Chất lượng tài sản suy giảm nhưng vẫn trong khả năng kiểm soát
Chất lượng tài sản của Ngân hàng TMCP Quân Đội (Ngân hàng Quân đội, mã cổ phiếu: MBB – sàn: HoSE) đã suy giảm đáng kể trong quý 1/2023 khi tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh lên mức 1,8%, tăng 65 điểm cơ bản so với quý 4/2022. Tỷ trọng nợ nhóm 2 trên tổng dư nợ cũng lên tới 3,5%, tăng mạnh 180 điểm cơ bản so với quý 4/2022.
Nguyên nhân chủ yếu do phát sinh từ hoạt động cho vay mảng bất động sản, bao gồm cả các khoản cho vay các doanh nghiệp phát triển bất động sản và cho vay mua nhà. Nợ xấu tăng đột biến khiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của ngân hàng này vào cuối quý 1/2023 chỉ còn đạt 138%, so với mức 238% hồi quý 4/2022.
Mặc dù sự gia tăng của nhóm nợ 2/nợ xấu của Ngân hàng Quân đội gây ra những lo ngại nhất định, VNDIRECT Research cho rằng nhà băng này vẫn có thể kiểm soát được nợ xấu cũng như tỷ lệ LLR trong năm nay.
Thị trường hiện đang ghi nhận nhiều chuyển biến theo chiều hướng tích cực trong ngành bất động sản và năng lượng tái tạo – hai lĩnh vực mà Ngân hàng Quân đội có mức dư nợ tín dụng đáng kể. Điển hình, Tập đoàn Novaland (mã cổ phiếu: NVL – sàn: HoSE) – một khách hàng lớn của Ngân hàng Quân đội trong lĩnh vực bất động sản đã có thể tái khởi động một số dự án quy mô lớn nhờ sự hỗ trợ về mặt pháp lý đến từ Chính phủ. Điều này cho phép Novaland hoàn thành các dự án và cải thiện dòng tiền.
Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhiều chủ đầu tư dự án không kịp hoàn thành thủ tục COD đã có thể nhận được mức giá mua điện tạm thời trong khi đàm phán về cơ chế giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ đó giúp giảm thiểu rủi ro vỡ nợ.
Quan trọng hơn, Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng nói chung, Ngân hàng Quân đội nói riêng trong việc kiểm soát nợ xấu vì nó cho phép các ngân hàng tái cơ cấu/duy trì phân loại nợ đối với các khoản nợ đáp ứng các tiêu chí nhất định và phân bổ chi phí dự phòng cho các khoản nợ được tái cơ cấu này trong 2 năm.
VNDIRECT Research hiện dự báo tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Quân đội sẽ đạt 1,5 – 1,6% trong giai đoạn 2023 – 2024; chi phí dự phòng nợ xấu năm 2023 và năm 2024 của nhà băng này có thể lần lượt ở mức 9.200 tỷ đồng và 11.100 tỷ đồng.
NIM sẽ vẫn thuộc top đầu thị trường
Theo VNDIRECT Research, tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) hợp nhất của Ngân hàng Quân đội trong giai đoạn 2023 – 2024 có thể đạt 5,6%, giảm nhẹ so với mức 5,8% trong năm 2022.
Trong quý 1/2023, tỷ lệ NIM hợp nhất của Ngân hàng Quân đội đạt 5,7%, tăng 10 điểm cơ bản so với quý 1/2022. So với quý 4/2022, tỷ lệ NIM hợp nhất của nhà băng này chỉ giảm 10 điểm cơ bản. Đây được xem là kết quả tốt hơn nhiều so với các ngân hàng cùng có tỷ trọng cho vay cao ở mảng bất động sản và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Tỷ lệ NIM của Ngân hàng Quân đội trong quý 1/2023 chủ yếu được hỗ trợ nhờ vị thế tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở mức 35,5% - thuộc top đầu thị trường và nhà băng này không phải chạy đua lãi suất huy động vào cuối năm 2022 như các tổ chức tín dụng khác nhờ vị thế thanh khoản dồi dào.
Các chuyên gia phân tích thuộc VNDIRECT Research nhận định, nếu bỏ qua những bất ổn trong ngắn hạn, Ngân hàng Quân đội có tiềm năng tăng trưởng hấp dẫn trong dài hạn. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của nhà băng này có thể đạt mức trên trung bình ngành nhờ được hỗ trợ bởi nguồn vốn dồi dào, việc tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém, và lợi thế ở các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao như năng lượng tái tạo hay bán lẻ.
Bên cạnh đó, với lợi thế tỷ lệ CASA đầu ngành, Ngân hàng Quân đội sẽ có lợi thế về chi phí vốn, giúp duy trì tỷ lệ NIM ở trong nhóm tốt nhất thị trường. Ngoài ra, Ngân hàng Quân đội đang sở hữu hệ sinh thái dịch vụ tài chính đa dạng hỗ trợ tăng trưởng bền vững trong dài hạn, bao gồm cho vay tiêu dùng, bảo hiểm (nhân thọ và phi nhân thọ), môi giới chứng khoán và quản lý quỹ.
Các công ty con và liên kết cung cấp dịch vụ ngoài hoạt động cho vay truyền thống đã đóng góp vào 11% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng Quân đội trong năm 2022, với dư địa tăng trưởng đáng kể.