2014 - Năm nhuận mà hanh thông

Số liệu Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 31/12/2014 cho thấy sự phục hồi của tất cả các nhóm ngành công nghiệp;

Nhân định thắng thiên!

Trong tư duy của nền văn hóa lúa nước, năm nhuận nằm ở đáy hình sin của chu kỳ “bĩ cực”, vì đây là những năm nắng nóng, khô hanh kéo dài, sâu rầy bùng phát dẫn đến mùa màng thất bát. Câu “năm nhuận tháng hạn” ám ảnh người dân nước ta đã ngàn đời nay.

Không nhắc đến những năm nhuận xa lắc xa lơ triều Nguyễn hay Lê Mạc, khi năm nhuận, thất bát, trộm cướp bùng phát đã trở thành cặp bài trùng; chỉ tính riêng trong một thập niên trở lại đây, đáy hình sin thể hiện rất rõ ở chỗ tăng trưởng kinh tế những năm nhuận bao giờ cũng thấp hơn năm trước và năm sau liền kề. Cụ thể (năm nhuận in đậm): tăng trưởng GDP các năm 2005, 2006, 2007 lần lượt là 8,43%, 8,23%, 8,46%; các năm 2008, 2009, 2010: 6,31%, 5,32%, 6,78%; các năm 2011, 2012, 2013 là 5,89%, 5,25% và 5,42%.

Tuy nhiên, như cụ Nguyễn Du nói “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”; hay theo lối phân tích logic của các nhà kinh tế, khi nền kinh tế bắt đầu cân bằng được xuất nhập khẩu hoặc xuất siêu thì đã đặt một chân vào guồng quay công nghiệp hóa, đồng thời thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào thời tiết của nền kinh tế thiên về nông nghiệp.

Quả là đúng với kinh tế nước ta. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu nước ta đạt 114,6 tỷ USD, nhập khẩu 113,8 tỷ USD, đánh dấu năm đầu tiên xuất siêu hàng hóa sau gần 20 năm nhập siêu. Năm 2013 và năm 2014, Việt Nam tiếp tục xuất siêu hàng hóa, một minh chứng rõ nét cho nhận định “đặt một chân vào guồng quay công nghiệp hóa, đồng thời thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào thời tiết của nền kinh tế thiên về nông nghiệp”, và do đó cũng thoát ra khỏi nỗi ám ảnh “năm nhuận tháng hạn” khi năm 2014 này, GDP không lao đáy hình sin như những năm nhuận trước, mà bứt phá mạnh mẽ với 5,98%.

Sự đảo chiều có ý nghĩa

Với mức tăng trưởng 5,98%, năm 2014 không chỉ là năm đầu tiên trong Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, mà còn vượt khá xa mọi dự báo trước đó. Trước, trong và sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII vào tháng 4/2014, đã xuất hiện luồng ý kiến cho rằng trong bối cảnh tổng cầu nội địa còn yếu ớt, nhiều khả năng tăng trưởng GDP năm 2014 khó cán đích. Thậm chí đã có đề xuất về việc Chính phủ nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.


Điều đáng ngạc nhiên hơn là mức tăng trưởng mạnh mẽ lại song hành với mức lạm phát thấp: 1,84%, điều đó cho thấy chất lượng tăng trưởng tăng lên rõ rệt khi gắn tăng trưởng với ổn định kinh tế vĩ mô, một mục tiêu mà chúng ta theo đuổi trong 6 năm nay, kể từ khi lạm phát 19,8% vào năm 2008. Lạm phát thấp cho phép thành quả tăng trưởng mang lại lợi ích thực sự tới người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong nhiều năm trước, nguồn cung tiền mạnh mẽ đã tạo đà duy trì tăng trưởng cao trong thời gian dài. Tuy nhiên, khi mất cân đối giữa tốc độ tăng cung tiền và tốc độ tăng trưởng GDP lớn thì sức ép lạm phát bắt đầu xuất hiện và thành quả tăng trưởng đã vợi đi rất nhiều khi đến với cộng đồng. Tính từ năm 2008 đến năm 2013, lạm phát luôn cao hơn tăng trưởng và 2014 là năm đầu tiên đảo chiều theo hướng tăng trưởng cao hơn lạm phát.

Bảng 1. So sánh lạm phát và tăng trưởng 2008 - 2014 (đơn vị tính %)

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

Lạm phát

19,89

6,25

11,75

18,13

6,81

6,04

1,84

Tăng trưởng

6,31

5,32

6,78

5,89

5,25

5,42

5,98

Bảng 1 cho thấy, nhìn chung từ năm 2012 trở lại đây, mức cung tiền không còn gây áp lực lên cầu hàng hóa, do đó, lạm phát không trở thành vấn đề của nền kinh tế nữa. Nếu trong giai đoạn 2008 - 2010, tăng trưởng tín dụng ở mức trên dưới 30% mới tạo ra mức tăng trưởng trên dưới 6%, thì giai đoạn 2011 - 2014, tăng trưởng tín dụng giảm mạnh đến 2/3, xuống bình quân trên 10%, nhưng tăng trưởng kinh tế giảm chưa đến 1/10.

Bảng 2: So sánh tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP (đơn vị tính %)

Năm

2008

2009

2010

2011

2012

2013

2014

Tăng trưởng tín dụng

30,00

37,73

27,65

11,00

8,91

12,51

12,62

Tăng trưởng GDP

6,31

5,32

6,78

5,89

5,25

5,42

5,98


Từ hai bảng trên, một câu hỏi được đặt ra là, trong bối cảnh chính sách tiền tệ được điều hành theo hướng thắt chặt từ năm 2011 đến nay, nguồn cung tiền không được bơm ra mạnh mẽ, lạm phát được kiểm soát chặt chẽ, vậy thì tại sao GDP vẫn tăng trưởng một cách ngoạn mục? Đặc biệt là, tại sao mức tăng trưởng tín dụng năm 2014 chỉ hơn 0,11% so với năm 2013, nhưng mức tăng GDP lại hơn đến 0,56%, nguồn lực ở đâu cho sự bứt phá này?

Sự thực thì mô hình tăng trưởng năm 2014 có sự đảo chiều từ sự đóng góp của các khu vực. Nhiều năm trước, khu vực thương mại dịch vụ luôn đứng đầu trong đóng góp vào tăng trưởng GDP, khu vực công nghiệp - xây dựng đứng thứ hai và cuối cùng là khu vực nông nghiệp. Năm 2014 này, lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực công nghiệp - xây dựng vươn lên đứng thứ nhất.

Bảng 3: Đóng góp vào tăng trưởng GDP của các khu vực giai đoạn 2011 - 2014 (đơn vị tính %)

Năm

2011

2012

2013

2014

GDP

5,89

5,25

5,42

5,98

Nông nghiệp

0,66

0,44

0,48

0,61

Công nghiệp - xây dựng

2,32

1,89

2,09

2,75

Dịch vụ

2,91

2,7

2,85

2,62

Có thể thấy, 4 năm qua, đóng góp vào tăng trưởng của khu vực nông nghiệp dao động không nhiều, từ 8,3% đến 11,2%; khu vực dịch vụ có sự đảo chiều, từ đỉnh cao 52% năm 2013 sụt giảm xuống còn 43% năm 2014. Riêng khu vực công nghiệp - xây dựng năm 2014 có sự tăng trưởng đột biến, đóng góp tới 45% vào tăng trưởng GDP, cao hơn nhiều so với từ 36% đến 39% của các năm trước đó.


Những năm trước, tăng trưởng của khu vực dịch vụ có vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Các năm 2011, 2012, 2013 đóng góp 49%, 51% và 52% vào tăng trưởng GDP. Nhưng ở nước ta, đặc điểm của khu vực này là cần nguồn vốn lớn, trong khi hầu hết các ngành dịch vụ quan trọng, có khả năng tạo nhiều giá trị tăng thêm, đều có tỷ trọng nhỏ trong GDP, như ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm chiếm chưa tới 5% GDP. Vì thế, giá trị tăng thêm của khu vực dịch vụ năm 2014 mới đạt 5,2%.

Ngược lại, khu vực công nghiệp - xây dựng lại tạo ra giá trị gia tăng lớn. Riêng giá trị gia tăng công nghiệp năm 2014 tăng 7,14%, tức là bằng 137% so với dịch vụ. Trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo có chuyển biến khá tích cực với mức tăng cao là 8,45%, cao hơn nhiều so với mức tăng của một số năm trước (năm 2012 tăng 5,80%; năm 2013 tăng 7,44%), đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng của khu vực công nghiệp - xây dựng và góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung.

Khi khu vực dịch vụ nhường ngôi cho khu vực công nghiệp - xây dựng (khu vực tạo ra giá trị gia tăng cao nhất) dẫn dắt đầu tàu tăng trưởng kinh tế, thì cũng có nghĩa là việc sử dụng đồng vốn cho sự tăng trưởng đạt mức tiết kiệm nhất. Sự đảo chiều này giải thích “nghịch lý” năm 2014: tăng trưởng cao trong bối cảnh lạm phát thấp, mức tăng trưởng tín dụng không đáng kể

Sự đảo chiều của hai khu vực kinh tế này diễn ra vào đúng năm nhuận 2014, nên nhiều người tin rằng, sự hanh thông của năm nhuận 2014 sẽ khởi đầu cho việc chấm dứt nỗi ám ảnh “năm nhuận tháng hạn”, vốn gắn bó mật thiết với nền kinh tế tiểu nông.