Xác định lại thời kỳ quá độ
Thời kỳ quá độ được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI xác định lại . Sau khi phân tích đúng đắn nguyên nhân của tình hình khủng hoảng kinh tế - xã hội từ nhiều năm trước, Đại hội đã đề ra đường lối đổi mới kinh tế toàn diện cho đất nước trong thời kỳ mới, khẳng định và bổ sung, hoàn thiện các chủ trương chính sách đổi mới kinh tế, đổi mới phát triển công nghiệp và thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa.
Trong đó, nội dung quan trọng nhất là sự chuyển hướng từ thời kỳ quá độ sang xác định lại là chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ. Nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn, tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa ở giai đoạn tiếp theo; đưa nông nghiệp lên vị trí hàng đầu, nhấn mạnh vai trò to lớn của công nghiệp nhẹ, tiểu thủ công nghiệp; phát triển công nghiệp nặng một cách có chọn lọc, hợp với sức mình, nhằm phục vụ đắc lực cho 3 chương trình kinh tế, không bố trí xây dựng công nghiệp vượt quá điều kiện cũng như khả năng cho phép.
4 mục tiêu căn bản
Trên cơ sở đó, Đại hội xác định những mục tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội cho những năm còn lại của chặng đường đầu tiên:
Thứ nhất, sản xuất đủ tiêu dùng và có tích lũy. Hướng mọi cố gắng vào việc đáp ứng những nhu cầu cấp bách và thiết yếu của xã hội, dần dần ổn định và tiến lên cải thiện một bước đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân.
Thứ hai, bước đầu tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý nhằm phát triển sản xuất, trước hết là cơ cấu các ngành kinh tế, phù hợp với tính quy luật về sự phát triển các ngành sản xuất vật chất, phù hợp với khả năng của đất nước, phù hợp với sự phân công lao động và hợp tác quốc tế. Cơ cấu kinh tế đó bảo đảm cho nền kinh tế phát triển cân đối với nhịp độ tăng trưởng ổn định. Thông qua việc sắp xếp lại sản xuất, xây dựng thêm một số cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết, để tạo ra một cơ cấu kinh tế hợp lý, hướng vào việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện một bước quan hệ sản xuất mới phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Củng cố thành phần kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể một cách toàn diện, cả về chế độ sở hữu, chế độ quản lý, chế độ phân phối.
Thứ tư, tạo ra chuyển biến tốt về mặt xã hội. Giải quyết một phần quan trọng việc làm cho người lao động và bảo đảm về cơ bản phân phối theo lao động. Thực hiện công bằng xã hội phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam. Nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật của nhân dân, củng cố kỷ cương xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự công cộng, thực hiện nguyên tắc: mọi người sống và làm việc theo pháp luật.
Giữa năm 1988 trở đi, các chủ trương, chính sách đổi mới bắt đầu mang lại kết quả rõ rệt, tình hình kinh tế và đời sống nhân dân dần dần được cải thiện, sinh hoạt dân chủ trong xã hội ngày càng được phát huy, lòng tin của nhân dân vào công cuộc đổi mới tăng lên