Cho đến nay, dư luận và nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn nghĩ, kể từ khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực ngày 14/1/2019, xuất khẩu sang 10 nước trong Hiệp định sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan.
Về nguyên tắc đúng là như vậy. Song trên thực tế, tại Hội nghị “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Một số cam kết quan trọng và những điều cần lưu ý” do Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức ngày 8/5 vừa qua, ông Ngô Trung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên cho biết, cho đến nay Hiệp định CPTPP đã có 7 nước hoàn tất thủ tục phê chuẩn, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia và Việt Nam. 4 nước còn lại gồm: Chi lê, Brunei, Malaysia và Peru đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý để các nhà lập pháp phê chuẩn.
Như vậy, cho đến thời điểm này, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang 6 nước Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada, Australia đã phê chuẩn Hiệp định mới được hưởng ưu đãi thuế quan.
Tổng kết lại, có 2 điều kiện và 2 điều lưu ý khi doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang các nước trong CPTPP.
Hai điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan:
- Sản phẩm hàng hóa đáp ứng được điều kiện xuất xứ theo các quy định của Hiệp định
- Xuất khẩu sang các nước đã hoàn tất quá trình pháp lý phê chuẩn Hiệp định
Hai điều cần lưu ý:
Thứ nhất, ngoài hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu vào 6 nước nói trên, doanh nghiệp trong nước còn được hưởng thuế suất xuất khẩu ở mức 0% của Việt Nam, với điều kiện phải có hóa đơn nhập khẩu của chủ hàng nước đến và hóa đơn vận chuyển hàng hóa có đích nước đến.
Thứ hai, hiện Nghị định về xuất khẩu sang các nước CPTPP đang lấy ý kiến của các bộ ngành, trước khi trình Chính phủ ban hành. Nhưng với Việt Nam, Hiệp định có hiệu lực ngày 14/1/2019, vậy nên doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tạm thời chưa được thuế suất xuất khẩu 0%, nhưng khi Nghị định được ban hành, sẽ có điều khoản hồi tố, để những đơn hàng xuất khẩu từ ngày 14/1/2019 trở đi, sẽ được hoàn thuế.
Hội nghị “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - Một số cam kết quan trọng và những điều cần lưu ý” là một trong các hoạt động để triển khai Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP mà Bộ Công Thương đã ban hành tại Quyết định số 456/QĐ-BCT vào ngày 01 tháng 03 năm 2019 thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 121/QĐ-TTg ngày 24 tháng 01 năm 2019 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, việc ký kết CPTPP đã cho thấy những bước tiến của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong và ngoài nước. Hội nghị lần này sẽ giúp rà soát và đánh giá tốt hơn những cơ hội và thách thức, từ đó, triển khai kịp thời các cam kết của Hiệp định CPTPP. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh vai trò nhóm doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, coi đây là những hạt nhân cơ bản trong khai thác kịp thời, hiệu quả Hiệp định CPTPP.
Hội nghị bao gồm hai phần. Phiên thứ nhất tập trung vào các nội dung tập huấn chuyên sâu do các thành viên Đoàn đàm phán Hiệp định CPTPP thực hiện nhằm hướng dẫn, thực hành tra cứu và thực thi cam kết trong một số lĩnh vực cơ bản như thuế xuất nhập khẩu, quy tắc xuất xứ, dịch vụ và đầu tư cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương. Với sự tham gia của các cán bộ đàm phán, quản lý trực tiếp lĩnh vực này của Bộ Công Thương, thông qua chương trình tập huấn được thiết kế một cách khoa học và thực tế, Hội nghị là cơ hội để chia sẻ, cung cấp thông tin và kiến thức chuyên sâu về các cam kết quốc tế liên quan, để từ đó giúp các cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ, hiểu sâu và hiểu đúng về cam kết của Hiệp định CPTPP, hỗ trợ tích cực trong quá trình thực thi Hiệp định.
Phiên thứ hai trình bày về các thông tin mang tính tổng quan, chiến lược của Hiệp định CPTPP với sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Lãnh đạo thành phố Hải Phòng và Lãnh đạo các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Ninh và Ninh Bình cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh, thành phố này.
Sau phần trình bày của các thành viên Đoàn đàm phán Chính phủ đến từ Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và đại diện một số hiệp hội ngành hàng, các đại biểu tham dự Hội nghị đã có phần thảo luận về các nội dung cam kết, chia sẻ những kinh nghiệm cần trang bị để sẵn sàng cho việc thực thi Hiệp định.
Đây cũng là cơ hội để các hiệp hội, ngành hàng nói lên tiếng nói của mình, xác định những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trước ngưỡng cửa hội nhập rộng mở mà Hiệp định CPTPP mang lại, để từ đó góp phần tích cực vào việc xây dựng các chính sách thiết thực, hiệu quả.
Với chương trình được thiết kế khoa học, chuyên sâu, mang tính tương tác cao, cùng với đội ngũ chuyên gia đến từ các cán bộ đàm phán, quản lý trực tiếp lĩnh vực này, Hội nghị thu hút sự tham gia đông đảo của đại diện các Sở, ban ngành địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng, cơ quan truyền thông của thành phố Hải Phòng và 5 tỉnh lân cận bao gồm: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Ninh Bình và Quảng Ninh.