Mục tiêu chung của Kế hoạch là tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản;
Bảo vệ môi trường, sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và an ninh quốc phòng.
Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5-3%/năm.
Tốc độ tăng năng suất lao động nông, lâm nghiệp và thủy sản (nông nghiệp) đạt bình quân từ 7-8%/năm.
Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản (nông sản) được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%;
Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt hoặc tương đương đạt trên 25%;
Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 8%/năm; tốc độ tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt bình quân khoảng 5%/năm.
Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội giảm còn khoảng 25%; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt trên 55%;
Trên 80% hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả; thu nhập của cư dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.
Một nhiệm vụ của Kế hoạch là cơ cấu lại sản xuất theo từng lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, diêm nghiệp.
Trong đó, cơ cấu lại sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất cây lương thực xuống còn khoảng 35%, cây công nghiệp ngắn ngày khoảng 2,1% và cây công nghiệp lâu năm còn khoảng 14,5%;
Tăng tỷ trọng cây ăn quả lên 21%, rau 17% nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới.
Chuyển đổi cơ cấu đàn vật nuôi, hướng tới giảm tỷ trọng đàn lợn, tăng tỷ trọng đàn gia cầm và gia súc ăn cỏ.
Đến năm 2025, sản lượng thịt xẻ các loại đạt từ 5-5,5 triệu tấn. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường.
Đẩy mạnh liên kết vùng trong phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững giữa các địa phương nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi vùng và của từng địa phương, bao gồm:
Vùng trung du miền núi phía bắc; vùng đồng bằng sông Hồng; vùng Bắc Trung bộ; vùng duyên hải Nam Trung bộ; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng đồng bằng sông Cửu Long.