
Đây là sự kiện quan trọng, quy tụ các doanh nghiệp, nhà phân phối, đại diện cơ quan xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, tạo cú hích tiêu thụ nông sản tỉnh Bắc Giang trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.
Kết nối thị trường - lan tỏa thương hiệu
Trước đó, ngày 23/5, ông Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang chủ trì cuộc họp chuẩn bị hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều, sản phẩm OCOP năm 2025.
Hội nghị lần này không chỉ là cơ hội quảng bá hình ảnh vải thiều Bắc Giang, mà còn là dịp để hàng trăm hợp tác xã, doanh nghiệp trong tỉnh kết nối trực tiếp với các đối tác thương mại, hệ thống phân phối lớn, nền tảng thương mại điện tử và nhà nhập khẩu nước ngoài. Tỉnh kỳ vọng mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt tại Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực ASEAN.
Theo kế hoạch, Bắc Giang sẽ tổ chức chuỗi hoạt động bên lề như trình diễn sản phẩm OCOP, ký kết hợp tác tiêu thụ, tọa đàm kết nối cung cầu, và phiên giao thương trực tiếp giữa nhà sản xuất và hệ thống phân phối.
"Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và các nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP năm 2025 là sự kiện quan trọng của tỉnh, không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn là dịp quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Bắc Giang đến bạn bè, đối tác trong và ngoài nước. Do đó, các cơ quan, địa phương, đơn vị liên quan cần tiếp tục triển khai công việc chuẩn bị theo đúng kịch bản, đảm bảo hiệu quả, an toàn và thành công", ông Phan Thế Tuấn nhấn mạnh.
Theo báo cáo năm 2025, toàn tỉnh Bắc Giang có khoảng 29.700 ha diện tích trồng vải thiều. Trong đó, 16.000 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, 204 ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP và 10 ha sản xuất theo hướng hữu cơ. Dự kiến, vải tiều sớm sẽ bắt đầu thu hoạch từ ngày 20/5 đến 15/6; trong khi đó, vải chính vụ sẽ được thu hoạch từ ngày 10/6 đến 30/7.

Bắc Giang tiếp tục chú trọng quy trình canh tác an toàn sinh học, mở rộng diện tích vùng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tăng tỷ lệ truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu.
Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương siết chặt công tác kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm vải thiều đến tay người tiêu dùng đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có thể cạnh tranh ở những thị trường khó tính nhất.
Tính đến cuối năm 2024, Bắc Giang có 385 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Nhiều sản phẩm không chỉ tiêu thụ tốt tại thị trường trong nước mà còn bước đầu xuất khẩu thành công. Tiêu biểu như vải thiều Lục Ngạn Hồng Xuân đạt chuẩn OCOP 5 sao, gà đồi Yên Thế, mì gạo Chũ, đông trùng hạ thảo, mứt hoa quả sấy... đều được người tiêu dùng đánh giá cao.
Với định hướng "sản xuất gắn với thị trường", tỉnh Bắc Giang đang đẩy mạnh liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá và bán hàng.
Xúc tiến thương mại đa kênh
Một điểm sáng trong mùa vụ năm nay là việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại điện tử. Các sản phẩm vải thiều và OCOP Bắc Giang hiện đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Tiki, Lazada, Sendo…, tạo thêm kênh tiêu thụ hiệu quả, linh hoạt và tiết kiệm chi phí logistics.
Song song đó, tỉnh tăng cường hợp tác với các Tham tán Thương mại Việt Nam tại nước ngoài, các đại sứ quán và trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại quốc tế, giúp doanh nghiệp mở rộng kênh xuất khẩu và tiếp cận thông tin thị trường nhanh chóng, kịp thời.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều và sản phẩm OCOP năm 2025 được kỳ vọng sẽ mở ra một mùa vụ thắng lợi, tạo đà cho phát triển nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời, góp phần lan tỏa hình ảnh sản phẩm Bắc Giang đến với thị trường trong và ngoài nước, từng bước nâng cao vị thế của Bắc Giang trong chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản khu vực miền Bắc.