Phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai kế hoạch nhiệm vụ năm 2018 của ngành Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: Năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩu. Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, với mức tăng trưởng trên 21%.
Theo báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2017 của Bộ Công Thương, xuất khẩu cả nước năm 2017 đã đạt ngưỡng 213,8 tỷ USD, tăng tới 21,1% so với năm 2016 và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay, vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra với mức tăng từ 7% - 8%.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định: Năm 2017 là một năm đặc biệt thành công của xuất khẩuKhông dừng lại ở đó, Việt Nam liên tục mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và đã vượt ngưỡng trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu, dự kiến có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD.
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết: Hoạt động xuất khẩu năm 2017 của Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Trong đó, các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu, chiếm hơn 81% tổng kim ngạch xuất khẩu với tổng trị giá đạt 173,5 tỷ USD, tăng 22,4%. Xuất khẩu nông, thủy sản tăng mạnh, đạt 25,9 tỷ USD, tăng 16,9% đây là mức tăng trưởng cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,5%). Ngoài ra, xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản đạt 4,42 tỷ USD, tăng 27%.
Bên cạnh đó, xuất khẩu của Việt Nam cũng đã phát triển sang nhiều thị trường mới, tiềm năng, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA như: xuất khẩu sang ASEAN tăng 24,3%, đạt 21,7 tỷ USD, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 60,6%, đạt 35,3 tỷ USD, xuất khẩu sang Nhật Bản tăng 14,2%, đạt 16,8 tỷ USD, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng 31,1%, đạt 15 tỷ USD...
Ông Dương Duy Hưng cho biết, trong năm 2017, có tổng số 764.052 giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đã được cấp, trị giá các lô hàng được hưởng ưu đãi xuất xứ là 37,8 tỷ USD, tăng 22% về số lượng và 24% về trị giá so với năm 2016.
Ông Dương Duy Hưng báo cáo tham luận tại Hội nghịỞ chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2017 đạt 211,1 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2017, trong đó Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn là hai thị trường nhập khẩu chính của Việt Nam, với giá trị nhập khẩu khoảng 104 tỷ USD.
Với những kết quả trên, trong năm 2017, cả nước duy trì xuất siêu với mức thặng dư khoảng 2,67 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát, góp phần giúp Chính phủ hoàn thành và vượt mức 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong năm 2017.
“Bộ Công Thương xác định năm 2018 sẽ là năm có ý nghĩa bước ngoặt quan trọng trong quá trình thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Bộ cam kết sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo biến chuyển rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.