Để đưa Luật Quản lý thuế số 38 vào cuộc sống, Chính phủ đã ban hành Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ và có hiệu lực từ 1/7/2022. Đồng thời, Nghị định 123 cũng cho phép các tổ chức, cá nhân liên quan nếu có đầy đủ hạ tầng công nghệ thông tin được phép áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử trước ngày 01/7/2022.
Để triển khai hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế đã khẩn trương thực hiện 2 nội dung nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện kế hoạch đề ra.
Thứ nhất, đã hoàn thiện để ban hành quy trình quản lý hóa đơn điện tử trong nội bộ cơ quan thuế. Đồng thời, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật của hóa đơn điện tử, đây là bộ tiêu chuẩn rất quan trọng để các đơn vị đang cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử theo Thông tư 32 có thể kịp thời nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đáp ứng quy định mới tại Thông tư 78.
Thứ hai, đã tổ chức xây dựng, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin cho phép kết nối với các đơn vị cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử, cũng như cung cấp kết nối với đơn vị truyền nhận. Mục tiêu đến tháng 11/2021 sẽ bắt đầu triển khai cho 6 tỉnh, thành phố và khi đó các đơn vị cung cấp giải pháp sẽ có thể cung cấp các dịch vụ cho người nộp thuế để có thể sử dụng hóa đơn điện tử.
Bên cạnh đó, nhằm phổ biến những nội dung liên quan đến hóa đơn, chứng từ theo hướng dẫn của Thông tư 78, một hội nghị trực tuyến được tổ chức trong 2 ngày và 6 tháng 10 năm 2021
Những nội dung được tập huấn tại hội nghị bao gồm những quy định về hóa đơn, chứng từ giả là hóa đơn, chứng từ được in hoặc khởi tạo theo mẫu hóa đơn, chứng từ đã được thông báo phát hành của tổ chức, cá nhân khác; hoặc được in, khởi tạo trùng số của cùng một ký hiệu hóa đơn, chứng từ; quy trình áp dụng hóa đơn điện tử.
Thông tin thêm về công tác chuẩn bị triển khai hóa đơn điện tử, ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Tổng cục Thuế) cho biết, Bộ Tài chính đã quyết định triển khai hóa đơn điện tử qua 2 giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất triển khai cho 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ và Bình Định; giai đoạn thứ hai sẽ triển khai cho 57 tỉnh, thành phố còn lại.
Hiện nay tại 6 tỉnh, thành phố triển khai đợt này, các doanh nghiệp hầu hết cũng đã sử dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư 32, trong đó, Hà Nội cũng đã có khoảng 90% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử.
Một điểm cần lưu ý đó là, trước đây việc áp dụng hóa đơn điện tử theo Thông tư 32 thì dữ liệu sẽ nằm tại đơn vị cung cấp giải pháp, tuy nhiên, với việc áp dụng hóa đơn điện tử theo thông tư mới, các đơn vị cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử sẽ áp dụng tiêu chuẩn mới thể hiện bằng các định dạng về mặt kỹ thuật, sau đó các đơn vị này sẽ gửi thông tin hóa đơn cho cơ quan thuế.
Đồng thời, sẽ áp dụng loại hóa đơn mới là hóa đơn được cấp mã xác thực của cơ quan thuế, khi đó việc lập hóa đơn điện tử sẽ thông qua hệ thống kỹ thuật của các đơn vị cung cấp giải pháp để truyền dữ liệu hóa đơn đến cơ quan thuế, sau đó cơ quan thuế sẽ tiếp nhận thông tin và gửi lại thông tin cho người nộp thuế.
Hiện Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử. Đồng thời, chỉ đạo các Cục Thuế có trách nhiệm tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố để thành lập các Ban chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử tại địa phương. Đối với các Ban Chỉ đạo tại các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố trực tiếp tham gia làm Trưởng ban chỉ đạo và thành lập các Tổ thường trực triển khai do Cục trưởng Cục Thuế làm Tổ trưởng Tổ thường trực với sự tham gia của đại diện sở, ban, ngành địa phương tham gia tổ triển khai.