tập huấn tại Trường và tài trợ kinh phí để CBGV tham gia các lớp tập huấn tại Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Kết quả trong 5 năm qua Nhà trường đã có 45 lượt cán bộ giáo viên được đi tập huấn, hội thảo ở nước ngoài và gần 1 tỷ đồng trang thiết bị thực tập.
Về các hoạt động xã hội và hoạt động ngoại khoá, Nhà trường đã đầu tư xây dựng nhà thi đấu thể thao. Hàng năm, vào những ngày lễ lớn như 8/3; 26/3; 20/11; 22/12… Nhà trường đã tạo điều kiện cho Đoàn trường và Công đoàn tổ chức tranh giải nội bộ và giao lưu với các trường bạn, các cơ quan bạn về các bộ môn như cầu lông, bóng bàn, bóng chuyền, bóng đá, đá cầu. Trường còn tham gia các hoạt động thể thao của các trường đại học, trung học chuyên nghiệp ở Huế và các giải do Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế và Thành đoàn Huế tổ chức. Trong hầu hết các giải, Trường đều đạt từ giải ba trở lên.
Song song với các hoạt động dạy và học, Trường còn quan tâm đến việc tham gia đóng góp cho xã hội. Trường là một trong số ít trường đứng đầu về phong trào hiến máu nhân đạo, tích cực hưởng ứng các cuộc vận động: “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ngày vì người nghèo”… Đoàn Trường và Công đoàn đã vận động, quyên góp tặng quà và sổ tiết kiệm cho 2 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 2 gia đình có công với cách mạng và 4 gia đình thương binh liệt sĩ đặc biệt khó khăn…
Sự phối hợp giữa Công đoàn, Đoàn Thanh niên với chính quyền Nhà trường dưới sự lãnh đạo của Chi bộ thực sự chặt chẽ và có hiệu quả, nhờ thiết lập được mối quan hệ công tác một cách rõ ràng, cụ thể bằng các văn bản. Mọi chủ trương, chính sách đều được quán triệt, thực hiện tốt, dân chủ hoá, mọi khó khăn đều được tháo gỡ, tạo nên một khối đại đoàn kết, nhất trí cao. Chi bộ Nhà trường liên tục được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh, Công đoàn cơ sở vững mạnh liên tục trong 10 năm qua, và Đoàn trường liên tục là Đoàn trường vững mạnh.
Để ghi nhận những thành tích và sự đóng góp trong công cuộc đổi mới của đất nước, nhân dịp kỷ niệm 105 năm thành lập Trường, Nhà trường đã vinh dự đón nhận những phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần thứ hai) cho tập thể Nhà trường và Huân chương Lao động hạng Ba cho đồng chí Hiệu trường, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 2 tập thể và 2 cá nhân, Bằng khen của Bộ Công nghiệp cho 12 cá nhân.

  • Tags: