Theo TS. Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Văn phòng Hội đồng Trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải (EPR) Quốc gia, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo đó, trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải (EPR) đang là một trong những chính sách nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và người dân. Chính vì vậy, Bộ TN&MT đã, đang và sẽ tiếp tục tổ chức và đa dạng hóa cách thức phổ biến, tuyên truyền nhằm giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt và tiếp cận đầy đủ các quy định của pháp luật.
Thông tin trên được đại diện Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định tại Hội thảo tập huấn thực hiện quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường ở TP.HCM, ngày 14/9/2023.
Theo những văn bản trên, nhà sản xuất, nhập khẩu 6 nhóm sản phẩm, hàng hóa gồm: Săm lốp; pin và ắc quy; dầu nhớt; các sản phẩm có bao bì (thực phẩm, mỹ phẩm, thuốc, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, xi măng, chất tẩy rửa và chế phẩm dùng trong gia dụng, nông nghiệp, y tế); điện và điện tử; phương tiện giao thông thì phải có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì theo một tỷ lệ tái chế bắt buộc và theo quy cách tái chế bắt buộc. Nhà sản xuất, nhập khẩu có thể tự tổ chức tái chế hoặc có thể đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ hoạt động tái chế.
Về lộ trình, nhà sản xuất, nhập khẩu săm lốp, pin và ắc quy, dầu nhớt và các sản phẩm có bao bì thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2024; nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm điện, điện tử thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2025; nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) thực hiện trách nhiệm tái chế từ ngày 1/1/2027.
Ngoài ra, nhà sản xuất, nhập khẩu 5 nhóm sản phẩm, bao bì gồm: Thuốc bảo vệ thực vật; pin sử dụng một lần; tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt dùng một lần; kẹo cao su, thuốc lá; một số sản phẩm, hàng hóa có thành phần nhựa tổng hợp như bóng bay, đồ chơi trẻ em, giầy dép, quần áo, đồ nhựa dùng một lần, đồ dùng một lần, đồ nội thất, vật liệu xây dựng, túi nilong khó phân hủy kích thước nhỏ… cũng phải có trách nhiệm đóng góp tài chính hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải từ ngày 1/1/2022.
Cũng tại Hội thảo, đại diện Văn phòng Hội đồng EPR Quốc gia đã hướng dẫn đăng ký, kê khai, báo cáo việc thực hiện trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và kê khai trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải trên Cổng thông tin điện tử EPR Quốc gia đang được vận hành thí điểm; trực tiếp trao đổi, giải đáp nhiều lượt câu hỏi của các hiệp hội và doanh nghiệp liên quan đến 2 nội dung quan trọng là trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải. Đồng thời, giới thiệu tài liệu tổng hợp, giải đáp một số thắc mắc của các doanh nghiệp khi thực hiện trách nhiệm EPR.
Điển hình như, một số doanh nghiệp hỏi, với doanh nghiệp có hai dạng bao bì, gồm túi đựng đồ của siêu thị phát cho khách hàng do nhà cung cấp khác sản xuất và bao bì đóng gói các sản phẩm thuộc nhãn hàng riêng thì doanh nghiệp có thuộc đối tượng phải thực hiện tái chế?
Trả lời câu hỏi này, đại diện Văn phòng EPR quốc gia cho biết, theo Điều 3 Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN thì túi đựng đồ của siêu thị không phải là bao bì thương phẩm, do vậy, doanh nghiệp sản xuất loại bao bì này không phải thực hiện trách nhiệm tái chế. Trong khi đó, Điều 77 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định, bao bì thương phẩm (bao bì trực tiếp và bao bì ngoài) của các sản phẩm sau đây thì doanh nghiệp phải thực hiện trách nhiệm tái chế: thực phẩm (theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm); mỹ phẩm (theo quy định của pháp luật về điều kiện sản xuất mỹ phẩm); thuốc (theo quy định của pháp luật về dược); phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y (theo quy định của pháp luật về phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y); chất tẩy rửa, chế phẩm dùng trong lĩnh vực gia dụng, nông nghiệp, y tế và xi măng.
Đại diện Văn phòng EPR quốc gia cũng khẳng định, hiện tại, doanh thu để xác định đối tượng có trách nhiệm xử lý chất thảilà tổng doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ năm liền trước của doanh nghiệp (từ 30 tỷ đồng trở lên); không phải doanh thu của riêng các sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục XXIII của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.
Tương tự, giá trị nhập khẩu để xác định đối tượng có trách nhiệm xử lý chất thải là tổng giá trị nhập khẩu (tính theo giá trị hải quan) của tất cả các sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp trong năm liền trước (từ 20 tỷ đồng trở lên); không phải chỉ tính riêng giá trị nhập khẩu các sản phẩm, bao bì quy định tại Phụ lục XXIII của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Quy định này cũng đang được xem xét sửa đổi trước những đóng góp của doanh nghiệp về cách tính doanh thu của doanh nghiệp chỉ nên tính riêng của sản phẩm, bao bì thuộc đối tượng phải tái chế, xử lý….