Thông tin trên được ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Cục QLCT) - Bộ Công Thương, chia sẻ với báo chí trong Hội nghị “Kinh nghiệm ứng phó và sử dụng hiệu quả các biện pháp PVTM nhằm bảo vệ sản xuất trong nước” do Cục QLCT tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 6/11/2015.
Cũng theo ông Nguyễn Phương Nam, trong thương mại quốc tế, Pháp lệnh PVTM được Chính phủ ban hành từ năm 2004, trong đó có 03 biện pháp trụ cột, là: chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ.
Các biện pháp này được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa trước sự thâm nhập của hàng hóa nước khác, về bản chất, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng để đối phó với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, hay không công bằng của hàng hóa nhập khẩu.
Biện pháp tự vệ thường được nói đến như một công cụ bảo vệ ngành sản xuất hàng hóa tương tự hoặc cạnh tranh trực tiếp trong nước, trong trường hợp khẩn cấp, nhằm hạn chế những tác động không thuận lợi gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất trong nước do tình trạng gia tăng bất thường của hàng hóa nhập khẩu. Do đó, công cụ phòng vệ thương mại không chỉ được biết đến như một rào cản ở nước ngoài, mà còn được xem như công cụ có thể sử dụng ở trong nước để bảo vệ chính doanh nghiệp nội địa.
Cục QLCT - Bộ Công Thương từ khi được thành lập cho đến nay, với chức năng và nhiệm vụ thực thi Luật Cạnh tranh, Pháp lệnh về bảo vệ người tiêu dùng, Pháp lệnh chống bán phá giá, Pháp lệnh chống trợ cấp và Pháp lệnh tự vệ, hoạt động nhằm mục tiêu thúc đẩy và duy trì môi trường cạnh tranh hiệu quả cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Hơn 13 năm qua, Cục đã tổ chức hàng trăm đợt tập huấn, hội nghị để bổ sung kiến thức cho các doanh nghiệp, cho đến nay đã áp dụng thành công 3 vụ việc liên quan đến áp dụng PVTM và 01 vụ chống bán phá giá, góp phần kịp thời bảo vệ nền sản xuất trong nước. Tuy nhiên, để có một cách nhìn nhận thực tế và khách quan hơn, ông Nguyễn Phương Nam cho biết có 03 điểm yếu kém từ khách quan đến chủ quan, liên quan đến việc thực thi Pháp lệnh PVTM của Việt Nam.
1. Doanh nghiệp còn thờ ơ, chưa quan tâm đúng mức
Ông Nguyễn Phương Nam nhận định, vào TPP mà ngành nghề nào không quan tâm đến 03 công cụ PVTM, coi như ngành nghề đó nên tự giải tán. Ông Nam cho rằng, hiện nay, liên tục nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp từ các nước trong thời gian qua, do doanh nghiệp chưa xem việc PVTM là vấn đề quan trọng.
Ông Nam nhìn quanh hội nghị và cho biết: Thực tế các bạn thấy đấy, ngay tại hội nghị này, các doanh nghiệp có cử đúng người đi dự đâu, những hội nghị như thế này, phải là chính lãnh đạo của các doanh nghiệp hoặc những người phụ trách về pháp chế hay kế toán tham dự, họ mới nghe, hiểu được cụ thể hơn những biện pháp, quy định, để có những kiến thức trong PVTM.
Ông Nam nhấn mạnh, cả hội nghị ngày hôm nay mà chỉ có 6 người với vai trò là lãnh đạo doanh nghiệp, hoặc là lãnh đạo hiệp hội, vậy thì những kiến thức, thông tin mà chúng tôi phổ biến ngày hôm nay, chắc chắn rằng sẽ khó đi vào cuộc sống của các doanh nghiệp.
Với thái độ khá bức xúc, ông Nam cho biết thêm, một khi các doanh nghiệp Việt Nam bị kiện bán phá giá, nó tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của các ngành sản xuất mặt hàng tương tự tại Việt Nam, nhất là các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như: tôm, cá tra, cá basa, da giày…
Một hệ lụy khác cũng rất nặng nề là dẫn đến nguy cơ làm mất thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, do giá cả và mức thuế của các nước nhập khẩu áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam thuộc diện chống bán phá giá sẽ bị chú ý, và đẩy lên rất cao, doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó cạnh tranh với các hàng hóa khác ở thị trường nhập khẩu.
Một yếu tố khác cũng rất quan trọng là, khi dính vào vấn đề này, các doanh nghiệp bị kiện sẽ mất rất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng lớn đến công việc kinh doanh, lúc đó các doanh nghiệp mới đi đối phó, nhưng rất muộn rồi bởi liên quan đến các vấn đề này, không thể làm được trong một sớm một chiều là được.
2. Tính cộng đồng của doanh nghiệp chưa cao
Thứ hai là, bản thân các doanh nghiệp tính cộng đồng không cao, PVTM là công cụ bảo vệ một ngành sản xuất chứ Cục QLCT không bảo vệ cho một cá nhân nào cả, nên các doanh nghiệp phải biết hợp tác với nhau, phải thường xuyên sinh hoạt cộng đồng thông qua hiệp hội, để khi quyền lợi bị xâm hại, bởi các hành vi bán phá giá, hành vi được trợ cấp bán giá thấp ở Việt Nam, thông qua hiệp hội, anh mới kéo được cộng đồng doanh nghiệp của mình đồng tham gia ủng hộ, bởi theo quy định của WTO một doanh nghiệp mà không đạt đến 25% năng lực sản xuất của ngành, thì có kiện cũng không kiện nổi, đây là quy định hết sức khắc khe của nhà nước Việt Nam và Tổ chức WTO. Ông Nam khẳng định, đây là trò chơi mới của các nước phát triển đặt ra, mà chúng ta không thể từ chối, nếu chấp nhận tham gia vào sân chơi này.
3. Nguồn nhân lực thực thi còn quá mỏng
Vấn đề thứ ba, nói gì thì nói, về phía cơ quan quản lý nhà nước, đó là Cục QLCT, lực lượng cũng rất mỏng, quá mỏng, về khởi xướng điều tra để áp dụng biện pháp PVTM đối với sản xuất Việt Nam, lĩnh vực này đòi hỏi phải trình độ chuyên môn, kiến thức đầy đủ để đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho nền sản xuất trong nước, nó hoạt động rất rộng, được áp dụng cho từng nước trên thế giới, tuy nhiên với nguồn nhân lực hiện nay tổng cộng có tất cả có 13 người, lại phải đảm đương một khối lượng việc đồ sộ, đây cũng là một trong những hạn chế trong việc thi hành nhiệm vụ đối với Cục hiện nay, tuy nhiên về phía cơ quan quản lý nhà nước chúng tôi sẽ phải cố gắng hơn nữa, để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, ông Nam cũng cho biết thêm, pháp lệnh về tự vệ thì ban hành năm 2002, pháp lệnh về chống trợ cấp và chống phá giá ban hành năm 2004, Cục QLCT đã nghiên cứu để xây dựng và sửa đổi bổ sung 3 pháp lệnh này bằng cách nâng cấp thành Luật liên quan đến lĩnh vực PVTM và hy vọng rằng, chúng tôi sẽ bổ sung những quy định về pháp lệnh PVTM thật chặt chẽ, dự kiến sẽ đệ trình lên Quốc hội vào tháng 10 năm 2016, lúc đó các hàng lang pháp lý sẽ được nâng cấp một cách khá toàn diện hơn.
Liên quan đến Hiệp định TPP, ông Nam cho biết, đây là sự thành công rất lớn của Chính phủ Việt Nam, chúng ta phải thấy rằng cơ hội để ký được Hiệp định TPP đó là một cơ hội dành cho nền kinh tế Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp Việt Nam, dành cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Song song đó cũng là một thách thức, thách thức đây chúng ta phải tuân thủ theo các cam kết mà chúng ta đã đưa ra, về phía doanh nghiệp phải xây dựng vững chắc một hành lang pháp lý, không những đủ sức đương đầu với các vụ kiện mà còn phải đủ năng lực, kiến thức để kiện các doanh nghiệp vi phạm theo quy định. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam sẽ có tính toán cụ thể hơn, trong đó có Cục QLCT, phải phát huy hết năng lực, kiến thức, ở các lĩnh vực quản lý, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo vệ nền sản xuất trong nước, thực thi tốt chức năng quản lý trong điều hành pháp luật.
Theo bà Phạm Hương Giang - Phòng xử lý các vụ kiện PVTM ở nước ngoài thuộc Cục QLCT Bộ Công Thương cho biết, theo thống kê hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài, hiện nay chịu đến 98 vụ PVTM, trong đó về chống bán phá giá có 59 vụ, riêng từ đầu năm đến nay có 11 vụ chống bán phá giá đối với hàng Việt Nam xuất khẩu, trong có 6 vụ về mặt hàng thép, nếu tính trung bình, mỗi tháng Việt Nam đối diện 01 vụ PVTM.
Ngoài ra, không chỉ Hoa Kỳ, EU điều tra PVTM đối với hàng Việt Nam, mà những thị trường đang phát triển như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, và một số nước Đông Nam Á (Thái Lan, Indonesia) cũng có xu hướng tích cực điều tra PVTM đối với hàng hóa Việt Nam.
Theo bà Giang, các sản phẩm bị điều tra hiện không những tập trung ở nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như: Thép, sợi, thủy sản, tôm, cá tra, mà ngay cả những mặt hàng có kim ngạch thấp cũng đang bị quan tâm. Xu hướng hiện nay, các nước không chỉ kiện đơn mà còn kiện kép (kiện đồng thời chống bán phá giá và chống trợ cấp), kiện chống lẫn tránh thuế (kiện một nước để ngăn chặn khả năng lẩn tránh một biện pháp thuế đã áp dụng cho nước khác) hay kiện chùm (đơn kiện đồng thời nhiều nước) và kiện domino (nước này kiện được thì nước khác cũng theo đó đi kiện).
Với tư cách là một doanh nghiệp, hiện đang đối diện với hai vụ kiện chống bán phá giá thép ở Thái Lan và Malaysia là Tôn Hoa Sen, ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng giám đốc chia sẻ thêm, không ai có thể hiểu rõ nhất ngành nghề mình đang kinh doanh bằng chính mình, vấn đề là chúng ta phải cởi bỏ tâm lý e ngại khi phải cung cấp số liệu cho Cục QLCT, bởi theo quy định của WTO các số liệu sản lượng, thị phần, doanh thu, lợi nhuận, đầu tư…, sẽ được bảo mật và phải được doanh nghiệp cung cấp thật cụ thể, thật chính xác, tôi hiểu rằng, đây là số liệu bí mật trong kinh doanh, nhưng nếu không cung cấp các số liệu này cho Cục QLCT để hỗ trợ cho chúng ta thì xem như không giúp được gì cho các doanh nghiệp, các doanh nghiệp nên cởi bỏ vấn đề này và xem đây là cơ quan hỗ trợ cho chúng ta trong các vấn đề có liên quan đến PVTM.
Ngoài ra, khi đi kháng kiện ở các cơ quan nước ngoài, các doanh nghiệp nên thông báo ngay với Cục QLCT để có những giải pháp kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó, các doanh nghiệp nên chú ý, theo quy định của TWO, muốn đứng đơn kiện, nguyên đơn phải chiếm ít nhất 25% thị phần, trong khi doanh nghiệp Việt Nam đa số là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên khó có thể đáp ứng được yêu cầu này.