Ngoại thương được đặc biệt quan tâm sau giải phóng miền Bắc năm 1954. Trong Báo cáo do Tổng Bí thư Trường Chinh trình bày tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (Khóa II), tháng 7 năm 1954 đã nêu rất nhiều nội dung cấp bách cần phải làm để phục hồi, phát triển kinh tế:
- “Nhiệm vụ của chúng ta là: Phục hồi và phát triển sản xuất nông nghiệp, phục hồi và phát triển công thương nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng nền tài chính vững chắc để đạt tới ổn định vật giá, ổn định tiền tệ”.
- “Việc trao đổi hàng hóa bây giờ không phải chỉ trong phạm vi nước ta, mà còn phải mở rộng ra các nước”
Theo sách “Lịch sử Công Thương Việt Nam 1945-2010” ngoại thương thuộc hoạt động độc quyền của Nhà nước. Giai đoạn này, xuất khẩu không nhiều, chủ yếu là nhập khẩu. Hoạt động nhập khẩu chiếm tỷ trọng rất lớn là tiếp nhận viện trợ của các nước xã hội chủ nghĩa, một phần nhỏ hơn là sử dụng ngoại tệ của Nhà nước để mua hàng hóa.
Có 3 phương châm chính chỉ đạo hoạt động ngoại thương, gồm: (i) Tăng cường quan hệ với nước ngoài trên cơ sở đảm bảo chủ quyền dân tộc; (ii) Tranh thủ viện trợ quốc tế và (iii) Đẩy mạnh xuất khẩu để duy trì nhập khẩu.
Tháng 4/1958, Bộ Thương nghiệp tách ra thành Bộ Nội thương (Bộ trưởng Đỗ Mười) và Bộ Ngoại thương (Bộ trưởng Phan Anh).
Về mặt tổ chức, trong từng thời kỳ có những sự điều chỉnh, nhưng đại thể, trong Bộ Ngoại thương có Vụ Khu vực I (với các nước xã hội chủ nghĩa); Vụ Khu vực II (với các nước tư bản chủ nghĩa). Có 8 tổng công ty xuất, nhập khẩu trực tiếp hàng hóa (Agrexport, Vegetexco, Tocontap, Naforimex, Minexport, Artexport, Machinoimport, Technoimport).
Một số cơ quan khác trực thuộc Bộ Ngoại thương trực tiếp hoặc gián tiếp phục vụ công tác xuất nhập khẩu là Cục Kiểm nghiệm, Tổng công ty Thuê tàu (Vietfracht), Công ty Giao nhận hàng xuất nhập khẩu (Vietrans), Phòng Thương mại…
Ở các tỉnh, thành phố có công ty ngoại thương địa phương với nhiệm vụ tổ chức các trạm thu mua, gia công hàng xuất khẩu đặt ở những nơi trung tâm (huyện, thị xã) có nhiều hàng xuất khẩu. Ngoài ra, có một số ít xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu (mây tre đan, mành tre…) trực thuộc các tổng công ty xuất nhập khẩu của Bộ Ngoại thương.
Các công ty ngoại thương các tỉnh không được trực tiếp xuất, nhập khẩu với nước ngoài, mọi hàng hóa đều bán cho các tổng công ty trung ương hoặc ủy thác xuất qua các tổng công ty trung ương.
Về hàng hóa: Lực lượng làm công tác ngoại thương cũng đã tích cực tạo thêm nguồn hàng xuất khẩu, gồm các loại nông, lâm sản như lạc, vừng, chè, gỗ ván sàn, ba kích, thảo quả, hạt sen khô, nhãn, vải sấy khô…; Tạp phẩm có cao sao vàng, giầy vải…; Khoáng sản có Apatit Lào Cai, than Quảng Ninh và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ là hàng mây tre đan.
Giá trị xuất khẩu tăng khá nhanh. Năm 1955, kim ngạch mới đạt 6,6 triệu USD, đến 1960 đã đạt 71 triệu USD. Cơ cấu hàng xuất khẩu khá tích cực, năm 1959, hàng hóa công nghiệp và thủ công nghiệp chiếm trên 62%, hàng nông, lâm, hải sản chiếm 38% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu119.
Tuy nhiên, hàng xuất khẩu thời gian này còn manh mún, giá trị thấp, phân tán khắp nơi, nên đa số phải thu gom dần, chưa có mặt hàng nào là hàng xuất khẩu chủ lực.
Hàng nhập khẩu: Ngoài việc tiếp nhận viện trợ xây dựng các công trình, như xây dựng hệ thống các nhà máy điện, nhà máy nước, gang thép, xi măng, hệ thống các xí nghiệp cơ khí, các công trình giao thông, bến cảng, sân bay, các công trình phục vụ quốc phòng, phục vụ chiến đấu, hệ thống các nhà máy phục vụ dân sinh và xuất khẩu như dệt may, chế biến rau quả..., hàng nhập khẩu chủ yếu là những máy móc lẻ, những bộ phận linh kiện để duy trì sản xuất một số ngành công nghiệp nhẹ, phục vụ đời sống như một số hóa chất, dược liệu, dược phẩm, giấy báo…, thậm chí một vài loại nhạc cụ, một số bộ phận, linh kiện để duy trì sản xuất của một số xí nghiệp công nghiệp.
Giá trị nhập khẩu giai đoạn này cao hơn nhiều so với xuất khẩu. Năm 1955, kim ngạch nhập khẩu gấp hơn 10 lần xuất khẩu; 68,3 triệu USD. Năm 1960, cán cân ngoại thương thu hẹp hơn, nhập khẩu trị giá 116,5 triệu USD, so với xuất khẩu 71 triệu USD, bằng 64% kim ngạch xuất khẩu.
Trên phương diện kinh tế đối ngoại, ta đã thực hiện phương châm không ngừng củng cố và phát triển quan hệ kinh tế - thương mại với các nước xã hội chủ nghĩa, đồng thời mở rộng quan hệ với các nước ngoài xã hội chủ nghĩa, thuộc thế giới thứ 3, như Nam Á, Bắc Phi, Trung Cận Đông...
Bên cạnh các Hiệp định thương mại, kinh tế, kỹ thuật với các nước xã hội chủ nghĩa, Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại với Chính phủ Pháp (cuối 1955); Ấn Độ (cuối 1956); Indonesia (đầu 1957); tiếp theo sau là Cộng hòa Ả rập Thống nhất; Campuchia; Iraq,… Việt Nam cũng mở rộng quan hệ buôn bán với nhiều thị trường trong khu vực và trên thế giới. Tính đến năm 1960, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 22 nước.