Theo yêu cầu của Chính phủ, Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022 phải được xây dựng dựng trên cơ sở đánh giá đầy đủ, chính xác tình hình và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 và dự báo tình hình trong nước, thế giới và khu vực trong giai đoạn tới tác động, ảnh hưởng đến phát triển KTXH của đất nước, trong đó tập trung vào các nội dung: Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển KTXH năm 2022; Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển KTXH năm 2022; Mục tiêu chủ yếu và một số cân đối lớn; Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Trong đó, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2022 bảo đảm thống nhất với mục tiêu chung, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương.
Một nhiệm vụ cơ bản, xuyên suốt qua nhiều nhiệm kỳ qua là kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Bên cạnh đó, tình hình mới đòi hỏi tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số.
Và cuối cùng, 1 nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ thời kỳ Đổi mới đến nay là đẩy mạnh việc rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước; tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh bằng các giải pháp phù hợp; chủ động xử lý hiệu quả những vấn đề tồn đọng kéo dài…
Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kế hoạch của các ngành, lĩnh vực và các cấp địa phương phải phù hợp với quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch, Chiến lược phát triển KTXH 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 của cả nước, kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025 của địa phương.
Trong đó, các mục tiêu, định hướng và giải pháp, chính sách phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với khả năng thực hiện của các ngành, các cấp, các địa phương, gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; gắn kết chặt chẽ giữa kế hoạch phát triển KTXH và kế hoạch đầu tư công.
Cũng theo đề xuất của Bộ này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì xây dựng chỉ tiêu lạm phát (Chỉ số giá tiêu dùng – CPI) năm 2022. 4 Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để đề xuất xây dựng một số cân đối lớn của nền kinh tế năm 2022.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cũng được yêu cầu đánh giá và ước thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2021 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách. Nội dung đánh giá nêu rõ các công việc đã triển khai, kết quả đạt được 6 tháng và ước cả năm, những khó khăn, hạn chế để có biện pháp khắc phục.
Trong đó, các nội dung cần tập trung đánh giá là thực hiện nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội về phát triển KTXH và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp được giao để đạt được các mục tiêu phát triển KTXH năm 2021.