2 tháng đầu năm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,4%

Hàng loạt nhiệm vụ được triển khai tích cực là cơ sở để sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng vững chắc trong năm nay.
2 tháng đầu năm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,4%
2 tháng đầu năm công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm trước tăng 7,1%)

 

Sản xuất công nghiệp tháng 2/2021 ước tính giảm so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do số ngày làm việc của tháng Hai năm nay ít hơn 8 ngày (Tết Nguyên đán năm nay tập trung trong tháng Hai, trong khi Tết Nguyên đán năm trước diễn ra vào cuối tháng Một).

Cùng với đó là ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại một số địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Gia Lai, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Tuy nhiên sản xuất công nghiệp tháng 1/2021 tăng khá so với tháng 01/2020 (22,5%) nên tính chung 2 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 02/2021 ước tính giảm 21,1% so với tháng trước và giảm 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng giảm 18,5% và giảm 23%;

Tương tự như vậy, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 23,1% và giảm 5,8%; sản xuất và phân phối điện giảm 9,8% và giảm 2,3%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 8,7% và tăng 0,1%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, IIP ước tính tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,4% (cùng kỳ năm trước tăng 7,1%), đóng góp 8 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 4,3% (cùng kỳ năm trước tăng 7%), đóng góp 0,7 điểm phần trăm;

Ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,8% (cùng kỳ năm trước tăng 4,6%), đóng góp 0,4 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 11% (cùng kỳ năm trước giảm 2,7%), làm giảm 1,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung.

Theo kế hoạch trong năm nay, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) sẽ tiếp tục xây dựng các Đề án, nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Công Thương giao tại Quyết định số 2903/QĐ-BCT ngày 16 tháng 8 năm 2018 về việc ban hành “Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành Công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2018- 2020, xét đến năm 2025”.

Bên cạnh đó, triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho 2 trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam;

Xây dựng và triển khai kế hoạch làm việc với một số địa phương đặc biệt các địa phương có lợi thế phát triển công nghiệp để hướng dẫn triển khai các chính sách phát triển công nghiệp;

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ năm 2021;

Khẩn trương và tích cực tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty trong lĩnh vực quản lý nhà nước nhằm khơi thông nguồn lực, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh trong các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia thông qua quá trình đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng công tác cổ phần hóa, chuyển nhượng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp như: VEAM; MIE; Sabeco; Habeco; Đẩy nhanh tiến độ xử lý dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam cùng với việc cổ phần hóa Tổng Công ty Giấy Việt Nam;

Tập trung rà soát các dự án sản xuất, đặc biệt là các dự án sản xuất hàng công nghiệp lớn phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, kịp thời tháo gỡ khó khăn để sớm đưa các dự án vào vận hành, tạo năng lực cho phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.

Những hoạt động nói trên là cơ sở để sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng vững chắc trong năm nay.

Bắc Hà