3 yếu tố giúp Vĩnh Phúc thu hút FDI, DDI ngoạn mục

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc, có 3 yếu tố thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp FDI cũng như DDI khi tìm hiểu và quyết định đầu tư vào một địa phương.
Dây chuyền sản xuất Honda tại Vĩnh Phúc
Dây chuyền sản xuất Honda tại Vĩnh Phúc

 

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện tỉnh Vĩnh Phúc đã thu hút được hơn 5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong đó, có sự hiện diện của nhiều tập đoàn toàn cầu như: Toyota, Honda, Sumitomo (Nhật Bản); Piaggio (Italia); De Heus (Hà Lan); Deawoo; Patron Vina, Heasung Vina, Cammsys (Hàn Quốc); Prime Group (Thái Lan); Weldex (Hoa Kỳ)…

Bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài, Vĩnh Phúc cũng nhận được sự quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong nước, điển hình như: FLC, VinGroup, SunGroup, Công ty Hồng Hạc Đại Lải, Sông Hồng Thủ đô, Thép Việt Đức… tất cả những nhà đầu tư này đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Vĩnh Phúc.

Với phương châm “Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp chính là thành công của tỉnh”, tỉnh đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, trong đó coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ bằng giải pháp quan tâm và giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh.

Do đó, nếu năm 1998 toàn tỉnh chỉ có 8 dự án FDI và 1 dự án DDI (dự án đầu tư trong nước) thì hết năm 2019 tổng số dự án còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 1.139 dự án; gồm 755 dự án DDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 80,9 nghìn tỷ đồng và 384 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 5,02 tỷ USD).

Trong đó, số dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh là 645 dự án (gồm 281 dự án FDI và 364 dự án DDI), chiếm 56,63% tổng số dự án còn hiệu lực với số vốn thực hiện các dự án FDI đạt 62,09% và các dự án DDI đạt 36,36% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa tỉnh Vĩnh Phúc với Phòng Công nghiệp và Thương mại AHK, Phòng Thương mại châu Âu, Phòng Thương mại Hoa Kỳ
Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa tỉnh Vĩnh Phúc với Phòng Công nghiệp và Thương mại AHK, Phòng Thương mại châu Âu, Phòng Thương mại Hoa Kỳ

 

Từ chỗ chỉ có 1 khu công nghiệp với quy mô 50ha (KCN Kim Hoa) vào năm 1998, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch tổng số 50 KCN và cụm công nghiệp (CCN) với tổng diện tích 5.897,23ha. Toàn tỉnh hiện có 9 khu công nghiệp được thành lập và cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích quy hoạch là 1.842,62ha.

Số liệu từ Ban quản lý Khu công nghiệp (KCN) tỉnh Vĩnh Phúc, dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh sẽ thu hút thêm 25 dự án FDI vào các khu công nghiệp và có 20 lượt dự án tăng vốn với tổng số vốn tăng 100 triệu USD, nâng tổng số dự án FDI thu hút được giai đoạn 2016 – 2020 lên 198 dự án.

Về thu hút đầu tư dự án DDI, dự kiến hết năm 2020, toàn tỉnh thu hút được 10 dự án với tổng vốn đăng ký 2.900 tỷ đồng, nâng tổng số dự án DDI thu hút được giai đoạn 2016 – 2020 lên 40 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 7.800 tỷ đồng.

Nói về sự thành công này, Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc chia sẻ: Hạ tầng sạch - Giao thông thuận lợi - Giá thuê đất hợp lý là 3 yếu tố giúp Vĩnh Phúc thu hút FDI, DDI ngoạn mục.

Thành công thu hút đầu tư mang lại bức tranh màu hồng cho kinh tế Vĩnh Phúc. Giai đoạn 2016 - 2020, tăng trưởng kinh tế duy trì mức tăng trưởng khá với mức tăng bình quân 8,05%/năm; công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, tăng trưởng bình quân đạt 10,61%/năm.

Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 103,1 triệu đồng/người, đứng thứ 4/11 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 10/63 tỉnh/thành phố cả nước; năng suất lao động đạt 186,63 triệu đồng/lao động.

Kỳ Sơn