Theo đó, cập nhật đến ngày 7/6/2023, đã có 66/85 dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp với tổng công suất 3.691,861MW gửi hồ sơ cho EVNEPTC để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện; trong đó có 56 dự án với tổng công suất 3.087,661MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương).
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 51/56 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.
Có 10 dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.
19 dự án chuyển tiếp đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án/phần dự án chuyển tiếp đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực; 25 dự án chuyển tiếp đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Như vậy, hiện vẫn còn 19 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 1.042,7MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Để đưa các dự án chuyển tiếp vào vận hành trong thời gian sớm nhất, thời gian qua, Bộ Công Thương, EVN và các bên có liên quan, các chủ đầu tư đã phối hợp, đẩy nhanh tiến độ đàm phán giá điện tạm thời theo quy định pháp luật để có cơ sở huy động các dự án điện chuyển tiếp đưa vào thử nghiệm và vận hành thương mại.
Tuy nhiên, để đi đến vận hành thương mại, mỗi dự án phải đáp ứng đầy đủ các quy định có liên quan của pháp luật như về đất đai, môi trường, phòng chống cháy nổ,…
"Những trách nhiệm thuộc thẩm quyền của đơn vị nào, tổ chức nào thì phải chủ động thực hiện đúng. Đối với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng như Bộ Công Thương, chúng tôi đã thực hiện đúng trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Nếu có thông tin cán bộ gây khó khăn cho các dự án hoặc vướng mắc trong quá trình hoàn thành thủ tục, tôi sẵn sàng tiếp nhận thông tin và trả lời, xử lý", Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng thẳng thắn cho hay.
Ông Phạm Nguyên Hùng cũng cho biết đoàn kiểm tra, thẩm định của Bộ Công Thương đang "chạy hết công suất" không kể ngày nghỉ, và những dự án đã trình Bộ Công Thương hồ sơ đề nghị kiểm tra, nghiệm thu đầy đủ theo đúng quy định sẽ được tiến hành kiểm tra hết trong tuần này, "còn những dự án chưa nộp hồ sơ, hoặc hồ sơ chưa đầy đủ thì không thể làm sai quy định mà cứ tiến hành kiểm tra, nghiệm thu được".
"Chúng tôi hiểu các nhà đầu tư đã rất vất vả, nỗ lực và cũng đang sốt ruột để nhanh chóng đưa dự án vào vận hành thương mại. Về phía Bộ Công Thương, xin khẳng định một lần nữa, Bộ sẽ luôn đồng hành, sẵn sàng hướng dẫn, sẵn sàng hỗ trợ các nhà đầu tư trong thẩm quyền và chức năng của mình", ông Phạm Nguyên Hùng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo Phạm Nguyên Hùng cho biết, Quy định điện VIII đã xác định rõ "ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW".
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương lập kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, trong đó xác định quy mô công suất cho điện mặt trời mái nhà ở các tỉnh, thành, trên cơ sở Kế hoạch này sẽ đưa ra các quy định, hướng dẫn về phát triển điện mặt trời mái nhà.
Hiện nay, các đơn vị chức năng thuộc Bộ đang tích cực trao đổi, thảo luận để đề xuất được những định hướng thích hợp, những cơ chế khuyến khích đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng theo đúng nhiệm vụ đề ra trong Quy hoạch. Dù vậy, để đảm bảo chủ động kiểm soát về quy mô công suất, Quy hoạch điện VIII không quy định rõ tổng công suất của loại hình nguồn điện này.
Hiện nay, các quy định về giấy phép hoạt động điện lực cũng như các quy định đấu nối đã có đầy đủ, sau khi Chính phủ phê duyệt, ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII sẽ có cơ sở để xây dựng các hướng dẫn, cơ chế triển khai từng bước theo đúng quy định của pháp luật.