35 năm với sự nghiệp đào tạo

Trường Trung học Kỹ thuật công nghiệp Thực phẩm được thành lập năm 1969. Trải qua 35 năm xây dựng và phát triển, Trường đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong công tác đào tạo. Nhân dịp kỷ ni

P.V: Xin ông cho biết vài nét về thành tích của Nhà trường trong những năm qua?

Ông Phạm Minh Tuấn: Trường Trung học kỹ thuật công nghiệp thực phẩm trực thuộc Bộ Công nghiệp có nhiệm vụ đào tạo cán bộ Trung học ngành kỹ thuật chế biến, bảo quản, kiểm nghiệm lương thực và thực phẩm cho đất nước.

35 năm qua, Nhà trường luôn bám sát tiến trình đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất để đổi mới hoạt động giảng dạy, thường xuyên nghiên cứu hoàn chỉnh mục tiêu, nội dung, hệ thống phương pháp dạy và học, đáp ứng yêu cầu của thực tế sản xuất. Đến nay, Nhà trường đã đào tạo ổn định 11 ngành nghề với 38 khoá học sinh gồm: 7.681 cán bộ  trung học hệ tập trung cho các xí nghiệp từ Gia Lai, Kontum, Quảng Nam , Đà Nằng trở ra, phục vụ các xí nghiệp chế biến lương thực thực phẩm Trung ương và địa phương; 3.864 học sinh hệ tại chức cho CBCNV các doanh nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp, các sở công nghiệp và thủ công nghiệp các tỉnh phía Bắc.

Nhằm đa dạng hoá ngành nghề đào tạo, ngoài 5 ngành truyền thống và mũi nhọn, từ năm 2001-2002, Nhà trường đã mở thêm 4 ngành mới, qui mô đào tạo ổn định với lưu lượng 500-600 học sinh/năm.

Ngoài ra, Nhà trường đã tập trung cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất tương đối khang trang, đáp ứng công tác đào tạo. Đến nay, Nhà trường đã đầu tư xây dựng được 7 phòng thí nghiệm, 3 xưởng thực hành, cải tạo 24 phòng học lý thuyết, với các trang bị các thiết bị khá hiện đại cho thực hành, thực tập, với tổng số vốn đầu tư nhiều tỷ đồng.

Nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đội ngũ giáo viên của Trường hàng năm được cử đi học các lớp lý luận chính trị, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm... Đến nay, Trường có 70 giáo viên, chiếm 70% tổng số CBCNV Nhà trường, 85% giáo viên đã hoàn thành chương trình sư phạm, 70% cán bộ giáo viên có trình độ lý luận chính trị trung cấp, nhiều giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh và Bộ.

Nhờ có đội ngũ giáo viên có đủ năng lực trình độ và cơ sở vật chất ngày một hoàn thiện nên công tác đào tạo của Trường ổn định và ngày càng phát triển. Nhiều phòng, khoa, tổ bộ môn đã được trang bị phương tiện làm việc hiện đại công tác chuyên môn, nghiệp vụ soạn thảo văn bản, giáo án giáo trình đều được thực hiện trên máy vi tính. Đội ngũ giáo viên cán bộ đã trở thành chỗ dựa vững chắc, là hạt nhân, nòng cốt trong việc "dạy nghề và dạy người".

Do đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo trong nhiều năm, Nhà trường đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Lao động hạng Ba, 1 Huân chương lao động hạng Nhì, 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Phú Thọ trao tặng kỷ niệm chương Hùng Vương, Bộ Công nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng nhiều Bằng khen, 20 giáo viên của Trường được tặng Huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục", 15 giáo viên được tặng Huy chương "vì sự nghiệp công nghiệp", 5 cán bộ được tặng Huy chương vì sự nghiệp công  đoàn, 4 cán bộ được tăng Huy chương "vì thế hệ trẻ", 2 giáo viên được phong tặng danh hiệu "Nhà giáo ưu tú". Trong nhiều năm liên tục, Nhà trường được Bộ Công nghiệp công nhận là Trường tiên tiến xuất sắc.

P.V: Theo Ông, nguyên nhân nào đã mang lại thành công đó ?

Để đạt được những kết quả trên chúng tôi đã tập  trung thực hiện các giải pháp sau:

- Gắn công tác đào tạo với các trường, các doanh nghiệp, các địa phương. Trong những năm qua, Nhà trường đã liên kết với Trường Đại học Bách khoa đào tạo được 2 khoá đại học tại chức chuyên ngành thực phẩm và quản trị kinh doanh, liên kết với Đại học Kinh tế quốc dân đào tạo được 1 khóa cho cán bộ quản lý. Sự hợp tác này không những tạo "đầu ra" cho sản phẩm đào tạo mà còn giúp Trường nắm vững thông tin, yêu cầu từ các doanh nghiệp có trình độ quản lý và công nghệ tiên tiến, tạo cơ sở để Nhà trường đổi mới, điều chỉnh mục tiêu đào tạo, đáp ứng đòi hỏi đa dạng của thị trường lao động.

- Tập trung xây dựng mới kế hoạch đào tạo và điều chỉnh cải tiến 12 giáo trình, biên soạn 10 giáo trình chuyên môn. Xây dựng 25 chương trình môn học cho trung học chuyên nghiệp, 20 chương trình môn học cho đào tạo công nhân theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bổ sung những chuyên đề thực tế vào bài giảng cơ sở và chuyên môn cho 8 ngành học gồm 9 chuyên ngành.

- Gắn công tác nghiên cứu khoa học với nhiệm vụ đào tạo. Trong những năm qua, Trường đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học các cấp. Nhiều đề tài đã được áp dụng vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: sản xuất bia thủ công (trước đây), chế biến men; Khử Alđehyt có trong rượu với nguyên liệu sử dụng là sắn, ngô; Xây dựng quy trình sản xuất rượu vang; Xây dựng quy trình phân tích dịch bã bia, quy trình làm mực viết bảng Foóc...11 đề tài về nâng cao chất lượng sản phẩm thực phẩm, 1 đề tài cấp quốc gia về phân loại nâng cấp chè thành phẩm.

- Để đẩy mạnh phong trào thi đua học tốt, Nhà trường đã tổ chức hội thảo, diễn đàn chuyên môn, câu lạc bộ môn học, câu lạc bộ chuyên đề, diễn đàn học tập trong thanh niên, đổi mới phương pháp đào tạo "học đi đôi với hành", sinh hoạt đầu năm học, đầu khoá học, kết hợp với các hoạt động văn thể, tự quản...

P.V: Cũng như bao cơ sở đào tạo khác, bên cạnh những thuận lợi, Trường còn gặp một số khó khăn, trở ngại. Xin ông cho biết cụ thể những khó khăn này?

Hiện nay, nhìn chung thu nhập của cán bộ và giáo viên tại các cơ sở đào tạo còn gặp khó khăn. Từ đó làm cho khả năng thu hút các giáo viên có năng lực trình độ cao cũng bị hạn chế. Ngoài ra, nguồn kinh phí cấp cho Nhà trường còn hạn hẹp, trang thiết bị dạy học còn thiếu ảnh hưởng đến việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo... Để nâng cao chất lượng đào tạo, trong những năm tới, ngoài những nỗ lực của thầy và trò, Nhà trường rất mong được sự quan tâm hơn nữa của Tỉnh Phú Thọ và Bộ Công nghiệp về kinh phí đầu tư  xây dựng cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị dạy-học, đào tạo đội ngũ giáo viên... Có như vậy, Nhà trường mới có thêm điều kiện phát triển.

P.V: Xin Ông cho biết hướng phát triển của Nhà trường trong những năm tới?

Trong những năm tới, hướng phát triển của Nhà trường là: Mở rộng  quy mô đào tạo, tiếp tục mở thêm ngành đào tạo mới cho ngành chế biến thực phẩm, đồng thời đảm bảo chất lượng đào tạo ngày càng tăng cho cả cấp học TNCN và công nhân lành nghề về các chuyên ngành đào tạo; Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, chủ yếu tập trung vào các đề tài ứng dụng khoa học kỹ thuật, gắn Nhà trường với doanh nghiệp sản xuất. Đặc biệt, chú ý đến các đề tài về sư phạm và quản lý giáo dục; Tăng cường nhiệm vụ dịch vụ đào tạo và chuyển giao công nghệ các đề tài đã được nghiên cứu và thực nghiệm tại xưởng công nghệ. Phấn đấu được nâng cấp thành Trường Cao đẳng thực phẩm.

P.V: Xin cảm ơn Ông. Nhân dịp đầu Xuân Quý Mùi, xin chúc Ông và các thầy cô giáo sức khoẻ và đạt được nhiều thành tích mới./. 

 

  • Tags: