3 kết nối thúc đẩy hợp tác kinh tế qua biên giới

Tháng 10, năm 2013, Bản ghi nhớ giữa Bộ trưởng Công Thương Việt Nam và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc về xây dựng các Khu hợp tác kinh tế qua biên giới (KHTKTQBG) được ký tại Hà Nội, đã đặt nề

Vì sao nhiều bên quan tâm?

Sau đó 2 tuần, cuối tháng 10 năm 2013, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định thành lập Nhóm công tác hỗn hợp Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nhóm này có trách nhiệm xác định các lĩnh vực hợp tác, cơ chế hợp tác, trình cấp thẩm quyền xây dựng hạ tầng ở các KHTKTQBG.

Tháng 12 năm 2013, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Quảng Ninh đồng chủ trì Hội thảo “Tư vấn xây dựng các khu kinh tế qua biên giới Việt - Trung”, với sự tham gia của lãnh đạo các bộ ngành liên quan, cùng lãnh đạo các địa phương và thương nhân kinh doanh qua biên giới 2 nước. Hội thảo đã xác định, đề xuất 4 KHTKTQBG, bao gồm: Móng Cái - Quảng Tây; Đồng Đăng - Bằng Tường; Trà Lĩnh - Long Bang; Lào Cai - Vân Nam.

Trước đó, nằm trong chuỗi sự kiện Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thương mại qua biên giới, cuối tháng 9 năm 2013, Bộ Công Thương, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã tổ chức khai trương chuyên mục “Thương mại qua biên giới” trên trang điện tử Tạp chí Công thương và tổ chức Giao lưu trực tuyến “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thương mại qua biên giới” trên Tạp chí Công Thương điện tử, nhằm mở ra một kênh thông tin quan trọng hỗ trợ các cơ quan QLNN ở trung ương và địa phương, cũng như các doanh nghiệp kinh doanh thương mại qua biên giới.

Từ năm 2014 đến nay, năm nào cũng có đoàn của lãnh đạo bộ ngành trung ương 2 nước lên thăm, khảo sát các tỉnh biên giới, và lãnh đạo các tỉnh biên giới 2 nước sang thăm lẫn nhau nhằm bàn biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và đầu tư xây dựng hạ tầng.

Tháng 5 năm 2017, trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, 2 bên đã ra Thông cáo chung, trong hợp tác kinh tế nhấn mạnh: “Đẩy nhanh nghiên cứu, ký kết “Thỏa thuận tổng thể chung về xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc”. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, tại buổi làm việc giữa Bộ Công Thương Việt Nam với Bộ Thương mại Trung Quốc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, thúc đẩy đàm phán xây dựng KHTKTQBG Việt - Trung là những minh chứng cụ thể nhất cho việc hợp tác kinh tế thương mại hai bên.

Bên cạnh đó, các đối tác đa phương và song phương như ADB, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức… cũng bày tỏ quan tâm, sẵn sàng hỗ trợ nguồn vốn, kỹ thuật, đào tạo nhân lực, nghiệp vụ hải quan… cho xây dựng KHTKTQBG.

Các đối tác song phương và đa phương quan tâm đến KHTKTQBG Việt - Trung vì đây là mô hình mới, hai nước cùng quản lý 1 khu; khác hẳn với mô hình Khu kinh tế cửa khẩu - mỗi bên quản lý 1 khu. Mô hình mới cho phép lưu tốc thương mại nhanh hơn, nếu thành công sẽ là gợi ý tích cực cho các nước Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Căm pu chia, Thái Lan mở ra các KHTKTQBG, tạo ra một “vệt” tăng trưởng nối liền giữa Bắc Á và Đông Nam Á.

Giải quyết điểm xung yếu nhất

Cho đến nay, 4 KHTKTQBG giữa hai nước đã hình thành, xác định được vị trí, diện tích cụ thể, ngành nghề và định hướng các phân khu chức năng. Doanh nghiệp 2 nước cũng đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho KHTKTQBG như kho tàng, bến bãi, nhà xưởng sản xuất...

Tuy nhiên, điểm bất lợi của phía Việt Nam là giao thông. Trong quan hệ thương mại, cả hai bên sẽ cùng “thắng”. Nhưng bên nào có ưu thế lớn sẽ có lợi hơn và bên kia sẽ chịu sức ép lớn hơn trong quan hệ mậu dịch. Do đó, khắc phục điểm bất lợi giao thông cho phép hai bên cùng thắng ở mức cân bằng hơn.

4 tỉnh có KHTKTQBG, bao gồm Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh đều phát triển dựa trên 3 thế mạnh: Kinh tế qua biên giới, nông sản, du lịch, nhưng đang gặp khó khăn do giao thông hạn chế.

Tại Lào Cai và Quảng Ninh, tuyến đường đến các KHTKTQBG đang được triển khai ráo riết, nhưng hệ thống giao thông nội tỉnh còn hạn chế làm giảm khả năng khai thác thị trường chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, mà đây là 1 thế mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm xung yếu nhất nằm ở 2 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn.

Tuyến đường từ cửa khẩu Trà Lĩnh đến TP. Cao Bằng kết nối hai tuyến hành lang trung tâm theo QL 3 và QL 4A với các tỉnh Bắc Cạn, Thái Nguyên, TP Hà Nội; Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng đều là loại đường cấp thấp (cấp IV miền núi), đã xuống cấp.

Tại Lạng Sơn, mới lập đề án, chưa có lộ trình triển khai xây dựng tuyến cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng, nhất là đoạn kết nối hai KHTKTQBG giữa Trà Lĩnh của Cao Bằng, với Đồng Đăng của Lạng Sơn. Đây là tuyến đường vô cùng quan trọng, cho phép tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều theo trục đường Trùng Khánh - Quý Châu - Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc) với Trà Lĩnh (Cao Bằng) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, từ đây theo theo đường biển đến các nước Asean.

Trước những khó khăn cấp bách của 2 tỉnh, đầu năm 2017, tại buổi làm việc với tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí chủ trương triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) sang Đồng Đăng (Lạng Sơn) ngay trong giai đoạn đến 2020, thay vì sau năm 2030 như quy hoạch trước đây. 

Điểm xung yếu nhất đã được giải quyết. Nhưng để phát huy hiệu quả các tuyến đường nối với 4 KHTKTQBG thì hệ thông giao thông của các tỉnh biên giới nước ta phải đạt 3 kết nối: (i). Kết nối giao thông trục chính đến các huyện trong tỉnh; (ii) Kết nối giữa các địa phương khác dọc tuyến biên giới với Trung Quốc; và (iii). Kết nối giao thông quốc tế theo trục các tỉnh Tây, Tây Nam Trung Quốc qua các tỉnh biên giới nước ta đi Hải Phòng, theo đường biển sang Asean, hoặc đường bộ theo  đường Hồ Chí Minh, kết nối với đường xuyên Á đi các nước ASEAN.

Nếu các Khu kinh tế cửa khẩu là động lực để kim ngạch thương mại qua biên giới Việt Nam chiếm 21% tổng thương mại song phương với Trung Quốc năm 2013, duy trì ổn định ở mức 30% năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, thì 3 kết nối sẽ là động lực cho mô hình hợp tác mới - các KHTKTQBG, nâng tỷ lệ trên lên 45%-50% sau 2 năm đi vào hoạt động.


Nguyễn Văn