Ngày 28/5, tại Bắc Giang đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP năm 2025. Sự kiện có sự tham dự của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; đại sứ quán, thương vụ các nước; cùng đông đảo doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phạm Văn Thịnh nhấn mạnh: Với gần 300.000 ha đất nông nghiệp, hệ sinh thái cây trồng phong phú và điều kiện khí hậu thuận lợi, Bắc Giang là một trong những địa phương có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Trong đó, vải thiều – đặc biệt là vải thiều Lục Ngạn – là sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, nổi bật nhất, được trồng trên 29.700 ha, chiếm hơn 60% diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Năm 2025, sản lượng vải ước đạt 165.000 tấn, trong đó 60.000 tấn vải sớm và 105.000 tấn chính vụ.
Không chỉ được canh tác theo các quy trình VietGAP, GlobalGAP và sản xuất hữu cơ, vải thiều Bắc Giang còn được bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý tại 8 quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc… và hiện đã xuất khẩu tới hơn 30 thị trường quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt nhất.


Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ thị trường, tỉnh đã cấp mã số vùng trồng cho gần 300 vùng, với tổng diện tích trên 21.000 ha, đồng thời đầu tư bài bản vào hệ thống sơ chế, đóng gói và logistics hiện đại. Bắc Giang hiện cũng có 419 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, cùng 56 sản phẩm được xác định là nông sản chủ lực và đặc trưng tiềm năng.
Song song với nông nghiệp, tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với mùa thu hoạch vải thiều. Các địa phương như Lục Ngạn, Tân Yên thu hút hàng nghìn lượt khách mỗi năm đến tham quan, hái vải, thưởng thức đặc sản và tham gia các tour cộng đồng. Năm 2025, tỉnh triển khai chương trình “Vải thiều Lục Ngạn – Tinh hoa trái cây Việt” kết hợp các hoạt động văn hóa – du lịch, qua đó tôn vinh người nông dân và lan tỏa thương hiệu vải thiều đến rộng rãi công chúng.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) – cho biết: Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bắc Giang trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử, xây dựng “câu chuyện sản phẩm” và nâng cao chất lượng nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đang tích cực tháo gỡ rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường và tạo lập các “luồng xanh” cho nông sản xuất khẩu.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp đã ký cam kết tiêu thụ vải thiều, thể hiện sự tin tưởng và đồng hành với nông sản Bắc Giang. Các đại biểu nhất trí rằng, muốn phát triển thị trường xuất khẩu bền vững, cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc minh bạch và bảo đảm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Bắc Giang trong việc phát triển nông nghiệp hàng hóa, xây dựng thương hiệu vải thiều và kết nối hiệu quả với thị trường trong và ngoài nước. Ông khẳng định: “Sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân là yếu tố quan trọng giúp Bắc Giang nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ bảo quản – chế biến sâu, qua đó kéo dài thời gian tiêu thụ, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường xuất khẩu xa.”

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội ghi nhận sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng hai nước Việt Nam – Trung Quốc trong hỗ trợ thông quan, tiêu thụ nhanh chóng và thuận lợi vải thiều qua cửa khẩu, đồng thời mở ra cơ hội cho nhiều nông sản khác của Việt Nam tiến sâu vào thị trường rộng lớn và nhiều tiềm năng này.
Ông Nguyễn Việt Oanh – Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang – khẳng định: Hội nghị xúc tiến không chỉ nhằm quảng bá sản phẩm, mà còn là thông điệp về sự tin cậy, hợp tác bền vững giữa Bắc Giang với cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng trong và ngoài nước. “Chúng tôi cam kết cung cấp thông tin minh bạch, kiểm soát tốt quy trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo chất lượng cao nhất cho sản phẩm vải thiều và các nông sản đặc trưng của tỉnh,” ông nhấn mạnh.

Hướng tới mục tiêu đưa vải thiều và các nông sản chủ lực của tỉnh vươn xa, Bắc Giang tiếp tục đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và đối tác quốc tế tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và mở rộng thị trường tiêu thụ, cả trong nước và quốc tế.
Trong năm 2025, Bắc Giang đặt quyết tâm không chỉ đạt sản lượng vải thiều cao, mà còn nâng tầm giá trị trái vải – từ một sản phẩm nông nghiệp truyền thống thành biểu tượng của nông nghiệp sạch, thông minh và hội nhập toàn cầu. Với phương châm “chất lượng là hàng đầu, thị trường là trọng tâm, người nông dân là trung tâm của chuỗi giá trị”, Bắc Giang kỳ vọng sẽ góp phần vào mục tiêu 70 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước trong năm 2025, đồng thời hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng GRDP 13,6% mà Chính phủ đã giao.


Trong khuôn khổ hội nghị, đã diễn ra lễ cắt băng xuất hành vải thiều Bắc Giang đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.